Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ốm nghén là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Ốm nghén vốn luôn là nỗi ám ảnh trong lòng nhiều chị em khi mang thai. Đa số đều có thể nghén trong ba tháng đầu, tuy nhiên một số lại bị nghén cả thai kỳ.
Tổng quan chung
Có khoảng 90% phụ nữ có thai gặp phải tình trạng ốm nghén ở tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Giai đoạn này họ sẽ thường cảm thấy buồn nôn hoặc nôn, nhất là vào buổi sáng và khi ngửi thấy mùi thức ăn. Có nhiều người họ sẽ thấy buồn nôn và không muốn ăn một vài món mặc dù những món này là món họ rất thích trước đó. Tình trạng này khiến cơ thể thai phụ luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, chán ăn.
Thông thường, tình trạng nghén khi mang thai chỉ xảy ra ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Từ tuần thứ 12, cảm giác này sẽ thuyên giảm và mất hẳn. Mẹ bầu có thể ăn uống thoải mái để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Dựa vào mức độ của các triệu chứng gặp phải mà nghén được chia thành hai loại:
- Cơn nghén thông thường: Khoảng 80% thai phụ bị nghén ở dạng này. Trong thai kỳ, thai phụ luôn thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải, vẫn còn giữ thức ăn bên trong dạ dày. Do đó, thai phụ không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Sau khoảng 12 tuần sẽ thấy triệu chứng nôn ói giảm dần.
- Cơn nghén nặng: Khoảng 1 – 1,5% thai phụ bị nghén nặng. Thai phụ thường xuyên nôn ói với mức độ trầm trọng khiến thức ăn bị tống ra hết bên ngoài, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, kết hợp với tình trạng chán ăn do ốm nghén khi mang thai khiến thai phụ sụt cân. Điều đó dẫn đến thai phụ dễ bị suy nhược, hay mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.
Triệu chứng
Theo y học, ốm nghén không phải là biểu hiệu tốt hay xấu của việc mang thai cũng như sự phát triển của thai nhi mà ốm nghén là tổng hợp các biểu hiện khó chịu xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ do sự thay đổi nội tiết khi mang thai. Trong đó, nổi bật nhất là triệu chứng buồn nôn và nôn ói. Ngoài ra, một số người còn có cảm giác chán ăn, thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì ngoài cảm giác buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ…
Những biểu hiện này có thể đến vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là khi có mùi, vị thức ăn hay âm thanh, ánh sáng và nơi đông người.
Với những trường hợp ốm nghén nặng (mất nước, rối loạn điện giải nặng, sụt cân nghiêm trọng), các bác sĩ đều khuyên nên nhập viện để được can thiệp kịp thời, thậm chí, có thể đình chỉ thai để không ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ.
Nguyên nhân
Phần lớn nguyên nhân khiến mẹ bầu hay bị ốm nghén là do:
Sự thay đổi của các hormone
- Hormone nữ giới Estrogen: Vào thời kỳ có bầu, lượng hoóc môn Hoóc môn nữ giới Estrogen sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó khiến mẹ bầu cảm thấy buồn nôn. Các triệu chứng nôn ọe này có biểu hiện khá giống với khi mẹ dùng một số loại thuốc tránh thai.
- Hormone Human chorionic gonadotropin (HCG): Quá trình hình thành nhau thai rất cần cơ thể sản xuất hormone này với lượng lớn. Điều này sẽ khiến mẹ bầu bị ốm nghén nhiều hơn, đặc biệt là với các mẹ mang thai đôi.
- Hormone Progesterone: Sự thay đổi của loại hoóc môn này có ảnh hưởng tới hoạt động của dạ dày, khiến ruột không co bóp nhiều. Vì lý do đó mà thức ăn bị dồn ép lại trong dạ dày, khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.
- Do hệ thần kinh giác quan làm việc nhạy cảm hơn trước khi mang thai, đặc biệt là khứu giác và vị giác. Chính vì thế mà mẹ bầu trở nên rất mẫn cảm với các mùi vị xung quanh mình.
- Tuyến nước bọt và dịch vị sản xuất nhiều hơn. Do đó, mẹ bầu có thể bị nôn ọe thường xuyên.
Đối tượng nguy cơ
Không phải tất cả thai phụ đều sẽ gặp phải các triệu chứng này. Một số thai phụ có khả năng cao bị nghén như:
- Mang thai lần đầu;
- Từng có tiền sử nghén nặng ở những lần mang thai trước;
- Người quá gầy.
- Mang song thai hoặc mang đa thai;
- Mắc bệnh nguyên bào nuôi, do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.
Chẩn đoán
Để chắc chắn ốm nghén là tình trạng sinh lý bình thường, thai nhi vẫn phát triển khỏe mạnh, bác sĩ sẽ có thể chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem thai phụ và thai nhi có bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất dinh dưỡng nào không.
- Xét nghiệm điện giải đồ: Kiểm tra xem thai phụ có bị rối loạn điện giải do nôn quá mức hay không.
- Siêu âm thai: Kiểm tra thai nhi có phát triển bình thường và khỏe mạnh đúng tuổi thai hay không.
Phòng ngừa bệnh
Dù ốm nghén ở mức độ nào cũng đều gây ảnh hưởng đến bà bầu. Để khắc phục tình trạng này, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Để giảm triệu chứng nôn ói làm bạn mệt mỏi, bạn nên tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm có mùi vị kích thích như: cá, thịt còn sống,…
- Uống nước thường xuyên vì nôn ói nhiều sẽ khiến bạn bị mất nước. Khi uống, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ và uống giữa các bữa ăn, việc này sẽ giúp bạn ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.
- Chia nhỏ bữa ăn và không nên để dạ dày trống vì sẽ khiến bạn cảm thấy buồn nôn hơn. Lúc này, bạn có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm giàu xơ, thức ăn ít đường, ít béo như bánh mì, cơm,… Đặc biệt, để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi, bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, sữa,…
- Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi càng nhiều sẽ giúp bạn giảm bớt mệt mỏi, đồng thời tránh căng thẳng và lo âu vì sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Sử dụng các sản phẩm được chế biến từ gừng như: trà gừng, bánh kẹo gừng có thể giúp bạn làm giảm buồn nôn và ói mửa.
- Phương pháp bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp cũng có hiệu quả giúp giảm cảm giác buồn nôn.
Điều trị như thế nào?
Nếu chế độ ăn uống và lối sống không thể giải quyết các triệu chứng của ốm nghén, hoặc nếu bị ốm nghén nặng, thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc:
- Vitamin B6 và Doxylamine: Vitamin B6 là thuốc điều trị không cần kê đơn và được ưu tiên sử dụng trước. Doxylamine là một hoạt chất thường có trong các loại thuốc ngủ không kê đơn, có thể được bổ sung vào điều trị nếu dùng vitamin B6 không làm giảm triệu chứng. Cả vitamin B6 và Doxylamine được dùng một mình hoặc phối hợp đều an toàn đối với bà mẹ mang thai và không có tác dụng phụ cho thai nhi.
- Thuốc chống nôn: Nếu cả vitamin B6 và Doxylamine cũng không thể giúp ích thì bác sĩ sẽ cân nhắc đến các loại thuốc chống nôn. Có nhiều loại thuốc chống nôn khá an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuốc còn thiếu bằng chứng về sự an toàn, cần nghiên cứu thêm. Tùy theo tình trạng mà bác sĩ sẽ lựa chọn một thuốc điều trị thích hợp.
Nếu tình trạng ốm nghén quá nặng vượt tầm kiểm soát, thai phụ cần phải nhập viện điều trị cho đến khi các triệu chứng ổn định trở lại. Một số xét nghiệm được thực hiện để kiểm tra hoạt động của gan. Nếu bị mất nước nghiêm trọng, thai phụ cần được truyền dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp bạn tiếp tục nôn ói, bác sĩ sẽ phải dùng ống để truyền thức ăn cho bạn.
Trong mọi trường hợp chữa trị cho thai phụ bị ốm nghén nặng, nôn ói nhiều, thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cho cả mẹ và bé nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.