Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm ký sinh trùng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Nhiễm ký sinh trùng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nhức nhối, đặc biệt phổ biến tại những vùng có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Khí hậu nóng ẩm, môi trường sống nhiều mầm bệnh cùng thói quen sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh là điều kiện lý tưởng cho các loại ký sinh trùng sinh sôi, phát triển và lây lan.
Tổng quan chung
Ký sinh trùng là những sinh vật muốn tồn tại phải sống nhờ vào sinh vật đang sống khác như con người, động vật và thực vật. Những sinh vật bị ký sinh gọi là vật chủ. Ký sinh trùng sẽ chiếm sinh chất của vật chủ để tồn tại và phát triển. Ký sinh trùng y học là lĩnh vực nghiên cứu những ký sinh trùng ký sinh và gây bệnh ở người.
Ký sinh trùng ở người có nhiều hình thức ký sinh như:
- Ký sinh hoàn toàn: còn gọi là ký sinh bắt buộc suốt đời như giun đũa, giun tóc, giun móc. Hoặc ký sinh không hoàn toàn: là hình thức ký sinh tạm thời, lúc ký sinh, lúc tự do sinh côn trùng hút máu.
- Nội ký sinh: là hình thức ký sinh bên trong cơ thể người như sán dây, sán lá gan,… Hoặc ngoại ký sinh là hình thức ký sinh bên ngoài cơ thể như bám vào da hay hút máu qua da như tiết túc y học. Có loại ký sinh trùng trên da người, cũng có loại ký sinh trùng dưới da.
- Ký sinh trùng có thể chỉ ký sinh trên một loài vật chủ nhất định, nếu lạc chỗ chúng sẽ không tồn tại được như giun đũa. Hoặc ký sinh trùng có khả năng ký sinh và phát triển trên nhiều vật chủ khác nhau như sán lá phổi, sán lá gan,…
Triệu chứng
Người nhiễm ký sinh trùng có thể có những biểu hiện dưới đây:
- Sốt kéo dài: Nhiễm ký sinh trùng thường có dấu hiệu sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm cơ thể rét run hoặc có thể sốt trong thời gian ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi sốt kèm đau bụng, tiêu chảy, chán ăn.
- Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa hoặc có các biểu hiện tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng là dấu hiệu thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Chất thải ký sinh trùng có thể gây táo bón, đầy hơi, buồn nôn cho người nhiễm bệnh.
- Biểu hiện ngứa hoặc nổi mề đay: Bệnh ký sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, viêm nhiễm.
- Sụt cân, suy dinh dưỡng: Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Cơ thể người bệnh dễ gặp triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, ngoài ra, một số loài ký sinh trùng hút máu, dinh dưỡng từ vật chủ sẽ khiến vật chủ sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
- Ngứa vùng hậu môn: Ngứa hậu môn là đặc trưng của người nhiễm giun, đặc biệt là giun kim. Người nhiễm thường bị ngứa quanh hậu môn vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng.
- Thiếu máu: Phần lớn ký sinh trùng sau khi ký sinh vào cơ thể người sẽ hút máu, của vật chủ để duy trì sự sống, phát triển và sinh sôi. Do đó, người nhiễm ký sinh trùng không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Thay đổi tính cách: Nếu nhiễm ký sinh trùng, tâm lý của người bệnh sẽ thay đổi trở nên lo lắng, bất an, thậm chí ảnh hưởng thần kinh qua các biểu hiện kém tập trung, suy giảm trí nhớ.
Nguyên nhân
Bệnh ký sinh trùng dễ xâm nhiễm khi có các yếu tố thuận lợi, nhất là tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện tốt cho các loài ký sinh trùng dễ phát tán, sinh sôi. Ngoài ra, tập tục sinh hoạt cũng tạo điều kiện cho ký sinh trùng có cơ hội “tấn công” con người.
Nhiễm ký sinh trùng có thể xảy ra thông qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm:
- Thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm: Thực phẩm chưa được nấu chín kỹ và nước uống không đảm bảo vệ sinh là nguồn lây nhiễm phổ biến.
- Tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm: Đặc biệt là trong các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
- Tiếp xúc với động vật bị nhiễm: Nhiều loại ký sinh trùng có thể lây từ động vật sang người.
- Côn trùng truyền bệnh: Muỗi, ve, và ruồi là các loài côn trùng có thể truyền ký sinh trùng gây bệnh.
Tại Việt Nam do điều kiện khí hậu và tập tục sinh hoạt của một số địa phương còn lạc hậu dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Điển hình như việc lấy phân động vật bón cho cây trồng như rau, cây ăn trái chưa qua xử lý, tạo điều kiện ký sinh trùng xâm nhiễm. Ngoài ra, nhiều người không tuân thủ ăn chín, uống sôi.
Đối tượng nguy cơ
Những nhóm người có nguy cơ cao bị nhiễm ký sinh trùng bao gồm:
- Trẻ em: Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và thói quen chơi đùa ngoài trời làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
- Người sống trong điều kiện vệ sinh kém: Thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường không đảm bảo là yếu tố nguy cơ cao.
- Người đi du lịch hoặc sinh sống ở vùng nhiệt đới: Các khu vực nhiệt đới là nơi cư trú của nhiều loại ký sinh trùng.
- Người có hệ miễn dịch suy giảm: Những người mắc bệnh mãn tính hoặc đang điều trị các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch.
Chẩn đoán
Xét nghiệm ký sinh trùng là biện pháp được sử dụng nhiều nhất và chi phí hợp lý nhất hiện nay để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất về loại ký sinh trùng ẩn náu, tồn tại trong cơ thể người bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tùy mỗi loại ký sinh trùng khác nhau, mà có phương pháp xét nghiệm phù hợp như: xét nghiệm phân, máu, sinh học phân tử PCR, ngoài ra có thể sử dụng thêm những phương pháp hỗ trợ để xác định chuẩn xác như máy CT, MRI.
- Xét nghiệm phân: xét nghiệm tìm ký sinh trùng đường ruột để tìm trứng, ấu trùng, kén (bào nang), thể hoạt động của ký sinh trùng đào thải qua phân. Phương pháp này thường dùng kính hiển vi quan sát.
- Xét nghiệm máu: có 2 phương pháp sử dụng là xét nghiệm huyết thanh và phết máu ngoại vi. Phương pháp huyết thanh học giúp tìm kháng thể hoặc kháng nguyên của ký sinh trùng sinh ra khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng.
- Xét nghiệm mẫu da, tóc, móng, dịch tiết: Tùy từng loại ký sinh trùng sẽ có phương pháp xét nghiệm mẫu khác nhau, như sử dụng kỹ thuật nhuộm mực, nuôi cấy mô tìm các vi nấm.
- Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng với máy móc hiện đại, camera sắc nét, chức năng phóng đại sẽ giúp phát hiện ký sinh trùng trong đường ruột.
- Xét nghiệm vật chủ trung gian gây bệnh: Ngoài xét nghiệm người bệnh, chúng ta có thể xét nghiệm thức ăn, nước uống, đất tìm nguồn trung gian lây bệnh. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để kiểm tra bạch cầu ái toan trong máu tăng cao hay không, xét nghiệm men gan, tổng phân tích nước tiểu…
- Chẩn đoán hình ảnh bằng X- quang, MRI, CT, siêu âm: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang, MRI, CT để chẩn đoán hỗ trợ các tổn thương, biến chứng mà ký sinh trùng tấn công các cơ quan chủ chốt như tim, gan, phổi, não…
Phòng ngừa bệnh
Rèn luyện thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân
- Cần cắt móng tay gọn gàng, sạch sẽ, bỏ thói quen ngậm hay mút tay, sờ tay lên vùng mắt, mũi miệng, vùng vết thương hở.
- Rửa tay thường xuyên và đều đặn mỗi ngày, cần rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh…
- Dùng bộ đồ vệ sinh cá nhân riêng: bàn chải đánh răng, khăn mặt, lược chải đầu…
- Thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn thực phẩm tươi sống chẳng hạn như gỏi cá sống, thịt tái,…
- Thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân: Đồ dùng cá nhân không vệ sinh thường xuyên sẽ có nguy cơ là nơi khu trú, sinh sống của ký sinh trùng gồm: đồ chơi, quần áo, vật dụng cá nhân. Do đó, chúng ta phải vệ sinh đồ dùng, đồ chơi bằng cách tẩy rửa, khử trùng, đặc biệt là đồ chơi cho trẻ nhỏ. Trẻ hay cầm nắm, chơi đùa, cho vào miệng từ đó tạo cơ hội giun, sán xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.
- Ăn uống hợp vệ sinh: Người lớn cần hạn chế thói quen ăn đồ tái, sống phổ biến như: tiết canh, cá sống, các loại rau xanh…. và tránh ăn uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
- Tẩy giun định kỳ: Tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn là cách phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng hiệu quả. Chúng ta cũng được chuyên gia khuyến cáo cần tẩy giun định kỳ, ngoại trừ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Trang bị kín khi đi khám phá những nơi hoang dã: Nhiều loài ký sinh trùng nguy hại sinh sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là vùng hoang dã, khí hậu ẩm ướt. Khi chúng ta đi du lịch đến những nơi này cần trang bị quần áo, tắm rửa, khử khuẩn sạch sẽ đồ đạc cá nhân thường xuyên, tránh nguy cơ ký sinh trùng có thể bám vào quần áo, bám trên da, vết thương hở… từ đó có cơ hội đi vào cơ thể.
Điều trị như thế nào
Một số bệnh ký sinh trùng có thể điều trị tại nhà, một số có thể can thiệp điều trị tại cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh ký sinh trùng nguy hiểm phải điều trị tại cơ sở y tế và theo phác đồ của Bộ Y tế.
Điều trị nhiễm ký sinh trùng thường bao gồm:
- Dùng thuốc kháng ký sinh trùng: Thuốc này giúp tiêu diệt ký sinh trùng và ngăn ngừa các biến chứng.
- Chăm sóc hỗ trợ: Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt và các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục.
- Theo dõi và điều trị biến chứng: Điều trị các biến chứng như thiếu máu, suy dinh dưỡng hoặc các tổn thương nội tạng do ký sinh trùng gây ra.
Các triệu chứng của bệnh nhiễm ký sinh trùng thường khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như đau bụng, tiêu chảy, suy nhược cơ thể,… Do đó, nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Xổ giun định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế là một trong những cách hiệu quả nhất để loại bỏ ký sinh trùng ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn chín uống sôi thực phẩm, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Hãy nâng cao ý thức phòng chống nhiễm ký sinh trùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hãy nhớ rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.