Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tắc động mạch võng mạc trung tâm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Bệnh tắc động mạch võng mạc trung tâm được xem là một cấp cứu tối khẩn cấp trong nhãn khoa, cần được xử lý càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ mù khó hồi phục. Vậy tắc động mạch võng mạc trung tâm là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Tắc động mạch trung tâm võng mạc (CRAO – Central Retinal Artery Occlusion) là sự tắc nghẽn dòng máu của động mạch võng mạc trung tâm đến các lớp trong của võng mạc, dẫn đến nhồi máu võng mạc. Ngoài ra, tắc động mạch mắt có thể liên quan đến nhồi máu võng mạc trong và ngoài, đầu dây thần kinh thị, nhãn cầu và các mô mắt (với mức độ tổn thương mô phụ thuộc vào tuần hoàn bàng hệ qua tuần hoàn động mạch cảnh ngoài).
Tắc động mạch võng mạc trung tâm là một dạng của đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp. Dưới 20% bệnh nhân bị bệnh này lấy lại thị lực chức năng ở mắt bị ảnh hưởng. Tương tự như đột quỵ thiếu máu não cục bộ, CRAO liên quan đến nguy cơ các biến cố mạch máu tái phát.
Triệu chứng
Các triệu chứng của tắc động mạch võng mạc trung tâm bao gồm:
- Mất thị lực đột ngột: Thường xảy ra chỉ trong vài giây hoặc vài phút.
- Giảm thị lực nghiêm trọng: Thị lực giảm đáng kể và không cải thiện sau một thời gian.
- Tầm nhìn mờ: Mắt bị tắc động mạch có tầm nhìn mờ hoặc không thấy rõ.
Nguyên nhân
Võng mạc là lớp thần kinh trong mắt chịu trách nhiệm nhận ánh sáng và xử lý ánh sáng. Khi động mạch bị tắc thì máu sẽ không thể đến nuôi dưỡng võng mạc được. Mô võng mạc sẽ không có chất dinh dưỡng, các quá trình chuyển hóa tế bào không thể diễn ra do thiếu oxy nên chết dần. Mô võng mạc chết đồng nghĩa với việc không nhận được hình ảnh và gây mất thị lực.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu phổ biến:
- Hậu quả của huyết khối do viêm nhiễm (bệnh Lupus ban đỏ, bệnh xơ cứng bì, bệnh Kawasaki, giang mai kỳ ba..)
- Bệnh Behcet (viêm mạch máu, chủ yếu ở tĩnh mạch)
- Bệnh Horton (viêm động mạch khu trú ở động mạch thái dương nông)
- Các bệnh lý về tim mạch và cao huyết áp
- Do các chấn thương nặng ở vùng tiểu khung.
- Hậu phẫu thuật hay tạo cục máu đông.
- Bệnh xơ vữa động mạch
- Chứng hồng cầu hình liềm, rối loạn đông máu
- Bệnh nhiễm trùng máu và tiêm tĩnh mạch có bọt khí.
Với những nguyên nhân điển hình trên, đa phần bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc thường xảy ra ở những người đã lớn tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng và khả năng phục hồi rất thấp.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ cao là:
- Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi.
- Người có bệnh lý huyết áp, bệnh lý tim mạch.
- Người có bệnh lý Lupus, bệnh Behcet, bệnh Horton.
- Người hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ tắc động mạch.
- Người bị tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ tắc động mạch.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tắc võng mạc trung tâm võng mạc, bác sĩ sẽ thực hiện khám và đánh giá các dấu hiệu:
Khám mắt:
- Đồng tử hơi giãn, mất phản xạ hoặc phản xạ yếu với ánh sáng trực tiếp, phản xạ liên ứng (khi chiếu sáng vào mắt kia vẫn thấy đồng tử còn phản xạ).
- Bán phần trước bình thường.
Soi đáy mắt:
- Động mạch lớn co hẹp nhiều, nhỏ như sợi chỉ, không thấy máu trong lòng động mạch (ở giai đoạn đầu).
- Dấu hiệu phù nề võng mạc do thiếu máu cục bộ: võng mạc mất tính chất trong, chuyển thành màu trắng đục, ánh đồng tử màu xám.
- Vùng hoàng điểm màu hồng hơn bình thường (dấu hiệu hoàng điểm anh đào – do các mô võng mạc xung quanh đã phù và bạc màu).
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa tắc động mạch võng mạc trung tâm có thể thực hiện bằng các biện pháp sau:
- Kiểm soát huyết áp: Duy trì huyết áp ở mức bình thường để giảm nguy cơ tắc động mạch.
- Quản lý bệnh tim mạch: Điều trị và quản lý các bệnh tim mạch hiệu quả.
- Kiểm soát đường huyết: Duy trì mức đường huyết ổn định ở người bị tiểu đường.
- Bỏ thuốc lá: Ngừng hút thuốc để bảo vệ sức khỏe mạch máu.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung:
- Tìm nguyên nhân gây bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh là chính.
- Điều trị tại mắt.
Điều trị cụ thể:
- Nếu phát hiện thấy cục nghẽn mạch tại động mạch võng mạc thì cần chuyển người bệnh ngay cho bác sĩ nội khoa hoặc thần kinh để xử lý đột quỵ, làm đầy đủ các xét nghiệm như ở trên tìm nguyên nhân và điều trị theo các nguyên nhân.
- Nếu nghi viêm động mạch tế bào khổng lồ: cần dùng ngay steroid toàn thân liều methylprednisolone 250mg tiêm tĩnh mạch 6 giờ/ lần cho 12 liều, sau đó chuyển sang prednison 80 đến 100 mg/ ngày. Cần lấy bệnh phẩm sinh thiết động mạch thái dương trong vòng 1 tuần sau khi bắt đầu dùng steroid.
- Để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng ở mắt, các biện pháp dưới đây được coi là có thể cải thiện nếu được thực hiện sớm trong vòng 90-120 phút sau khi xảy ra tắc mạch trung tâm võng mạc. Tuy nhiên, không có biện pháp nào tỏ ra hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, do đó không nên coi là tiêu chuẩn của chăm sóc.
- Xoa bóp nhãn cầu ngay bằng kính tiếp xúc soi đáy mắt hoặc ngón tay.
- Chọc tiền phòng.
- Hạ nhãn áp bằng Acetazolamid 500mg tiêm tĩnh mạch hoặc uống 2 viên 250mg, hoặc một thuốc chẹn beta (td. Timolol hoặc levobunolol 0,5% 1-2 lần/ ngày).
Tiên lượng
- Bệnh có tiên lượng xấu do thiếu máu võng mạc. Chỉ khoảng 30% trường hợp thị lực cải thiện có thể nhìn thấy, nếu điều trị sớm trong vòng 90-120 phút.
- Sau vài tuần võng mạc phù trắng và hoàng điểm màu anh đào mất dần đi mặc dù động mạch vẫn thu nhỏ.
- Những lớp màng trong của võng mạc teo dần cuối cùng gây teo gai và mất thị lực.
- Có thể xuất hiện tân mạch mống mắt, cần làm laser PRP, khoảng 2% có tân mạch gai thị.
Theo dõi
- Theo chỉ dẫn của các bác sĩ nội khoa và/hoặc thần kinh.
- Khám lại mắt sau 1 đến 4 tuần, kiểm tra phát hiện tân mạch ở móng mắt/đĩa thị/góc tiền phòng/võng mạc, nó xuất hiện ở 20% bệnh nhân với thời gian trung bình 4 tuần sau khởi phát. Nếu có tân mạch thì quang đông võng mạc và/hoặc dùng thuốc kháng VEGF.
Tắc động mạch võng mạc trung tâm là một tình trạng nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa, điều trị sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt của mình và giảm thiểu nguy cơ mất thị lực. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào của tắc động mạch võng mạc trung tâm, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe mắt đúng cách không chỉ giúp duy trì thị lực mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về tắc động mạch võng mạc trung tâm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.