Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sưng nướu là gì? Những điều cần biết về sưng nướu
Sưng nướu răng là một trong những bệnh lý phổ biến của miệng và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Bệnh thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng sưng nướu có thể phức tạp và ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai. Nguy hiểm nhất là nó có thể gây viêm nha chu, một tình trạng có khả năng cao gây mất răng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về sưng nướu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Sưng nướu răng hay viêm nướu là tình trạng mô nướu bị tổn thương do vi khuẩn tồn tại trong các mảng bám còn sót lại do quá trình vệ sinh không sạch gây nên. Sưng nướu là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi và không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, nếu sưng nướu răng có mủ là tình trạng viêm nướu răng ở giai đoạn khá nặng và không thể tự chữa khỏi tại nhà. Người bệnh cần đến phòng khám để các bác sĩ kiểm tra và điều trị để tránh làm lan sang các răng xung quanh, tránh làm ảnh hưởng đến toàn bộ khoang miệng.
Triệu chứng
Dấu hiệu nhận biết nướu răng bị sưng dễ thấy nhất:
- Nướu sưng tấy đỏ: Nướu bị sưng có màu đỏ tía hoặc đỏ sẫm thay vì màu hồng bình thường.
- Nướu bị sưng phồng, nhạy cảm: Sưng nướu có thể làm cho vùng nướu trở nên căng phồng, nhô to hơn bình thường và cảm thấy đau nướu răng khi ăn, nhai hoặc chạm vào.
- Bị chảy máu chân răng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, hoặc cắn thức ăn cứng, giòn.
- Bị hôi miệng dai dẳng: Khi lợi sưng và viêm, vi khuẩn có thể phát triển mạnh tại vị trí tiếp xúc giữa nướu và răng gây mùi hôi miệng.
- Mô nướu bị tụt (tụt lợi) hoặc không dính vào chân răng.
Nếu tình trạng nướu răng bị sưng trở nên nặng hơn hoặc kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến khám nha sĩ ngay lập tức để phòng ngừa các biến chứng nặng như viêm nha chu, áp xe răng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm nướu thường gặp nhất là do người bệnh vệ sinh răng miệng kém. Khi hệ miễn dịch suy yếu, các mảng bám bao gồm chủ yếu là vi khuẩn sẽ hình thành trên răng. Nếu các mảng bám trên răng nếu không được loại bỏ trong hơn hai đến ba ngày thì sẽ tạo thành vôi răng (cao răng). Từ đó, các mảng bám và cao răng chính là điều kiện thuận lợi kích thích vi khuẩn phát triển gây bệnh viêm nướu
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân gây bệnh khác như:
- Sử dụng thuốc lá dẫn tới viêm nướu.
- Những thay đổi nội tiết tố của phụ nữ mang thai hay sau khi sinh.
- Một số bệnh như đái tháo đường, ung thư,… khiến hệ miễn dịch suy yếu cũng dẫn tới viêm nướu.
- Do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm,… là nguyên nhân làm giảm tiết nước bọt (thành phần có vai trò làm sạch vi khuẩn) tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Đối tượng nguy cơ
Viêm nướu rất phổ biến trong cộng đồng và bất kì ai cũng có thể gặp. Tuy nhiên có một số đối tượng nguy cơ bị viêm nướu nhiều hơn là:
- Người có thói quen bảo vệ sức khỏe răng miệng kém.
- Người hút thuốc lá, bia rượu.
- Người lớn tuổi.
- Người mắc các bệnh như: tiểu đường, HIV, nhiễm virus hoặc nấm.
- Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh có sự thay đổi nội tiết tố.
- Người có chế độ dinh dưỡng kém.
Chẩn đoán
Có thể chẩn đoán viêm nướu trực tiếp bằng thăm khám tại ghế nha khoa với dụng cụ chuyên biệt. Chụp X-quang nha khoa cũng được dùng để chẩn đoán viêm nướu, viêm nha chu để đánh giá mức độ trầm trọng liên quan đến các mô quanh răng. Kết quả chụp X-quang cho biết tình trạng viêm hiện tại liệu có ảnh hưởng đến xương hàm bên dưới hay không. Từ đó, đề xuất phương án điều trị phù hợp cho từng tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách phòng bệnh viêm nướu:
- Vệ sinh răng miệng tốt: đánh răng trong 2 phút ít nhất 2 lần mỗi ngày — vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày. Tốt hơn hết, hãy chải răng sau mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ hoặc theo lời khuyên của nha sĩ. Dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng giúp làm sạch các mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn.
- Khám răng định kỳ: gặp nha sĩ hoặc nhân viên vệ sinh răng miệng thường xuyên để làm sạch, trung bình 6 tháng/1 lần. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh viêm nha chu như bị khô miệng, dùng một số loại thuốc hoặc hút thuốc, bạn cần được chăm sóc chuyên biệt và thường xuyên hơn. Chụp X-quang nha khoa hàng năm có thể giúp xác định các bệnh mà khám răng trực quan không phát hiện được và theo dõi những thay đổi về sức khỏe răng miệng.
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh: ăn uống lành mạnh và kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu bạn bị tiểu đường, khả năng viêm nướu cũng sẽ cao hơn và trầm trọng hơn.
Điều trị như thế nào?
Cách trị sưng nướu răng tại nhà
Nếu nướu bị sưng nhẹ, không có mủ, bạn có thể thử áp dụng các biện pháp đơn giản sau:
- Đánh răng, dùng chỉ nha khoa để làm sạch nhẹ nhàng. Tuy nhiên khi thực hiện, bạn cần cẩn thận và nhẹ tay để tránh làm kích ứng nướu.
- Súc miệng bằng nước muối để loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
- Uống nhiều nước vì nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt có chức năng làm suy yếu vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.
- Tránh các tác nhân gây kích ứng cho răng miệng như nước súc miệng quá mạnh, đồ uống có cồn và thuốc lá.
Áp dụng các thủ thuật y tế
Nếu nướu bị sưng hơn 2 tuần dù bạn đã áp dụng các cách chăm sóc răng miệng tại nhà, bạn nên đi khám ở bệnh viện hoặc các trung tâm nha khoa. Nha sĩ sẽ hỏi bạn về thời điểm và tần suất xuất hiện của các triệu chứng. Bạn cũng nên cho nha sĩ biết mình có đang mang thai hay có thay đổi chế độ ăn uống gần đây không. Sau khi có đầy đủ thông tin, nha sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu (nếu cần thiết) để có chẩn đoán chính xác.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, nha sĩ có thể kê toa nước súc miệng để ngăn ngừa và giảm mảng bám. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần dùng kháng sinh.
Một lựa chọn điều trị khác là cạo cao răng và làm sạch chân răng. Nha sĩ sẽ làm sạch mảng bám và cao răng để phần nướu khỏe có thể phục hồi. Nếu bị viêm nướu nặng, bạn có thể cần phẫu thuật.
Trên đây là những chia sẻ về sưng nướu. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.