Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Những điều cần biết về rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh tâm lý phổ biến hiện nay. Theo thống kê có tới 3% dân số ở tuổi trưởng thành mắc phải hội chứng này, trong đó tỷ lệ trẻ em từ 13 – 18 tuổi chiếm 6%. Vậy, rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh gì? Nguyên nhân gây ra do đâu? Cách điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?
Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh liên quan đến căng thẳng, lo lắng kéo dài và có xu hướng tiến triển thành mạn tính. Tình trạng lo âu này thường không tập trung vào một hoàn cảnh hay sự kiện cụ thể mà tản mạn, lan tỏa ở nhiều mối lo sợ khác nhau.
Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống nhiều áp lực và thay đổi nhanh chóng hiện nay. Bệnh có thể bắt đầu từ lúc nhỏ hoặc giai đoạn vị thành niên, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
- Lo lắng kéo dài tối thiểu 6 tháng về các sự kiện hay các hoạt động (như công việc hay học tập).
- Khó khăn trong kiểm soát lo lắng.
- Bồn chồn, căng thẳng, bực dọc.
- Dễ bị mệt.
- Khó tập trung hay đầu óc trống rỗng.
- Kích thích.
- Căng cơ.
- Rối loạn giấc ngủ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của chứng rối loạn lan tỏa hiện chưa được xác định rõ ràng nhưng dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:
- Di truyền.
- Bị những ám ảnh từ thời thơ ấu như từng bị lạm dụng, bị bắt nạt,…
- Gặp các bệnh lý mạn tính khiến cơ thể đau đớn kéo dài.
- Thường xuyên sống hoặc làm việc ở môi trường căng thẳng.
- Có tiền sử lạm dụng ma túy hoặc rượu bia trước đó.
Đối tượng nguy cơ
Phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát cao gấp đôi so với nam giới. Ngoài ra, những đối tượng sau đây dễ mắc rối loạn lo âu lan tỏa:
- Tính cách: người có tính khí nhút nhát, tiêu cực hoặc lảng tránh mọi thứ dễ bị rối loạn lo âu lan tỏa hơn những người khác.
- Di truyền: rối loạn lo âu lan tỏa có thể di truyền trong gia đình.
- Tiền sử gia đình: người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa từng gặp những sự việc đau thương, tiêu cực thời thơ ấu hoặc xảy ra gần đây. Ngoài ra, các bệnh nội khoa mạn tính hoặc những rối loạn sức khỏe tâm thần khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán
Lâm sàng
- Biểu hiện lo âu:
- Sợ hãi (lo lắng về bất hạnh trong tương lai, cảm giác “dễ cáu”, khó tập trung…).
- Căng thẳng vận động (bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau căng đầu, run chân tay, không có khả năng thư giãn)
- Hoạt động quá mức thần kinh tự trị (đầu óc trống rỗng, ra mồ hôi, mạch nhanh, thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, chóng mặt…)
- Sự lo âu-sợ hãi là biểu hiện chính, chủ yếu, nguyên phát dẫn đến phản ứng sợ sệt quá mức.
- Bệnh thường kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng (thường là 6 tháng).
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hoá, vi sinh (HIV, VGB, VGC)
- Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tìm chất ma tuý, huyết thanh chẩn đoán giang mai…
- Trắc nghiệm tâm lý: nhóm trắc nghiệm tâm lý đánh giá lo âu (Zung, Hamilton lo âu…), đánh giá trầm cảm phối hợp (Beck, Hamilton trầm cảm…), đánh giá nhân cách (MMPI, EPI…), đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI…) …
- Các xét nghiệm chuyên khoa khác xác định bệnh lý kết hợp hoặc loại trừ nguyên nhân thực thể:
-
- Điện não đồ, lưu huyết não
- Điện tâm đồ, XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến giáp
- Xét nghiệm hormon tuyến giáp
- CT, MRI sọ não…trong một số trường hợp cụ thể.
Chẩn đoán phân biệt
Những chẩn đoán loại trừ hay gặp nhất: rối loạn lo âu này không phải do một rối loạn cơ thể như cường giáp, không phải do một rối loạn tâm thần thực tổn hoặc rối loạn có liên quan đến chất tác động tâm thần như là sử dụng quá mức các chất giống amphetamin hoặc hội chứng cai benzodiazepin.
Phòng ngừa bệnh
Bên cạnh việc điều trị, có thể ngừa chứng rối loạn lo âu lan tỏa bằng những việc làm sau:
- Thực hiện lối sống lành mạnh: hạn chế sử dụng caffeine, ngủ đủ giấc, điều này có thể làm giảm các triệu chứng lo âu khi kết hợp với điều trị.
- Quản lý căng thẳng bằng cách tập yoga, ngồi thiền, sắp xếp công việc và các hoạt động vui chơi hợp lý.
- Không sử dụng chất gây nghiện và rượu: có thể làm triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến các loại thuốc đang dùng để điều trị.
- Chia sẻ với người thân, bạn bè khi gặp căng thẳng, stress, lo âu, mất ngủ,… hoặc tìm gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để trị liệu.
- Ăn uống đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.
Điều trị như thế nào?
Cách điều trị rối loạn lo âu lan tỏa sẽ được chỉ định dùng thuốc và chữa bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Cụ thể:
Dùng thuốc
Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa được kê đơn các thuốc chống trầm cảm, chống lo âu.
- Đối với thuốc chống trầm cảm sẽ sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc serotonin-norepinephrine (SNRI). Khi uống loại thuốc này người bệnh có thể mất vài tuần mới có thể bắt đầu lại công việc thường ngày.
Ngoài ra bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc chống trầm cảm khác như: duloxetine (Cymbalta), escitalopram (Lexapro), paroxetine (Paxil, Pexeva), venlafaxine (Effexor XR).
- Đối với thuốc chống lo âu sẽ sử dụng Benzodiazepines (thuốc an thần). Loại thuốc này sẽ giúp kiểm soát các dạng GAD nghiêm trọng và có hiệu quả trong việc giảm lo lắng nhanh chóng. Ngoài ra Buspirone cũng là thuốc chống lo âu được chỉ định sử dụng. Nhưng sử dụng Buspirone sẽ mất khoảng 3 – 4 tuần thì mới mang lại hiệu quả hoàn toàn.
Trị liệu bằng tâm lý trị liệu
Bên cạnh việc dùng thuốc thì trị liệu bằng tâm lý hành vi, nhận thức cũng được sử dụng nhiều để điều trị chứng rối loạn lo âu. Bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) để xem xét những suy nghĩ, cảm xúc và giúp bệnh nhân nhận ra sự lo lắng quá mức của mình. Thông qua liệu pháp này người bệnh sẽ có thể loại bỏ được hành vi tiêu cực, loại bỏ suy nghĩ bốc đồng và học được các thói quen, suy nghĩ lành mạnh hơn.
Tùy vào nguyên nhân gây lo âu, hiệu quả điều trị sẽ khác nhau, nếu đáp ứng tốt, người bệnh sẽ ổn định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát cao do tính cách người bệnh hay lo lắng sợ hãi.
Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh liên quan đến căng thẳng, lo lắng kéo dài và có xu hướng tiến triển thành mãn tính. Người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp y tế nếu các biện pháp điều trị và phòng ngừa không đem lại tác dụng.