Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì? Những điều cần biết về rối loạn nhân cách ái kỷ
Bệnh ái kỷ là một rối loạn tâm thần với tỷ lệ mắc ở nam cao hơn ở nữ. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh ái kỷ tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh ái kỷ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) là những trải nghiệm nội tâm và hành vi có đặc điểm cho rằng bản thân là trung tâm, thiếu sự đồng cảm và coi trọng bản thân quá mức.
- Đây là một trong số những chứng rối loạn nhân cách được công nhận bởi Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM), thường được dùng để chẩn đoán các chứng rối loạn tâm thần khác nhau.
- Chứng rối loạn này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính cách về mặt chức năng và đi kèm là một số đặc điểm tính cách khác. Cũng như những chứng rối loạn nhân cách khác, tình trạng này có tác động tiêu cực đến cuộc sống ở nhiều khía cạnh, bao gồm các mối quan hệ xã hội, gia đình và công việc.
Triệu chứng
- Người có hội chứng rối loạn ái kỷ thường có tính vị kỷ, tự cao, tự đại, không biết tôn trọng người khác, luôn đặt bản thân mình lên làm đầu và hạ bệ đối phương.
- Bất cứ ai có ý định phê bình họ, họ sẽ ngay lập tức phản bác và nhắc nhở ngược lại. Kể cả những lời góp ý hay nhận xét đều sẽ bị phản ứng thái quá. Người mắc hội chứng này luôn có xu hướng bảo vệ lòng tự trọng của bản thân.
- Đề cao quá mức về năng lực của bản thân.
- Người mắc ái kỷ thường chỉ nghĩ đến bản thân, lợi ích cá nhân. Không bao giờ xem xét tới lợi ích của tập thể, làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích của cá nhân. Họ cũng không có sự đồng cảm với những người xung quanh. Điều này gián tiếp làm cho những mối quan hệ xung quanh bị rạn nứt.
Tuy nhiên, người ái kỷ lại có vẻ bề ngoài rất chỉnh chu, có sức hấp dẫn đối với người khác. Thường thì trong những buổi hẹn đầu tiên, những người bị mắc hội chứng ái kỷ lại dễ thu hút người khác nhất. Thế nhưng nếu lâu về dài thì họ khó có thể duy trì mối quan hệ.
Nguyên nhân
Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được xác định nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền và sinh học có vai trò quan trọng và một vài yếu tố có thể góp phần dẫn đến hình thành rối loạn này như là:
- Bị lạm dụng từ thời thơ ấu.
- Được khen ngợi hoặc bị phê bình quá mức.
- Thiếu một môi trường phát triển an toàn, không sống chung với cha mẹ từ nhỏ.
- Cách nuôi dạy của cha mẹ không phù hợp: nuông chiều quá mức.
- Nền văn hóa đề cao thành tích, nhiều áp lực về sự thành công.
Đối tượng nguy cơ
- Người bị ngược đãi, bỏ bê hoặc nuông chiều và khen ngợi quá mức…
- Người có người thân có tiền sử bị rối loạn nhân cách ái kỷ.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn nhân cách tự ái, bệnh nhân phải có một khuôn mẫu dai dẳng bộc lộ qua ảo tưởng và hành vi về sự vĩ đại, cần được ngưỡng mộ và thiếu sự đồng cảm, biểu hiện này xuất hiện lúc trưởng thành trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và được thể hiện bằng sự hiện diện của ≥ 5 trong số sau:
- Một ý nghĩ phóng đại, vô căn cứ về tầm quan trọng và tài năng của họ.
- Sự bận tâm ảo tượng về những thành tựu, ảnh hưởng, quyền lực, trí tuệ, vẻ đẹp hay tình yêu hoàn hảo.
- Niềm tin rằng họ là những người đặc biệt và độc đáo và chỉ nên kết hợp với những người có tầm cỡ cao nhất.
- Một nhu cầu được ngưỡng mộ vô điều kiện.
- Một cảm giác về quyền lực.
- Sử dụng người khác để đạt được mục đích của bản thân.
- Thiếu sự đồng cảm.
- Ghen tị với những người khác và một niềm tin rằng những người khác ghen tị với họ.
- Kiêu căng và ngạo mạn.
Chẩn đoán phân biệt
Các rối loạn nhân cách ái kỷ có thể được phân biệt với các rối loạn sau:
- Rối loạn lưỡng cực: Bởi vì sự tự cao của họ hoặc bị trầm cảm do sự cô lập nên có thể bị chẩn đoán nhầm là rối loạn lưỡng cực.
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội khai thác những người khác để đạt được vật chất kèm theo sự coi thường các chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật
- Rối loạn nhân cách kịch tính: Tìm kiếm sự chú ý của người khác là đặc trưng của cả hai rối loạn nhân cách. Nhưng những người có rối loạn nhân cách kịch tính luôn có cảm xúc cường điệu hóa, bi kịch hóa
- Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng: với những ý tưởng tự cao tự đại mang nét hoang tưởng có thể là triệu chứng hoang tưởng trong bệnh tâm thần phân liệt
Điều trị như thế nào?
Điều quan trọng cần nhớ là những người mắc chứng này hiếm khi tham gia điều trị. Những cá nhân thường bắt đầu trị liệu do sự thúc giục của gia đình hoặc để điều trị những triệu chứng khác như trầm cảm.
Trị liệu có thể là thử thách đối với những người mắc chứng NPD, vì họ thường không muốn thừa nhận tình trạng này. Khó khăn trong việc điều trị vì vậy càng gia tăng bởi sự thật là các công ty bảo hiểm thường chỉ trả cho điều trị ngắn hạn, chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng, chứ không giải quyết vấn đề cốt lõi.
Những phương pháp điều trị có thể giúp người có NPD nhìn nhận sâu hơn về những hành vi của mình, tạo ra ý thức gắn kết với bản thân và kiểm soát hành động tốt hơn bao gồm:
- Liệu pháp tâm động học cá nhân có thể rất hữu ích để điều trị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, mặc dù quá trình sẽ khó khăn và lâu dài.
- Liệu pháp nhận thức hành vi thường hữu ích trong việc giúp đỡ những cá nhân có suy nghĩ và hành vi gây hại. Mục tiêu của điều trị là thay đổi những suy nghĩ lệch lạc và tạo dựng hình ảnh về bản thân thực tế hơn.
- Thuốc hướng thần không hiệu quả cho sự thay đổi lâu dài nhưng thỉnh thoảng được dùng để điều trị những biểu hiện của lo âu hay trầm cảm.
Hi vọng với những chia sẻ của bài viết sẽ giúp các bạn hiểu hơn nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa rối loạn nhân cách ái kỷ.