Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sâu răng là gì? Những điều cần biết về sâu răng
Sâu răng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở con người. Tại Việt Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ sâu răng đang có xu hướng tăng và đáng kể cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù không phải là một căn bệnh cấp tính hay nghiêm trọng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về sâu răng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Sâu răng là tình trạng men răng bị tấn công do axit sinh ra bởi vi khuẩn trong mảng bám răng. Sau đó, hình thành những lỗ sâu trắng li ti, nâu sẫm hoặc có màu đen. Vi khuẩn sâu răng này thường được biết đến với tên gọi là “Streptococcus mutans”, có khả năng phá hủy lớp men bảo vệ bên ngoài nhanh chóng, sau đó sẽ lan rộng vào mô cứng bên trong, hình thành các lỗ sâu màu đen từ nhỏ li ti đến lớn..
Sâu răng để lâu ngày có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn. Điển hình như nhiễm trùng nướu, chết tủy răng, áp xe răng, viêm nha chu, mất răng…
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu sâu răng, bạn khó có thể nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Đây là lý do vì sao sâu răng thường tiến triển và ít người được chăm sóc răng sớm. Vì sâu răng không thể tự khỏi nên sẽ tiếp tục phát triển và tình trạng sâu răng trở nên tồi tệ hơn thì sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng.
- Đầu tiên, bạn có thể cảm thấy đau nhức răng và tình trạng này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
- Răng của bạn cũng sẽ dần trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là với đồ ngọt hoặc đồ nóng, lạnh
- Trên bề mặt răng có những vết màu trắng hoặc nâu đen
- Lỗ trống trên răng ngày càng rộng và sâu hơn
- Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, áp xe răng khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng.
- Áp xe răng sẽ làm bạn vô cùng đau đớn, sưng mặt, sốt, từ đó dẫn đến các tình trạng sức khỏe tồi tệ khác như mất ngủ, ăn không được, suy nhược.
- Nếu vẫn không được xử trí kịp thời thì từ áp xe răng sẽ dẫn đến nhiễm trùng xương hàm hoặc các vùng khác trong cơ thể.
Nguyên nhân
Sâu răng là kết quả của quá trình vi khuẩn và axit ăn mòn men răng, ngà răng, tấn công tủy răng. Một số nguyên nhân dẫn đến sâu răng có thể kể đến như sau:
- Các dạng mảng bám: Mảng bám răng là một màng dính trong suốt bao phủ răng. Chúng hình thành do ăn nhiều đường, tinh bột và vệ sinh răng miệng không kỹ. Khi đường và tinh bột không được làm sạch khỏi răng, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công bề mặt răng và hình thành mảng bám. Mảng bám trên răng cứng lại bên dưới hoặc bên trên đường viền nướu, hình thành cao răng. Cao răng làm cho mảng bám khó loại bỏ hơn và tạo lá chắn cho vi khuẩn.
- Các axit trong mảng bám: Axit sản sinh từ quá trình chuyển hoá đường và tinh bột của vi khuẩn trong mảng bám làm mất khoáng chất trong men răng, bên ngoài bề mặt răng. Sự ăn mòn này gây ra những lỗ li ti hoặc lỗ nhỏ trên men răng. Từ vùng men răng bị mòn, vi khuẩn và axit có thể xâm nhập vào lớp tiếp theo là ngà răng. Lớp này mềm hơn men răng và dễ bị tấn công hơn. Ngà răng có các ống nhỏ thông trực tiếp với dây thần kinh của răng gây ra tình trạng nhạy cảm, ê buốt.
- Vi khuẩn và axit tấn công tủy răng: khi sâu răng phát triển, vi khuẩn và axit tiếp tục tấn công sâu vào cấu trúc răng, qua ngà răng đến tủy – nơi chứa dây thần kinh và mạch máu. Nướu sưng tấy và bị kích ứng do vi khuẩn, vết sưng lan rộng bên trong răng, dây thần kinh bị chèn ép, gây đau. Cảm giác khó chịu thậm chí có thể lan ra ngoài chân răng đến tận xương.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị sâu răng như:
- Người vệ sinh răng miệng kém, lười đánh răng, súc miệng.
- Người bị khô miệng, ít tiết nước bọt do bệnh lý, bẩm sinh hoặc ảnh hưởng của thuốc.
- Trẻ bú sữa, uống nước trái cây hoặc ăn kẹo ngọt trước khi đi ngủ.
- Người lớn tuổi bị mòn răng, tụt nướu làm lộ chân răng.
- Người bị gãy vỡ răng do nhai vật cứng hoặc tai nạn.
Chẩn đoán
Nha sĩ thường có thể phát hiện sâu răng bằng cách:
- Hỏi về triệu chứng đau răng và sự nhạy cảm của răng
- Kiểm tra miệng và răng của người bệnh bằng dụng cụ nha khoa
- Chụp X-quang nha khoa có thể cho thấy mức độ sâu răng. Chụp X-Quang nha khoa sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Đúng là tia X có khả năng gây nhiễm xạ có hại cho sức khỏe của con người nghiêm trọng nếu tiếp xúc nhiều lần. Tuy nhiên, trong y tế và nha khoa thì cường độ được dùng để chụp X-Quang rất nhỏ và được kiểm soát. Phòng chụp thường được bảo vệ với áo và vách chì giúp hấp thụ tối đa các tia tán xạ. Các trợ lý trong phòng chụp được đào tạo bài bản và có chuyên môn trong lĩnh vực này sẽ tiến hành chụp X-ray một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh sâu răng để lại những ảnh hưởng rất lớn đến cảm giác ngon khi ăn uống hay kể cả sự tự tin của mỗi người trong giao tiếp. Do đó, mọi người nên tự giác thực hiện những giải pháp nhằm giúp răng chắc khỏe và đẩy lùi nguy cơ bị sâu răng. Sau đây là một vài biện pháp phòng tránh bệnh sâu răng:
- Sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride để vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống. Đặc biệt, phải đánh răng ít nhất hai lần trong ngày (vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy).
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải đánh răng có đầu nhỏ để vệ sinh các kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì thông thường đầu tăm to nên rất dễ gây chảy máu chân răng.
- Sau những bữa ăn nhẹ, nên sử dụng nước súc miệng có chứa Fluoride để làm sạch miệng nhanh.
- Thực hiện khám và lấy vôi răng theo định kỳ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc khám răng đúng định kỳ sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện những bệnh lý về răng miệng sớm và điều trị kịp thời.
- Đối với những răng bị hư, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để phục hồi hoặc che lấp phần răng bị hư bằng cách trám răng. Phương pháp trám răng không chỉ giúp phục hồi chức năng răng mà còn mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho răng miệng của bạn.
- Hạn chế ăn vặt, nhất là những thức ăn ngọt, chứa nhiều đường (như bánh, kẹo,…), đồ ăn có mùi nồng (như mắm tôm) hoặc các loại nước uống có gas. Vì chúng sẽ kích thích vi khuẩn tấn công răng miệng của bạn để phát triển.
- Nên ăn những thực phẩm tốt cho răng, hạn chế sử dụng những thức ăn quá cứng hoặc dễ bám dính trong kẽ răng.
- Sử dụng kẹo cao su xylitol kết hợp với Fluoride để giảm thiểu nguy cơ.
Điều trị như thế nào?
Điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phương pháp điều trị bằng florua: Nếu sâu răng chỉ mới bắt đầu, phương pháp điều trị bằng fluoride có thể giúp khôi phục lại men răng và đôi khi có thể đảo ngược trong giai đoạn rất sớm. Các phương pháp điều trị fluoride như sử dụng nước máy, kem đánh răng và nước súc miệng. Các phương pháp điều trị bằng florua có thể là chất lỏng, gel, bọt hoặc vecni được chải lên răng hoặc đặt trong một khay nhỏ vừa với răng của người bệnh.
- Trám: Chất trám, còn được gọi là phục hình, là lựa chọn điều trị chính khi sâu răng đã tiến triển vượt qua giai đoạn sớm nhất. Chất trám được làm bằng các vật liệu khác nhau, chẳng hạn như nhựa composite có màu răng, hỗn hợp sứ hoặc nha khoa là sự kết hợp của một số vật liệu.
- Bọc răng sứ: Đối với sâu răng rộng hoặc răng yếu, người bệnh có thể cần bọc răng – một lớp phủ toàn bộ thân răng. Răng sứ có thể được làm bằng vàng, sứ cường độ cao, nhựa, sứ nung chảy với kim loại hoặc các vật liệu khác.
- Nhổ răng: Một số răng bị sâu răng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải được loại bỏ. Nhổ răng có thể để lại một khoảng trống sẽ làm cho các răng khác bị dịch chuyển, xô lệch.
Trên đây là những chia sẻ về sâu răng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.