Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Suy giảm thị lực là gì? Những điều cần biết về suy giảm thị lực
Tình trạng suy giảm thị lực kéo dài có thể khó được hồi phục và làm tăng nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn. Khi nhận thấy bản thân bị suy giảm thị lực, điều cần thiết nhất nên làm là đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Tổng quan chung
Suy giảm thị lực là tình trạng thường bị ở những người có những tổn thương về nhãn khoa hoặc bị các bệnh ở mắt như tăng nhãn áp, tật khúc xạ hay đục thuỷ tinh thể,… khiến cho chức năng của mắt suy giảm và tầm nhìn lẫn khả năng nhìn bị hạn chế, gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt cũng như đi lại.
Trẻ nhỏ bị suy giảm thị lực có thể khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập và biểu hiện cảm xúc. Suy giảm thị lực còn ảnh hưởng đến khả năng cũng như kết quả học tập của những trẻ trong độ tuổi đến trường.
Vì thế, khi mắt có những dấu hiệu bất thường, nhìn không rõ hoặc bị mờ đi, hãy chủ động tới thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế và bệnh viện để ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.
Triệu chứng
Một số tình trạng người bệnh gặp phải khi bị suy giảm thị lực như:
- Không thể nhìn rõ các vật xung quanh và trước mắt mình do thị lực bị giảm đột ngột.
- Một bên hoặc hoặc cả hai bên mắt có những dấu hiệu mờ và không nhìn rõ ràng đồ vật phía trước.
- Người bệnh không nhìn rõ đồ vật do cảm giác có màng che mắt.
- Nhìn chữ, biển báo, đèn led bị nhoè và mờ.
Nguyên nhân
Thị lực suy yếu có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Tật khúc xạ: Người mắc tật cận thị, viễn thị hoặc loạn thị thường có khả năng nhìn kém hơn do hình ảnh thu vào trong mắt nằm ở trước, sau giác mạc hoặc không tập trung vào một điểm.
- Lão thị: Khả năng nhìn của đôi mắt giảm sút do sự lão hóa của đôi mắt khiến mọi người thường khó nhìn rõ mọi vật.
- Bong võng mạc: Bong võng mạc của mắt khiến thị lực bị giảm đột ngột và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được gắn vào thành mắt kịp thời.
- Bệnh mù màu: Mù màu làm giảm khả năng cảm thụ ánh sáng, phản ứng với tia sáng của đôi mắt khiến mọi người thường khó nhìn, nhìn không chính xác màu sắc của đồ vật ở trước mắt.
- Quáng gà: Thường gặp trong thời điểm chiều tối, ban đêm do điều kiện ánh sáng không đảm bảo khiến mọi người nhìn mờ, khó nhìn.
- Mỏi mắt: Do nhìn quá lâu vào các thiết bị điện tử hay tập trung vào một thứ đồ gì đó quá lâu khiến mắt bị mỏi và giảm thị lực.
- Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây mất thị lực vĩnh viễn ở người lớn tuổi.
- Viêm kết mạc: Lớp màng bao phủ nhãn cầu và mí mắt bị viêm nhiễm khiến khả năng nhìn của mắt bị giảm sút, nhìn mờ, khó nhìn.
- Bệnh tăng nhãn áp: Gây suy giảm thị lực từ từ và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị đúng cách.
- Chấn thương vùng mắt: Khiến khả năng nhìn của đôi mắt bị ảnh hưởng, thường gây khó nhìn, nhìn không rõ mọi vật ở trước mắt. Chấn thương nghiêm trọng có thể làm tổn thương các cơ quan vùng mắt và gây mất khả năng nhìn vĩnh viễn.
- Ngoài ra, suy giảm thị lực ở một mắt còn có thể hình thành do ảnh hưởng bởi một số bệnh lý như tiểu đường, ung thư mắt, bạch tạng, chấn thương sọ não…
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ suy giảm thị lực ở mắt như:
- Mắc tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị và loạn thị
- Người lớn tuổi
- Người đang mắc các bệnh liên quan đến mắt
- Bệnh nhân tiểu đường, tai biến mạch máu não.
- Trẻ sinh non thiếu tháng
- Người bị chấn thương mắt do tai nạn, va đập
Chẩn đoán
Một số phương pháp và thiết bị bác sĩ dùng để chẩn đoán suy giảm thị lực, bao gồm:
- Kiểm tra thị lực: đôi khi bác sĩ sẽ nhỏ thuốc làm liệt điều tiết nhằm kiểm tra sức khỏe mắt. Thuốc này sẽ khiến mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng trong vài giờ sau khi khám.
- Kiểm tra khúc xạ: việc này giúp bác sĩ xác định mắt cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc lão thị. Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau và yêu cầu người bệnh nhìn qua một số thể thủy tinh để kiểm tra khoảng cách và tầm nhìn cận cảnh.
- Đo độ dày / bản đồ giác mạc: đây là bước quan trọng trong quy trình khám chuyên sâu. Đo giác mạc phản ánh sức khỏe mắt, quyết định tình trạng và chất lượng thị giác trước và sau phẫu thuật.
- Đèn khe: đây là loại kính hiển vi phóng đại để khám mi và nửa phần trước nhãn cầu. Ngoài ra, bác sĩ còn kết hợp đèn khe với các loại kính chuyên dụng khác để soi đáy mắt.
- Để kiểm tra và đánh giá thị lực, bác sĩ sử dụng bảng chữ với 10 dòng có kích thước chữ khác nhau và đặt ở khoảng cách nhất định. Nếu có thể đọc hết 10/10 dòng thì thị lực được đánh giá là 10/10.
Hiện nay, có 4 loại bảng chữ cái đo thị lực bao gồm bảng chữ C, bảng chữ E, bảng Snellen và bảng điện tử. Tuy hình thức khác nhau nhưng phương pháp đo và xác định thị lực của 4 bảng này là giống nhau.
Phòng ngừa bệnh
Nhức mỏi mắt thường xuyên là dấu hiệu ban đầu, cảnh báo thị trạng suy giảm thị lực. Để ngăn ngừa tình trạng này, mọi người cần ăn uống, nghỉ ngơi khoa học:
- Không sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu trong ngày, không nhìn quá gần vào màn hình máy tính, điện thoại, tivi…
- Đeo kính chắn bụi, tránh nắng, hạn chế tia UV chiếu trực tiếp vào mắt.
- Vệ sinh, massage mắt nhẹ nhàng sau nhiều giờ làm việc và sinh hoạt để kích thích mạch máu lưu thông, giảm tình trạng nhức mỏi mắt.
- Ăn uống với một chế độ khoa học, tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin A, Lutein và Zeaxanthin để mắt sáng khỏe
- Khám mắt thường xuyên để theo dõi tình trạng thị lực và điều trị bệnh lý sớm ngay khi ở giai đoạn khởi phát.
Điều trị như thế nào?
- Đối với những người có dấu hiệu suy giảm thị lực do mắt bị mỏi, khó tập chung do thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, ánh sáng. Cách khắc phục tình trạng này là để cơ thể và đôi mắt nghỉ ngơi. Kèm thêm các phương pháp massage nhẹ nhàng giúp mắt tập chung và hồi phục được khả năng nhìn tốt nhất.
- Đới với những trường hợp suy giảm thị lực nguyên nhân do bệnh nhãn khoa thì nên thăm khám và điều trị học có biện pháp khắc phục phù hợp.
- Những trường hợp cận thị, viễn thị, loạn thị: Đây là những tật do khúc xạ của mắt, những trường hợp này có thể khắc phục được bằng việc đeo kính. Một số trường hợp khác có thể sử dụng kỹ thuật phẫu thuật hiện đại như Lasik.
- Trường hợp lão thị: Những người già bị lão thị có thể sử dụng kính, cũng có thể lựa chọn phẫu thuật Presbyond.
- Các bệnh lý khác: Tùy thuộc vào mức độ tiến triển nặng nhẹ của các bệnh lý mà người bệnh nên thăm khám để bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất. Một số phương pháp có thể được dùng để điều trị chứng suy giảm thị lực do bệnh lý như uống thuốc, nhỏ thuốc hoặc phẫu thuật, cũng có thể sử dụng các phương pháp kết hợp với nhau để điều trị bệnh triệt để và lấy lại thị lực bình thường nhanh nhất.
Trước khi điều trị suy giảm thị lực, cần xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng này để có biện pháp xử trí và điều trị chính xác. Vì thế, nếu gặp vấn đề về mắt, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám và xác định nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.