Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Parkinson thứ phát là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Bệnh Parkinson thứ phát còn gọi là hội chứng Parkinson có nguyên nhân là do tổn thương não: Viêm não, chấn thương, đột quỵ, ảnh hưởng của một số thuốc điều trị… Vậy parkinson thứ phát là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bệnh Parkinson thứ phát là hội chứng có biểu hiện Parkinson những nguyên nhân do một số loại thuốc, rối loạn thần kinh hoặc một số bệnh lý khác gây ra. Bệnh phổ biến ở người cao tuổi, gây rối loạn thần kinh vận động khiến cơ thể vận động cơ không chủ ý.
Triệu chứng
Về cơ bản, Parkinson thứ phát cũng có các biểu hiện giống như Parkinson. Bệnh nhân thường có các triệu chứng:
- Run khi nghỉ ngơi;
- Cứng khớp;
- Di chuyển chậm chạp;
- Cứng cơ khiến giảm biểu cảm trên mặt, khó khăn khi điều khiển cử động, tư thế không vững;
- Giảm trí nhớ cũng thường gặp phải ở bệnh nhân Parkinson thứ cấp.
Nguyên nhân
Parkinson thứ phát có thể được gây ra bởi các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Chấn thương sọ não.
- Bệnh thể Lewy lan tỏa (một loại sa sút trí tuệ).
- Viêm não.
- HIV/AIDS.
- Viêm màng não.
- Teo nhiều hệ thống.
- Bại liệt trên nhân tiến triển.
- Bệnh Wilson.
Các nguyên nhân khác của bệnh Parkinson thứ phát bao gồm:
- Tổn thương não do thuốc gây mê (chẳng hạn như trong khi phẫu thuật).
- Ngộ độc carbon monoxide (CO).
- Một số loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần hoặc buồn nôn (metoclopramide và prochlorperazine).
- Ngộ độc thủy ngân và ngộ độc hóa chất khác.
- Quá liều ma túy.
- MPTP (1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine): một chất gây ô nhiễm trong một số loại thuốc đường phố. Đã có những trường hợp hiếm hoi mắc bệnh Parkinson thứ phát trong số những người sử dụng ma túy tiêm một chất gọi là MPTP, có thể được sản xuất khi tạo ra một dạng heroin.
Đối tượng nguy cơ
Mọi lứa tuổi đều có khả năng bị Parkinson thứ phát nếu có liên hệ với các nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Parkinson thứ phát, bao gồm:
- Môi trường sống không lành mạnh, nhiều độc tố như thuốc trừ sâu, carbon monoxide, xyanua…
- Chấn thương não nhiều lần.
- Có khối u não.
- Thiếu oxy não.
- Rối loạn chuyển hóa như hạ canxi.
Chẩn đoán
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Parkinson thứ phát sau khi kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và khai thác tiểu sử của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên các triệu chứng có thể khó khăn trong việc đánh giá, đặc biệt là ở người cao tuổi và ở giai đoạn sớm.
Chẩn đoán ở giai đoạn sớm
- Trước kia, chỉ cần có 2 trong 3 triệu chứng chính (run giật, cứng khớp và di chuyển chậm chạp) là đã có thể xác định chẩn đoán bệnh Parkinson. Những tiêu chuẩn này nếu đứng riêng rẽ sẽ sai lầm trong khoảng 25% trường hợp.
- Những nghiên cứu khảo sát lại trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson cho thấy triệu chứng chính giúp chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson là run giật với tính chất không đối xứng (run chỉ xuất hiện ở 1 bên của cơ thể) và đáp ứng tốt với levodopa (Madopar).
- Để gia tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác trong giai đoạn sớm, bệnh Parkinson cần thăm khám một cách đầy đủ hơn về các tính chất như chức năng vận động, khứu giác và tâm thần.
Chẩn đoán ở giai đoạn muộn
- Ở giai đoạn muộn của bệnh thì các triệu chứng thường rất điển hình, khó có thể nhầm lẫn. Biểu hiện di chuyển khó khăn và chậm chạp trở nên rõ ràng, hầu hết tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng run giật ở giai đoạn này. Chẩn đoán sẽ được xác định qua một bệnh sử đơn giản và khám lâm sàng hoàn chỉnh.
- Tuy nhiên, có thể những chẩn đoán hình ảnh (như MRI và CT Scan) cũng cần được thực hiện trên một số trường hợp để loại trừ những nguyên nhân khác.
- Hiện kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính phát xạ (PET và SPECT là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có cả độ nhạy và độ đặc hiệu cao giúp xác định và phân biệt bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson ở giai đoạn sớm nhất khi chưa có triệu chứng trên lâm sàng (tiền lâm sàng). Điều này rất có ý nghĩa với bệnh nhân Parkinson, do phần lớn người bệnh không thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi não bị mất trên 80% tế bào sản xuất dopamin. Kỹ thuật PET và SPECT sẽ giúp tầm soát sự thay đổi của dopamin trước khi bạn có triệu chứng.
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp phòng bệnh parkinson thứ phát là:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, không bỏ bữa.
- Thường xuyên vận động.
- Giữ môi trường sống tốt, tránh các chất độc tố như: thuốc trừ sâu, diệt cỏ,…
Lưu ý: Nếu Parkinson thứ phát được xác định là gây ra bởi thuốc, bệnh có thể thuyên giảm sau khi thay đổi hoặc ngưng sử dụng. Nếu bệnh do các nguyên nhân như dùng ma túy, do độc tố hoặc viêm nhiễm gây nên thì bệnh thường diễn tiến xấu đi. Vì vậy, để phòng bệnh, tốt nhất bạn nên hạn chế các nguy cơ gây bệnh.
Điều trị như thế nào?
Hội chứng Parkinson do thuốc
- Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi thay đổi hoặc ngưng các thuốc đang điều trị. Tuy nhiên, cần cân nhắc lợi ích của thuốc với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thuốc chỉ nên ngừng hoặc thay đổi nếu rủi ro lớn hơn cả lợi ích mà nó mang lại cho bệnh nhân.
Hội chứng Parkinson do tổn thương não
- Điều trị tốt tình trạng đột quỵ hoặc nhiễm trùng có thể làm giảm triệu chứng. Nhưng trong trường hợp các triệu chứng vẫn xuất hiện gây khó khăn cho hoạt động hàng ngày của người bệnh mặc dù đã điều trị tốt bệnh lý nền, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc.Tuy nhiên, bạn cần chấp nhận một thực tế là thuốc điều trị Parkinson gây ra không ít những tác dụng không mong muốn. Nếu gặp phải vấn đề này bạn cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết.Thông thường, hội chứng Parkinson có xu hướng kém đáp ứng với điều trị nội khoa hơn so với bệnh Parkinson. Tuy nhiên, thuốc vẫn được coi là giải pháp tối ưu nếu nguyên nhân của tình trạng này là không thể điều trị được.
Tiên lượng
Parkinson thứ cấp được gây ra bởi các thuốc chống loạn thần kinh hay các thuốc khác, thường hồi phục nếu xác định được đúng nguyên nhân. Ngược lại tất cả các nguyên nhân khác hầu như không thể hồi phục mà xu hướng bệnh ngày càng nặng hơn theo thời gian, ví dụ:
- Tổn thương não liên quan đến ma túy.
- Tổn thương não do viêm nhiễm.
- Tổn thương não do độc tố.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về parkinson thứ phát.