Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Suy hô hấp mạn là gì? Những điều cần biết về suy hô hấp mạn
Hội chứng suy hô hấp mạn tính là tình trạng bệnh khá nguy hiểm, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Vậy suy hô hấp mạn tính là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Suy hô hấp mạn tính (một số người gọi là suy hô hấp mãn tính) là tình trạng hệ hô hấp không thể trao đổi oxy và carbon dioxide một cách bình thường trong cơ thể, dẫn đến lượng oxy giảm và lượng carbon dioxide tăng. Suy hô hấp có thể là kết quả của bệnh phổi tiềm ẩn, rối loạn thần kinh cơ hoặc bất thường ở thành ngực. Dựa vào tình trạng bệnh lý mà suy hô hấp mãn tính thường được chia thành 2 loại:
- Suy hô hấp tắc nghẽn: Do đường thở bị tắc nghẽn một phần làm giảm lưu lượng Oxy. Ba bệnh về phổi có thể liên quan là hen suyễn, khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Suy hô hấp hạn chế: Liên quan đến việc giảm dung tích phổi, nguyên nhân có thể đến từ tổn thương hệ hô hấp và thay đổi trung tâm hô hấp trong não.
Triệu chứng
Suy hô hấp là một tình trạng phổ biến, đe dọa tính mạng cần được chẩn đoán, đánh giá nhanh chóng và điều trị thích hợp. Suy hô hấp mạn tính thường là hậu quả của một bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không được điều trị phù hợp. Suy hô hấp mạn tính phát triển dần theo thời gian, vì vậy ở giai đoạn đầu có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, phải chú ý mới phát hiện được. Khi suy hô hấp mạn tính tiến triển có thể gặp các triệu chứng như:
- Khó thở hoặc thở gấp, nhất là khi hoạt động mạnh.
- Thở nhanh, nông hoặc thở cực kỳ chậm.
- Thở khò khè.
- Hụt hơi.
- Móng tay, da và môi chuyển màu hơi xanh.
- Ho ra chất nhầy.
- Dễ lo lắng hoặc dễ bị kích thích.
- Đau đầu hàng ngày.
- Mệt mỏi.
- Suy hô hấp mạn tính rất nguy hiểm và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhịp tim bất thường, ngưng thở hoặc hôn mê.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp mạn, có thể do bộ máy hô hấp hoặc ngoài bộ máy hô hấp. Các bệnh về phổi là nguyên nhân hàng đầu trong việc dẫn đến suy hô hấp mạn. Ngoài ra, các loại bệnh về cơ, xương hoặc mô hỗ trợ cho hệ hô hấp cũng góp phần gây ra tình trạng bệnh này.
Người ta chia suy hô hấp mạn tính thành 3 loại chính là: nghẽn, hạn chế và phối hợp.
Suy hô hấp mạn nghẽn
Đây là tình trạng bệnh thường gặp nhất do các nguyên nhân sau:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: sự tắc nghẽn khiến lượng khí lưu thông bị hạn chế dần dần dẫn đến suy hô hấp.
- Hen phế quản: đặc biệt là tiến triển kéo dài, nặng và không phục hồi.
- Nghẽn đường hô hấp trên: nguyên nhân do có khối u hoặc bị hẹp do sẹo.
Suy hô hấp mạn hạn chế trong và ngoài phổi
Các nguyên nhân trong phổi:
- Xơ phổi có di chứng.
- Bệnh phổi kẽ lan tỏa.
- Cắt bỏ phổi.
- Phù phổi kẽ mạn.
Nguyên nhân trong lồng ngực:
- Dày dính màng phổi.
- Tràn dịch màng phổi.
- Tim quá to, suy tim.
- Nguyên nhân từ bụng và thành lồng ngực:
- Thoát vị hoành.
- Báng lớn.
Nguyên nhân do cơ và thần kinh:
- Có bệnh ở các cơ hô hấp.
- Các thương tổn ở hệ thần kinh trung ương: viêm sừng trước tủy sống, viêm não, tai biến mạch máu não,…
- Nguyên nhân do thương tổn trung tâm hô hấp, các thụ thể, đường dẫn truyền:
- Trung tâm: suy giáp,…
- Thụ thể: đái tháo đường,…
- Đường dẫn truyền: viêm tủy cắt ngang,…
Suy hô hấp mạn phối hợp
Nguyên nhân chính là:
- Giãn phế quản.
- Viêm phổi mạn lan tỏa.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nam giới hơn. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
- Viêm phổi;
- Bệnh xơ nang;
- Chấn thương tủy sống;
- Đột quỵ;
- Loạn dưỡng cơ;
- Tổn thương ngực;
- Lạm dụng thuốc hoặc rượu;
- Hút thuốc lá.
Chẩn đoán
Một số phương pháp chẩn đoán suy hô hấp mạn như:
- Tiền sử bệnh: Kiểm tra tiền sử bệnh lý, bệnh phổi đang hoặc đã từng mắc phải.
- Kiểm tra thể chất: Kiểm tra chỉ số BMI, huyết áp, dùng ống nghe lắng nghe tim và phổi.
- Thử nghiệm đo oxy xung: Đo oxy xung là một biện pháp đơn giản và không gây đau đớn để đánh giá mức độ vận chuyển oxy trong cơ thể. Bác sĩ sẽ đặt một cảm biến nhỏ trên đầu ngón tay hoặc vành tai để xác định mức độ oxy.
- Kiểm tra khí máu động mạch: Xét nghiệm máu kiểm tra khí máu động mạch giúp xác định lượng oxy và carbon dioxide trong máu. Đồng thời, nó cũng cho biết nồng độ pH, hàm lượng axit trong máu và thành phần hóa học của máu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc CT cho ra hình ảnh về phổi, giúp phát hiện nguyên nhân gây ra suy hô hấp mạn tính.
Ngoài ra, có thể bao gồm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác như đo điện tim hoặc nội soi phế quản, sinh thiết…
Phòng ngừa bệnh
Theo các chuyên gia, không phải tất cả các nguyên nhân gây suy hô hấp mãn tính đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, với những trường hợp suy hô hấp do các bệnh lý liên quan đến đường thở như viêm phổi thì có thể phòng tránh hay hạn chế mắc bệnh bằng các cách sau.
- Không hút thuốc lá, thuốc lá điện tử; nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá có thể gây tổn thương phổi. Khói thuốc thụ động cũng có khả năng ảnh hưởng đến chức năng phổi, do đó nên tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc hoặc nơi bị ô nhiễm khói bụi.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng để ngăn chặn vi khuẩn, vi trùng. Không chạm vào mắt, mũi, miệng liên tục và nên che miệng khi ho để tránh vi khuẩn lây lan.
- Hạn chế uống rượu bia, chất kích thích.
- Tiêm vắc xin đúng cách để ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng phổi như viêm phổi, ho gà, bệnh bạch hầu…
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học.
- Lên kế hoạch cho các buổi tập luyện thể dục thể thao.
- Đi khám ngay khi có các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn như ho, sốt cao, tăng tiết dịch nhầy…
Điều trị như thế nào?
Điều trị suy hô hấp mạn vừa
Biện pháp chung
Yêu cầu bệnh nhân bỏ thuốc lá vĩnh viễn.
Nếu bệnh nhân đang ở trong môi trường ô nhiễm không khí (do nơi ở hoặc nghề nghiệp) thì yêu cầu bệnh nhân thay đổi môi trường sống và làm việc.
Xử lý mọi ổ nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hoá trên nhất là xoang và răng.
Nếu bệnh nhân thừa cân thì yêu cầu bệnh nhân giảm cân nặng.
Điều trị triệu chứng
Phòng chống bội nhiễm phế quản – phổi:
- Tiêm vacxin phòng cúm và một số bệnh khác.
- Điều trị mạnh một đợt bội nhiễm phế quản – phổi bằng kháng sinh thích hợp, mạnh, dung nạp tốt như kháng sinh họ Macrolid (Roxithromycin 150mg, 1 viên/lần x 2 lần/ngày) hay Cephalosporin (Cephadroxil 500mg, 1 viên/lần x 3 lần/ngày). Thời gian điều trị trên 8 ngày.
- Tháo đàm: Chủ yếu là vỗ rung lồng ngực và tập khạc đàm, tập hô hấp đúng cách. Kết hợp sử dụng các thuốc tan nhầy như Acetylcystein 200mg (1 gói/lần x 3 lần/ngày) và thuốc điều hoà nhầy như Ambroxol 30mg (1 viên/lần x 3 lần/ngày).
Dùng thuốc giãn phế quản: Đây là phương pháp điều trị chính và lâu dài. Các thuốc được sử dụng là:
- Theophylin với liều 10-15mg/kg/ngày. Với viên tác dụng nhanh thì chia làm 3-4 lần mỗi ngày, nếu dùng loại tác dụng chậm thì chia làm 2-3 lần mỗi ngày.
- Salbutamol liều 0,2 – 0,3 mg/kg/ngày. Loại tác dụng nhanh chia 3 lần, loại chậm thì chia 2 lần mỗi ngày.
Các loại thuốc chống chỉ định với bệnh nhân suy hô hấp mạn tính
- Thuốc an thần, thuốc ngủ: do các thuốc này gây ức chế trung tâm hô hấp.
- Thuốc nhóm corticoid, thuốc kích thích hô hấp, thuốc chống đông kéo dài.
Điều trị suy hô hấp mạn nặng
- Áp dụng các biện pháp điều trị suy hô hấp mạn vừa đồng thời sử dụng thêm:
- Thuốc cải thiện trao đổi khí oxy: Almitrine bimesilate 15mg, 1 viên/lần x 3 lần/ngày.
- Liệu pháp oxy: để duy trì PaO2 trong khoảng 60-80mmhg. Cho thở oxy với lưu thượng 0,5-1,5 lít/phút để tránh ức chế trung tâm hô hấp.
- Lưu ý: việc này cần thực hiện đúng kĩ thuật như sau: đặt xông mũi họng khá sau, oxy được cho qua một bình nước sạch, đo lưu lượng chuẩn, theo dõi sát sao bằng cách đo khí máu 2 lần/tuần. Dần dần có thể chỉ cần đo 1 tháng/lần. Thời gian thở mỗi ngày là 12-15 giờ.
- Mở khí quản: đặt ống dẫn khí quản để bệnh nhân dễ thở hơn.
- Thở máy: Khi cho bệnh nhân thử các cách trên mà không có hiệu quả.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về suy hô hấp mạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.