Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Polyp trực tràng là gì? Những điều cần biết về Polyp trực tràng
Polyp trực tràng là một căn bệnh phổ biến trong hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở người trưởng thành, và nguy cơ mắc bệnh này tăng dần theo tuổi. Một số polyp, nếu không được điều trị kịp thời, có thể phát triển thành ung thư trực tràng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về polyp trực tràng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Trực tràng là bộ phận nằm giữa đại tràng và ống hậu môn; đóng vai trò không nhỏ trong việc vận chuyển và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều khối u xuất hiện trong lòng trực tràng; thường là ở vị trí phía cuối ruột già. Khối mô polyp thường có hình dáng cây nấm bám vào màng nhầy trực tràng bằng một đoạn “cuống”.
Polyp trực tràng nói chung có 2 dạng: không cuống (polyp phẳng) và có cuống, trong đó loại không cuống có độ phổ biến hơn. Có 2 dạng polyp khác nhau với mức độ nguy hiểm cũng khác nhau là polyp tuyến (polyp phát triển bất thường) và polyp không phải dạng tuyến (không phát triển bất thường). Theo đó có thể phân chia các loại polyp trực tràng hay gặp như sau:
- U tuyến ống: Cấu trúc tế bào lúc này vẫn còn giữ được cấu trúc bình thường theo dạng ống. U tuyến ống chiếm khoảng 70% trường hợp, là loại polyp phổ biến nhất.
- Polyp tăng sản: Là một polyp không phải dạng tuyến. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ. Trong các loại polyp, loại polyp này có nguy cơ thấp chuyển thành ung thư nên người bệnh không cần quá lo lắng khi gặp phải.
- Polyp răng cưa: Đây là loại polyp nhỏ (thường dưới 5mm), hình dạng tròn và không có cuống. Polyp răng cưa khó phát hiện, là một loại u tuyến nguy hiểm và được coi là nguy cơ tiền ung thư. Tùy vào kích thước, dạng mô bệnh học và mức độ loạn sản lúc được phát hiện của polyp mà các khối u có nguy cơ ác tính khác nhau.
- Polyp viêm: Thường xảy ra ở người bệnh bị viêm ruột. Đây không phải là một loại polyp thật sự mà thực chất là một phản ứng với tình trạng viêm mạn tính ở trực tràng.
- U tuyến ống nhánh: Có khoảng 5-15% người bệnh mắc phải loại polyp này và là hỗn hợp của hai loại trên. Polyp có kích thước thay đổi, có cuống hoặc không có cuống và có nguy cơ ung thư hóa thấp.
Triệu chứng
Polyp trực tràng thường không có biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn đầu, rất khó để nhận biết. Sau đây là một số triệu chứng giúp bạn nhận biết bệnh lý polyp:
- Đại tiện ra phân có lẫn máu tươi là dấu hiệu dễ phát hiện nhất của bệnh. Phân không có khuôn, máu phủ ngoài mặt phân và không trộn lẫn với phân.
- Polyp trực tràng có cuống dài sa ra ngoài hậu môn, gây nhiều khó chịu và bất tiện cho người bệnh.
- Cảm giác đau buốt hậu môn, kết hợp đi ngoài kèm máu và dịch nhầy.
Nguyên nhân
Nguyên nhân cụ thể hình thành nên polyp trực tràng hiện vẫn chưa được làm rõ. Đa phần các polyp đại trực tràng là lành tính. Tuy nhiên theo thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, một số thói quen cũng làm tăng nguy cơ mắc polyp trực tràng bao gồm:
- Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ
- Sử dụng thuốc lá và rượu
- Ít tập hoặc không tập thể dục
- Cơ thể béo phì, thừa cân
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh polyp trực tràng đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như:
- Người từ 50 tuổi trở lên
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh polyp hoặc ung thư đại trực tràng
- Người mang gen di truyền hiếm gặp khiến người bệnh có nguy cơ cao phát triển polyp
- Người có tiền sử mắc polyp tiêu hóa
- Người mắc bệnh viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn
- Phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước 50 tuổi
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người mắc chứng rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Lynch hoặc hội chứng Gardner
Chẩn đoán
Chẩn đoán polyp đại tràng thường được thực hiện bằng nội soi đại tràng. Thụt bari, đặc biệt là kiểm tra đối quang kép, có hiệu quả, nhưng nội soi đại tràng được ưu tiên hơn vì cũng có thể cắt bỏ polyp trong quá trình thực hiện thủ thuật đó. Vì polyp trực tràng thường nhiều và có thể cùng tồn tại với ung thư, làm nội soi đại tràng đến tận manh tràng là bắt buộc ngay cả khi có một tổn thương ở đầu xa được phát hiện bằng phương pháp nội soi đại tràng sigma ống mềm.
Trong quá trình nội soi đại tràng, bất kỳ polyp nào được nhìn thấy đều được loại bỏ và đánh giá khả năng ung thư.
Phòng ngừa bệnh
Nội soi theo dõi – Những người có polyp tuyến có nguy cơ phát triển thành ung thư. Khoảng 25 – 30% các trường hợp sẽ lại xuất hiện trên nội soi đại tràng ba năm sau khi phẫu thuật cắt polyp ban đầu. Một số polyp này có thể đã có mặt trong lần kiểm tra ban đầu, nhưng quá nhỏ để phát hiện. Các polyp mới khác cũng có thể đã phát triển.
Sau khi polyp được loại bỏ, nội soi đại tràng lặp lại được khuyến nghị, thường là một đến năm năm sau khi nội soi ban đầu. Tuy nhiên, khoảng thời gian này phụ thuộc vào một số yếu tố:
- Đặc điểm vi mô của polyp.
- Số lượng và kích thước của polyp.
- Khả năng nhìn thấy trong khi nội soi đại tràng. Khâu chuẩn bị trước khi nội soi (thụt tháo) tốt để loại bỏ tất cả dấu vết của phân là rất cần thiết. Nếu việc chuẩn bị không tốt, phân có thể vẫn còn trong đại tràng, khiến cho việc nhìn thấy các polyp kích thước nhỏ đến trung bình sẽ khó khăn hơn. Trong tình huống này, nội soi theo dõi có thể được đề nghị sớm hơn một đến năm năm sau đó.
Những người trải qua sàng lọc thường xuyên ung thư đại trực tràng ít có khả năng tử vong vì loại ung thư này. Vì vậy, làm theo hướng dẫn sàng lọc là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư ruột.
Các biện pháp về lối sống cũng rất quan trọng như:
- Ăn chế độ ăn ít chất béo và nhiều trái cây, rau và chất xơ
- Duy trì trọng lượng cơ thể bình thường
- Tránh hút thuốc và sử dụng rượu quá mức
Điều trị như thế nào?
Khi phát hiện các khối polyp hình thành từ ruột già cho đến trực tràng thì bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân cắt bỏ để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm về sau. Hiện nay, việc cắt bỏ polyp được thực hiện thông qua nội soi đại trực tràng được áp dụng phổ biến với hầu hết các bệnh nhân bởi phương pháp này mang lại sự an toàn và hiệu quả điều trị cao.
Với các trường hợp polyp hình thành nhiều và gây biến chứng, việc điều trị bệnh có thể được tiến hành thông qua phẫu thuật. Những bệnh nhân có polyp ác tính và có nguy cơ lan rộng thì cần phải được kiểm tra dưới kính hiển vi. Một số bệnh nhân khi polyp ác tính có sự xâm lấn sâu hơn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần ruột già và ghép trực tràng với ruột non. Kỹ thuật này cũng được ứng dụng rộng rãi hiện nay bởi có thể loại bỏ hoàn toàn phần ruột hình thành polyp.
Việc điều trị cắt bỏ polyp cần phải được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo uy tín để đảm bảo an toàn và phòng tránh được những rủi ro hậu phẫu thuật.
Trên đây là những chia sẻ về polyp trực tràng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.