Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh nhồi máu cơ tim cấp là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tổng quan chung
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim hoàn toàn do nhiều nguyên nhân dẫn đến hoại tử mô cơ tim.
Nhồi máu cơ tim cấp là thể nặng nề nhất của bệnh lý thiếu máu cơ tim cục bộ. Bệnh thường khởi phát đột ngột và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như: loạn nhịp tim, suy tim,…. hoặc thậm chí gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao với 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh, và thường trước khi được cấp cứu tại các cơ sở y tế. Hiện nay ở nước ta chưa có thống kê đầy đủ về bệnh lý này, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim đang có xu hướng tăng lên.
Triệu chứng
Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp không giống nhau ở tất cả các bệnh nhân, mức độ biểu hiện tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, liên quan trực tiếp đến vùng hoại tử của cơ tim.
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh. Người bệnh đột ngột cảm thấy nặng ngực vùng sau xương ức, cảm giác như có vật gì đó đè lên, kéo dài trong khoảng từ 5 đến 15 phút. Đau ngực trong nhồi máu cơ tim thương lan dọc theo cánh tay lên vai, cổ và hàm dưới. Khi đau, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, khó thở… các thuốc giảm đau thông thường không giúp làm giảm nhẹ triệu chứng.
Một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp không có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng và đặc hiệu gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm bệnh. Tiêu chảy, cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, hôn mê, rối loạn nhịp đều có thể là triệu chứng khiến người bệnh nhồi máu cơ tim đi nhập viện. Ở các tình huống này, việc chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Khi thăm khám bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng như:
- Rối loạn huyết động: huyết áp có thể tăng do tăng tiết catecholamine hoặc giảm thấp nếu có suy tim nặng; mạch có thể rất nhanh hoặc chậm
- Tĩnh mạch cổ nổi
- Nghe phổi thấy rale
- Nghe tim thấy tiếng tim thường nhỏ
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp
Nguyên nhân trực tiếp của nhồi máu cơ tim cấp là sự thiếu hụt dòng máu đến nuôi dưỡng các mô cơ tim. Giống với các cơ quan khác trong cơ thể người, cơ tim cũng cần được nhận máu để nuôi dưỡng và hoạt động. động mạch vành là động mạch chính nuôi dưỡng cơ tim. Với bất kỳ một lý do nào đó, khi dòng máu qua động mạch vành giảm sút đột ngột và kéo dài trong thời gian nhất định, tế bào cơ tim sẽ thiếu oxy, hoại tử và gây nên bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp trên lâm sàng.
Xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu trong nhồi máu cơ tim cấp. mảng xơ vữa trong lòng mạch gây hẹp lòng động mạch dẫn đến hiện tượng giảm dòng máu nuôi dưỡng cơ tim từ từ. nhồi máu cơ tim cấp chỉ xảy ra khi mảng xơ vữa nứt vỡ ra khỏi thành mạch và di chuyển, hình thành nên cục máu đông với nhiều tiểu cầu bám dính xung quanh, gây tắc mạch hoàn toàn.
Các can thiệp trên động mạch vành như đặt stent nong mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có thể là nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim cấp. cục máu đông có thể hình thành ở các vị trí đặt stent gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.
Cục máu đông trong lòng động mạch vành còn có thể hình thành từ các nguyên nhân sau:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Van tim nhân tạo
- U nhầy
- Huyết khối thành tim
- Bệnh lý viêm mạch máu như Takayasu, Kawashaki
- Bệnh lý tăng đông
Nhồi máu cơ tim cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân không liên quan đến cục máu đông như co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch chủ, dị dạng động mạch bẩm sinh. Những nguyên nhân này chiếm tỷ lệ thấp và thường khó khảo sát.
Đối tượng nguy cơ
Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở những người có các đặc điểm sau:
- Giới tính nam
- Tuổi trên 55
- Tiền sử gia đình có người mắc nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý tim mạch, bệnh liên quan đến động mạch vành.
- Hút thuốc lá với số lượng nhiều, kéo dài trong nhiều năm
- Lười vận động
- Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, không hợp lý
- Thừa cân, béo phì
- Tăng cholesterol máu
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý tăng đông máu
- Lối sống stress, nhiều căng thẳng, trầm cảm, cô lập xã hội
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cần có sự kết hợp giữa khai thác bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
- Điện tâm đồ (ECG): ST chênh lên và sự thay đổi sóng T là những biểu hiện thường thấy của nhồi máu cơ tim cấp. sự xuất hiện của sóng Q chứng tỏ cơ tim đã bị hoại tử và tạo sẹo. vị trí các điện cực xuất hiện các sóng gợi ý vị trí vùng cơ tim bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý trong một vài trường hợp nhồi máu cơ tim, điện tâm đồ của bệnh nhân vẫn hoàn toàn bình thường.
- Định lượng men tim: troponin I, troponin T, CKMB là những chất chỉ điểm khi cơ tim bị tổn thương, tăng lên sau vài giờ.
- Chụp động mạch vành: là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất giúp quyết định các điều trị bệnh phù hợp với từng bệnh nhân.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, vấn đề phòng tránh mắc bệnh và hạn chế biến chứng nhồi máu cơ tim cấp rất được quan tâm. Điều này có thể được thực hiện bằng các biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn khoa học: Nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung. Nên ăn nhiều cá béo vì chúng chứa omega-3 rất tốt cho tim mạch.
- Không hút thuốc lá và các chất kích thích khác
- Thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày trong 3 ngày/ tuần
- Xây dựng lối sống vui vẻ và cân bằng, tránh các căng thẳng
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì
- Kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường,…; cần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần hoặc khi có bất thường để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu…
- Đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện các triệu chứng bất thường
Hy vọng qua bài viết này giúp bạn có thêm hiểu biết về bệnh nhồi máu cơ tim. Hãy chia sẻ cho bạn bè, người thân về mức độ nguy hiểm của bệnh và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Điều trị bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Điều trị nhồi máu cơ tim cấp cần được tiến hành khẩn trương, tuân thủ nguyên tắc tăng cường đưa oxy đến cơ tim bằng cách phối hợp các phương pháp sau:
Cho bệnh nhân thở oxy
Thuốc
Các nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch vành và làm tan cục máu đông là các nhóm thuốc được chỉ định nhiều trong bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp.
- Aspirin: có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu, ngăn chặn sự phát triển của cục máu đông.
- Glyceryl trinitrat: có tác dụng làm giãn mạch máu, tăng lượng máu qua chỗ nghẽn đến nuôi tim
- Streptokinase, Urokinase: có tác dụng tan cục máu đông
- Ngoài ra, morphin cũng được khuyến cáo sử dụng để giảm đau, giúp bệnh nhân đỡ hốt hoảng.
Can thiệp
- Nong động mạch vành qua da là phương pháp được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp. ống thông được đặt thông qua động mạch đùi hoặc động mạch quay để vào động mạch vành ở tim, nong rộng lòng mạch, phá vỡ mảng xơ vữa. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, khôi phục được 90-95% lưu lượng máu qua động mạch vành.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, nối tắt qua chỗ bị hẹp là phương pháp chuyên sâu hơn, áp dụng khi can thiệp nong động mạch vành qua da thất bại, hoặc nhồi máu cơ tim đã có biến chứng, động mạch vành dị dạng.