Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Suy giảm nhận thức là gì? Những điều cần biết về suy giảm nhận thức
Suy giảm nhận thức là tình trạng giảm một hoặc nhiều khả năng nhận thức bao gồm trí nhớ, suy nghĩ, tính toán, lĩnh hội,… Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về chứng bệnh này và có biện pháp khắc phục kịp thời qua bài viết dưới đây.
Suy giảm nhận thức là gì?
Khi bạn già đi, bạn thường thấy mình quên nơi đặt chìa khóa hoặc không nhớ tên của những người bạn đã biết trong nhiều năm. Mặc dù hay quên có thể là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của sự suy giảm nhận thức nhẹ. Khoảng 15-20% người từ 65 tuổi trở lên bị một số dạng suy giảm nhận thức nhẹ. Các triệu chứng của suy giảm nhận thức có thể ổn định trong nhiều năm hoặc cải thiện theo thời gian, ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, suy giảm nhận thức nhẹ có thể phát triển thành sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer . Suy giảm nhận thức là một trong những quá trình lão hóa bình thường. Nó xảy ra vào những thời điểm khác nhau và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suy giảm nhận thức đơn giản có nghĩa là não của bạn không hoạt động tốt như trước đây. Đây là một phản ứng của cơ thể đối với sự lão hóa, làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh.
Triệu chứng
Bộ não sẽ thay đổi theo thời gian khi bạn già đi. Chứng đãng trí cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi với các biểu hiện như phải mất nhiều thời gian để suy nghĩ một vấn đề hoặc để nhớ lại tên của một người, đồ vật hoặc một sự kiện.
Nếu bạn gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, đây rất có thể là một dấu hiệu của chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng trải qua những vấn đề sau đây:
- Càng ngày càng mau quên
- Thường quên mất các sự kiện quan trọng như một buổi hẹn hò hoặc một cuộc gặp gỡ xã giao
- Không tập trung vào các cuộc trò chuyện, lơ đãng khi đọc sách hoặc xem phim
- Gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định, lập kế hoạch hoặc giải thích một vấn đề
- Bắt đầu quên đường xá xung quanh
- Trở nên bốc đồng hoặc phán xét sự việc ngày càng kém
- Gia đình và bạn bè nhận ra những biểu hiện bất thường.
Nguyên nhân
Tình trạng suy giảm nhận thức duy trì ổn định trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh Alzheimer, một số loại bệnh mất trí khác hoặc có thể cải thiện được tình trạng theo thời gian. Tình trạng này thường phát sinh từ một vài thay đổi trong não bộ bao gồm:
- Đột quỵ nhỏ
- Lưu lượng máu qua mạch máu não bị giảm
- Vùng hippocampus (vùng não quan trọng đối với bộ nhớ) teo lại
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhận thức bị suy giảm gồm:
- Tuổi tác
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Lượng cholesterol cao
- Hút thuốc lá
- Trầm cảm
- Lười vận động
- Ít tham gia các hoạt động xã hội.
Đối tượng nguy cơ
Điều kiện y tế và lối sống có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức, bao gồm:
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người hút thuốc lá
- Người mắc bệnh huyết áp cao
- Người tăng cholesterol
- Người mắc bệnh trầm cảm
- Người ít tập thể dục
- Người không thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội hoặc thiếu các thói quen giúp kích thích trí tuệ (đọc báo, chơi cờ…).
Chẩn đoán
Để chẩn đoán có bị mắc suy giảm nhận thức không, các bác sĩ sẽ tiến hành những công việc sau:
- Nói chuyện với bạn và người nhà của bạn: bác sĩ sẽ hỏi về những triệu chứng của bạn, những thói quen và những hoạt động hàng ngày, và những điều này thay đổi như thế nào theo thời gian. Hỏi về tiền sử bệnh và tiền sử sử dụng thuốc, bởi vì có một số bệnh và cả một số thuốc có thể là nguyên nhân gây mất trí nhớ.
- Thăm khám lâm sàng
- Hỏi những câu hỏi để kiểm tra về trí nhớ và suy nghĩ của bạn.
- Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để chắc chắn không có những bệnh lý khác gây ra những triệu chứng mà bạn gặp phải, bao gồm:
- Lấy máu kiểm tra.
- Chụp CT hoặc MRI sọ não: sẽ cho hình ảnh cụ thể về não bộ của bạn.
- Và nhiều bài kiểm tra chi tiết về trí nhớ, ngôn ngữ và suy nghĩ.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tình trạng suy giảm nhận thức mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu và oxy đến não, góp phần bảo vệ các tế bào thần kinh. Bạn có thể đi bộ, tập yoga, đạp xe… hay thực hiện bất cứ hoạt động nào mà bản thân yêu thích.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học:
- Kích thích trí não: Học hỏi những điều mới, chơi trò chơi trí não và tham gia các hoạt động xã hội… giúp kích thích trí não, phòng ngừa suy giảm nhận thức
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp não bộ nghỉ ngơi và phục hồi. Giấc ngủ đủ và chất lượng chính là chìa khóa để phòng ngừa suy giảm nhận thức.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tổn thương não bộ. Bạn có thể sử dụng kỹ thuật thiền để giảm stress và tăng cường khả năng tập trung. Ngoài ra, tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn các phương pháp giảm căng thẳng khác nhau.
- Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường huyết: Các bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và những dạng suy giảm trí nhớ khác.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Dù có hay không có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ thì mỗi người cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ. Qua quá trình thăm khám, tầm soát, bác sĩ có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ và tư vấn cách điều trị, phòng ngừa phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Điều đáng buồn là thật sự chưa có biện pháp điều trị suy giảm nhận thức. Hiện tại chưa có một loại thuốc nào có thể ngăn chặn suy giảm nhận thức sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ.
Nếu bạn có vấn đề về trí nhớ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị bệnh Alzheimer là một trong những bệnh sa sút trí tuệ. Những loại thuốc này có thể có ích trong cải thiện triệu chứng. Hơn nữa, bác sĩ sẽ cho bạn biết những loại thuốc nào có thể làm nặng thêm tình hình để tránh dùng chúng.
Bác sĩ sẽ đưa ra những đề nghị giúp bộ não của bạn khoẻ mạnh hơn, bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Năng động hơn về mặt xã hội.
- Giữ bộ não của bạn luôn hoạt động và bận rộn.
- Đảm bảo huyết áp của bạn không quá cao.
Tuy nhiên, không có cách nào để biết được liệu bệnh nhân nào sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ, bệnh nhân nào không. Bởi vậy quan trọng là bạn phải được theo dõi sát bởi bác sĩ để có thể đánh giá những thay đổi xấu hơn của triệu chứng bệnh.