Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Phình động mạch não là gì? Những điều cần biết về phình động mạch não
Hiện tượng phình động mạch có thể xuất hiện ở các mạch máu khác nhau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Phình mạch xảy ra ở động mạch máu não thì được gọi là phình động mạch não. Tình trạng phình to gây chèn ép các bộ phận xung quanh hoặc dẫn đến vỡ động mạch máu não có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Vậy những triệu chứng của bệnh là gì và cách điều trị như thế nào?
Tổng quan chung
Phình động mạch não là vấn đề khá thường gặp. Căn bệnh này rất nguy hiểm, dễ gây xuất huyết dưới nhện dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, tình trạng phình nhỏ sẽ không cần điều trị. Rất nhiều trường hợp, bệnh không gây ra triệu chứng rõ ràng nên thường không được phát hiện. Bệnh nhân chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe hoặc phát hiện khi đã xảy ra triệu chứng vỡ phình.
Triệu chứng
Trong một số trường hợp, phình động mạch máu não có thể gây ra những triệu chứng bất thường như sau:
- Đau đầu.
- Suy giảm thị lực.
- Liệt dây thần kinh sọ do khối phình chèn ép, trong đó thường gặp nhất là liệt dây thần kinh số III khiến người bệnh bị nhìn đôi, nhìn lác.
Khi động mạch máu não phình quá to có thể dẫn đến vỡ động mạch não và có thể gây ra những biến chứng như sau:
- Những cơn đau đầu xảy ra đột ngột, mức độ đau vô cùng dữ dội.
- Người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn.
- Gáy cứng.
- Hôn mê hoặc suy giảm ý thức
- Xảy ra một số triệu chứng thần kinh khu trú với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến liệt nghiêm trọng.
- Động kinh (hiếm gặp).
- Đột tử: Một số trường hợp bệnh nhân đột tử trước khi được đưa đến bệnh viện.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh phình động mạch não chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như:
- Chấn thương
- Nhiễm trùng
- Huyết áp cao
- Hút thuốc
- Bệnh thận.
- Một số ít trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố về gen: Một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phình động mạch não như
- Bệnh mô liên kết ví dụ hội chứng Ehler- Danlos
- Bệnh thận đa nang
- Cường Aldosteron có tính chất gia đình typ 1
- Hội chứng Moyamoya
- Gia đình có người mắc bệnh
Ngoài ra, các đối tượng sau cũng có nguy cơ mắc bệnh phình động mạch não:
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- Thiếu hụt estrogen ở nữ: thường sau mãn kinh, làm giảm collagen ở mô, tăng nguy cơ phình mạch não
- Hẹp eo động mạch chủ
Chẩn đoán
Nhiều trường hợp phình động mạch máu não thường không gây ra triệu chứng, vì thế rất khó để chẩn đoán bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng.
Hiện nay, để xác định người bệnh có bị phình động mạch máu não hay không, bác sĩ sẽ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như sau:
- Chụp cắt lớp vi tính mạch não: Người bệnh sẽ được tiêm thuốc cản quang. Kết quả của phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định được có túi phình trong động mạch máu não không và vị trí của nó ở đâu, kích thước của túi phình là bao nhiêu. Từ đó cân nhắc về việc có can thiệp phẫu thuật hay không.
- Chụp cộng hưởng từ não mạch não: Phương pháp này cũng giúp xác định túi phình mạch máu não tuy nhiên, thời gian chụp sẽ lâu hơn và tốn kém chi phí hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính: Đối với một số trường hợp người bệnh được nghi ngờ đã xảy ra xuất huyết do phình túi mạch thì chỉ cần thực hiện chụp CT thường quy là có thể xác định bệnh.
- Chọc dịch não tủy: Đối với những trường hợp có nghi ngờ bị phình động mạch não nhưng kết quả từ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh lại không rõ ràng thì bác sĩ có thể chỉ định thực chọc dịch não tủy của người bệnh để làm xét nghiệm. Trong đó, dịch não tủy có màu hồng và ba ống liên tiếp không đông.
Phòng ngừa bệnh
Phình động mạch máu não là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao. Tuy rằng rất khó để phòng ngừa bệnh nhưng bạn hãy cố gắng loại bỏ thuốc lá, duy trì chế độ ăn cân bằng dưỡng chất, thói quen sống lành mạnh để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Đồng thời hãy giữ thói quen khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp có những biểu hiện bất thường, nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị chứng phình động mạch não hiện nay là:
- Phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch hay đặt coil (dây xoắn). Tùy vào mức độ vỡ phình động mạch các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Phình động mạch não không chữa trị kịp thời sẽ gây tổn thương não, thậm chí tử vong.
- Can thiệp nội mạch: Đây là thủ thuật dùng một ống thông luồn qua động mạch đùi ở bẹn và được đưa cẩn thận lên não. Bác sĩ sẽ đưa một dây xoắn vào túi phình mạch từ bên trong giúp tắc nghẽn lòng mạch nên máu không chảy vào túi phình đồng thời ngăn chặn túi phình vỡ lần thứ hai. Đây là phương pháp ưu việt nhất, hạn chế tổn thương cho bệnh nhân. Thời điểm can thiệp tối ưu là trong vòng 72 giờ sau đột quỵ.
- Phẫu thuật kẹp túi phình mạch não: đối với phương pháp điều trị này, các bác sĩ sẽ sử dụng kính vi phẫu, nhiều clip (kẹp) bằng kim loại để kẹp vào cổ túi phình. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp mạch máu não để kiểm tra túi phình đã được đóng kín hay chưa.
Quá trình phục hồi sau khi vỡ túi phình giữa các bệnh nhân sẽ khác nhau, phụ thuộc vào mức độ tổn thương trong lần vỡ phình động mạch não đầu tiên. Tuy nhiên, thông thường quá trình phục hồi đối với bệnh nhân phình động mạch não từ vài tháng đến trên một năm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.