Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sẹo lồi là gì? Những điều cần biết về sẹo lồi
Sẹo hình thành là dấu hiệu của vết thương đang lành, nhưng tùy từng cơ địa và yếu tố tác động mà có thể hình thành sẹo bình thường, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại. Trong đó, sẹo lồi là sẹo gồ trên bề mặt da, thường gây đau, ngứa, mất thẩm mỹ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Sẹo lồi là gì qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Sẹo xuất hiện là kết quả của việc hình thành các mô sợi thay thế cho vùng da bị tổn thương. Sau khi xuất hiện vết thương cơ thể, chúng đều trải qua quá trình hồi phục (liền vết thương) nên sẹo là kết quả tự nhiên của quá trình này.
Theo y học, cơ thể hồi phục sau tổn thương được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn phản ứng viêm, tăng sinh và giai đoạn tái tạo tổ chức.
Thông thường, cơ thể sẽ cần từ 3-6 tháng để đi hết cả ba giai đoạn phục hồi tổn thương này, nhưng nếu trong thời gian này xảy ra bất kỳ rối loạn nào của cơ thể thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình liền sẹo và các loại sẹo hình thành.
Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương trên cơ thể, tác động can thiệp … mà có thể để lại các loại sẹo khác nhau như: sẹo bình thường hay sẹo không bình thường (như lồi, phì đại, có dấu hiệu co kéo, nhiều nhân sơ…)
Trong đó, sẹo lồi (keloid) là sự phát triển quá mức của các tổ chức xơ sau tổn thương da. Các tổ chức xơ phát triển không ngừng, thường nổi cao lên trên mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới sẹo.
Người trong độ tuổi 10-30 tuổi có nguy cơ bị sẹo lồi cao nhất. Dù chưa có số liệu chứng minh rõ ràng nhưng đa phần nữ giới có xu hướng hình thành sẹo lồi cao hơn là nam giới.
Triệu chứng
Mỗi người có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sẹo lồi khác. Các dấu hiệu và triệu chứng của sẹo lồi có thể bao gồm:
- Chỗ da bị thương có màu, hồng hoặc đỏ;
- Chỗ da có bướu hoặc da bị rám nắng thường lồi lên;
- Vùng da tiếp tục phát triển với mô sẹo lớn hơn theo thời gian;
- Một mảng da bị chàm.
Sẹo lồi có xu hướng lớn hơn vết thương ban đầu và có thể chúng sẽ phát triển đầy đủ trong vài tuần hoặc vài tháng.
Sẹo lồi có thể gây ngứa, nhưng chúng thường không gây hại cho sức khỏe. Bạn có thể cảm thấy khó chịu, mềm, nhão khi sờ vào hoặc có thể bị kích thích khi bị ma sát với quần áo hoặc các vật khác.
Bạn hiếm khi bị nhiều vết sẹo lồi trên cơ thể nhưng không phải là không có nguy cơ bị như vậy. Khi điều này xảy ra, các mô sẹo cứng, chặt có thể hạn chế chuyển động của bạn.
Nguyên nhân gây ra sẹo lồi
Có nhiều nguyên nhân tác động đến việc hình thành sẹo lồi cũng như mức độ phì đại của sẹo, từ nguyên nhân cơ địa đến môi trường:
- Do nhiễm khuẩn hoặc còn dị vật ở vết thương như lông tóc, u hạt, cát, bụi bẩn… khiến có xu hướng lành vết thương thứ phát.
- Yếu tố di truyền của người có cơ địa sẹo lồi: những người có cơ địa sẹo lồi có nguy cơ bị các vết sẹo lồi phì đại cao. Việc phòng ngừa sẹo lồi ở những người có cơ địa sẹo lồi rất quan trọng và khó khăn hơn, cần lưu ý hơn những người khác từ cách điều trị vết thương cho tới ăn uống.
- Do chấn thương không được xử lý đúng cách: khi có vết thương bạn cần nhanh chóng xử lý sạch sẽ, tránh nhiễm trùng và loại bỏ hoàn toàn dị vật tồn đọng trên bề mặt vết thương. Khi băng bó vết thương cũng không được căng hay trùng quá. Ngoài ra, sẹo lồi cũng có thể hình thành do căng kéo vùng vết thương, da vết thương không bằng phẳng, khâu vá không đúng lớp giải phẫu.
- Do quá trình cạy, nặn mụn không đúng cách: với những người có cơ địa sẹo lồi thì nếu nặn mụn trứng cá không đúng cách cũng rất dễ gây hình thành sẹo lồi trên mặt. Nặn mụn không đúng vệ sinh khiến cho vi khuẩn có thể thâm nhập vào trong da, gây tổn thương và để lại sẹo cho vùng da.
- Do chế độ ăn uống sau khi bị sẹo: trong thời gian có vết thương và vết thương đang hồi phục, bạn nên hạn chế hoặc không sử dụng những thực phẩm làm tăng khả năng phát triển sẹo lồi như: rau muống, thịt gà, trứng, đồ nếp….
Đối tượng nguy cơ
Tất cả mọi người nếu không có biện pháp phòng ngừa tai nạn khi lao động, sản xuất dẫn đến chảy máu và hình thành sẹo.
Chẩn đoán
Có thể chẩn đoán sẹo lồi dễ dàng bằng nhìn, sờ vết sẹo. Khi sẹo lồi quá phát, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết da để loại trừ ung thư da.
Sinh thiết da là một thủ thuật tiểu phẫu, bác sĩ da liễu gây tê và mổ cắt sang thương da rồi gửi đến khoa giải phẫu bệnh để kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu người bệnh bị sẹo lồi, bác sĩ da liễu sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng da của bệnh nhân.
Phòng ngừa sẹo lồi như thế nào?
Nếu cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình đã bị sẹo lồi nên thận trọng trong việc thực hiện các việc sau để ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi:
- Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể.
- Không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ (nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi).
- Chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức (dù vết thương nhỏ) để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo (liên hệ bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, băng bó vết thương đúng cách).
Điều trị như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi, bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị tùy vào tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị sẹo lồi thường sử dụng như:
- Chăm sóc vết thương: Đối với sẹo lồi mới, phương pháp điều trị có thể là băng ép từ vải co giãn hoặc các vật liệu khác. Phương pháp này được sử dụng sau khi phẫu thuật xóa sẹo lồi. Để làm giảm hoặc ngăn ngừa sẹo sau phẫu thuật thì cần tạo áp lực lên vết thương bằng cách đeo băng ép từ 12 – 24 giờ mỗi ngày và kéo dài từ 4 – 6 tháng để có hiệu quả. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này, người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
- Dùng kem corticosteroid: Bôi kem corticosteroid theo toa để giúp giảm ngứa.
- Thuốc tiêm: Nếu sẹo lồi nhỏ, bác sĩ sẽ làm giảm độ dày của sẹo bằng cách tiêm cortisone hoặc các steroid khác. Người bệnh cần tiêm thuốc hàng tháng (tối đa 6 tháng) trước khi vết sẹo phẳng lại. Tuy nhiên, khi tiêm corticosteroid sẽ dễ gây các tác dụng phụ như: làm mỏng da, nổi vân mạng nhện, thay đổi màu da (giảm hoặc tăng sắc tố da).
- Áp lạnh: Các sẹo lồi nhỏ muốn làm giảm hoặc loại bỏ chúng sẽ đông lạnh bằng nitơ lỏng. Các tác dụng phụ xảy ra khi dùng phương pháp này như: phồng rộp, đau, mất màu da (giảm sắc tố).
- Điều trị bằng laser: Sẹo lồi lớn được làm phẳng bằng việc điều trị với nhiều phiên laser nhuộm xung (từ 4 – 8 tuần giữa các phiên) để giảm ngứa, làm mờ sẹo. Bác sĩ có thể kết hợp liệu pháp laser với tiêm cortisone. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm: giảm hoặc tăng sắc tố, phồng rộp, đóng vảy (phổ biến hơn ở những người có làn da sẫm màu).
- Phóng xạ: Dùng bức xạ (Photpho 32 hoặc tia X) mức độ thấp giúp thu nhỏ hoặc giảm mô sợi tạo sẹo. Thế nhưng, bức xạ có tác dụng phụ dễ gây biến chứng ung thư da.
- Phẫu thuật: Nếu khi áp dụng các phương pháp điều trị trên mà không giảm sẹo lồi, bác sĩ sẽ loại bỏ chúng bằng cách phẫu thuật kết hợp với các phương pháp khác.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về Sẹo lồi là gì? Những điều cần biết về sẹo lồi. Hy vọng nó sẽ giúp ích được cho bạn và gia đình.