Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn lipid máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn lipid như cholesterol, LDL-C, HDL-C hay triglyceride. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin về nguyên nhân, ai có nguy cơ mắc bệnh, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa rối loạn lipid máu.
Tổng quan chung
Lipid máu còn gọi là mỡ máu, là thành phần quan trọng cần có trong máu và lưu thông cùng máu đi khắp cơ thể. Rất nhiều cơ quan trong cơ thể cần sử dụng lipid máu, các quá trình tổng hợp hormone hay các hoạt động sống của cơ thể cũng vậy.
Do vậy, lipid máu không phải là xấu, nhưng tình trạng rối loạn lipid máu nghĩa là sự mất cân bằng giữa cholesterol xấu và cholesterol tốt mới gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Cholesterol trong máu đến từ 2 nguồn, một là từ cơ thể tự tổng hợp ra (chiếm khoảng 75%), còn lại do cơ thể hấp thu từ thức ăn hàng ngày.
Ngoài cholesterol xấu và cholesterol tốt hay còn gọi là HDL- Choles và LDL- Choles, lipid máu còn thành phần khác là chất béo trung tính triglyceride nhưng ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Rối loạn lipid máu là khi cholesterol trong máu tăng cao, còn cholesterol tốt giảm xuống, khiến chất béo tích tụ gây xơ vữa động mạch, thu hẹp lòng động mạch và từ đó giảm lưu lượng máu lưu thông.
Theo thời gian, xơ vữa động mạch hình thành ngày càng lớn, mảng xơ vữa có thể vỡ ra di chuyển trong dòng máu, kết dính với các tế bào hình thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể bị tắc nghẽn tại một mạch máu kích thước nhỏ nào đó, dẫn đến máu không lưu thông được và gây nguy hiểm cho tim mạch.
Theo thống kê trên thế giới mỗi năm, có khoảng 17 triệu người chết do các bệnh tim mạch, đa số trong đó có liên quan đến xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu kết hợp cùng nhiều yếu tố bệnh lý khác. Nếu phát hiện rối loạn lipid máu sớm và điều trị, kiểm soát bằng cách giảm yếu tố nguy cơ, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được biến chứng tim mạch có thể xảy ra.
Triệu chứng
Nhiều người bị rối loạn lipid máu nhưng không có triệu chứng rõ ràng và thường được phát hiện bệnh trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ. Ngược lại, rối loạn lipid máu cũng có thể gây ra một số bệnh tim mạch và có triệu chứng. Các dấu hiệu thường để phát hiện rối loạn lipid máu thường là khi đã ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như não, tim, thận:
- Tức ngực, áp lực ở ngực hoặc đau ngực;
- Hít thở khó khăn;
- Đau, căng và áp lực ở cổ, hàm, vai, lưng;
- Tim đập nhanh;
- Ngất xỉu.
Rối loạn lipid máu biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, khi có sự lắng đọng lipid là:
- Cung giác mạc quanh mống mắt: Có hình vòng tròn hoặc không tròn hoàn toàn, màu trắng nhạt;
- Ban vàng mí mắt trên hoặc mí mắt dưới: Có thể nằm rải rác hoặc khu trú một khu vực nhất định ở vùng mí mắt;
- Ban vàng ở lòng bàn tay: Xuất hiện ở trong lòng bàn tay và các nếp gấp trong các ngón tay;
- U vàng gân: Xuất hiện ở gân gót chân, gân duỗi các ngón hoặc khớp đốt bàn ngón tay;
- U vàng dưới màng xương: Có thể nhận thấy u vàng ở vùng củ chày trước, đầu xương mỏm khủy;
Các triệu chứng rối loạn lipid máu biểu hiện ở nội tạng:
- Gan nhiễm mỡ: Khi các chất béo có trong máu cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường sẽ ảnh hưởng đến gan. Lượng mỡ trong gan chiếm phần lớn, làm tổn thương gan, tăng nguy cơ viêm gan. Lâu dần có thể khiến chức năng gan bị suy giảm, gây viêm cấp tính;
- Viêm tụy cấp: Bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn nhiều, sốt khi lượng triglycerid tăng cao;
- Xơ vữa mạch máu: Tình trạng rối loạn lipid máu làm chất béo lắng đọng trong các mô, dần hình thành các mảng xơ vữa, gây xơ vữa mạch máu, có biến chứng viêm loét và vỡ mảng xơ vữa, tạo thành cục máu đông, gây tắc các động mạch. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây đau tim với các triệu chứng như đau ngực, khó thở.
Một số người có mức cholesterol và chất béo trung tính rất cao, có thể phát triển xanthomas (sự tích tụ cholesterol xuất hiện ở xung quanh mắt, mắt cá chân hoặc khuỷu tay). Tình trạng này cũng không ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra và thường phổ biến ở tăng lipid máu gia đình.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu bao gồm:
- Rối loạn lipid máu do lắng đọng trong cơ thể: Do giảm các chất tiêu mỡ, quá trình chuyển hóa bị rối loạn gây lắng đọng mỡ trong cơ thể.
- Do tăng huy động: Những người tâm lý căng thẳng, stress, mắc bệnh đái tháo đường làm tăng cường sử dụng lipid dự trữ trong cơ thể dẫn đến việc rối loạn chuyển hóa lipid.
- Do ăn uống: ăn quá nhiều các chất chứa dầu mỡ, chất béo, sử dụng rượu bia trong thời gian dài gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Đối tượng nguy cơ
Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn lipid máu:
- Người cao tuổi
- Phụ nữ sau mãn kinh
- Thừa cân béo phì
- Bệnh tiểu đường type 2
- Suy giáp
- Bệnh thận hoặc bệnh gan mạn tính
- Hội chứng chuyển hóa
- Hội chứng Cushing
- Bệnh viêm ruột
- Hút thuốc lá
- Lối sống ít vận động
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa
- Nghiện rượu
- Có bố hoặc mẹ bị rối loạn lipid máu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn lipid máu, bác sĩ thường yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol – được gọi là bảng lipid hoặc hồ sơ lipid thường cho biết:
- Tổng lượng toàn bộ cholesterol
- Lượng HDL-cholesterol (loại tốt)
- Lượng LDL- cholesterol (loại xấu)
- Triglyceride
Để thực hiện xét nghiệm này bạn cần nhịn ăn, nhịn uống, chỉ được uống nước lọc trong vòng 9 đến 12 giờ trước khi xét nghiệm.
Phòng ngừa bệnh
Nếu lo lắng về chứng rối loạn lipid máu, việc trao đổi với bác sĩ về cách phòng tránh là điều rất quan trọng. Trường hợp tiền sử gia đình bị cholesterol cao, những thế hệ sau cần chủ động chọn một cuộc sống lành mạnh để tránh những biến chứng sớm xảy ra.
Duy trì cân nặng hợp lý, tuân theo chế độ ăn uống khoa học cho tim; đồng thời tập thể dục thường xuyên và bỏ thuốc lá cũng là những cách phòng tránh rối loạn lipid máu hiệu quả.
Điều trị như thế nào?
- Chữa trị rối loạn lipid ở trẻ nhỏ: chủ yếu phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và luyện tập. Bệnh nhân được sử dụng thuốc nếu bệnh có tính chất gia đình hoặc do gen. Bên cạnh đó, việc uống thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn.
- Chữa trị rối loạn chuyển hóa ở một số bệnh: người bệnh tiểu đường được ưu tiên áp dụng phương pháp thay đổi thói quen sống kèm theo sử dụng thuốc. Với những bệnh lý như suy thận hoặc gan mật cần kết hợp chữa trị bệnh nguyên cũng như rối loạn lipid máu đi kèm.
- Thay đổi thói quen sống: tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, thay đổi thực đơn ăn uống hạn chế tối đa dầu mỡ, tránh sử dụng nội tạng động vật, ăn trứng lộn, hải sản,… kiêng dùng bia rượu và chế độ làm việc khoa học giúp cải thiện tình trạng bệnh.
- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc: việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa có khả năng gây tăng men gan, tiêu cơ vân. Vì thế khi phát hiện cơ thể mắc bệnh, bệnh nhân nên đi kiểm tra thường xuyên, thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu giúp kiểm tra chỉ số lipid máu và đi tái khám đúng hẹn.
Người bệnh không được bỏ theo dõi lipid máu khi đã có kết luận mắc bệnh. Bệnh nhân có thể mắc hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi mỡ máu gia tăng trong thời gian dài một cách mất kiểm soát.
Giống với một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác thì rối loạn lipid máu cũng không có triệu chứng cụ thể rõ ràng thế nhưng lại là thủ phạm âm thầm có thể tước đi tính mạng của bệnh nhân. Vì thế, việc khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm lipid máu định kỳ giúp chúng ta kịp thời phát hiện bệnh, điều trị hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.