Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) là gì? Những điều cần biết
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ, xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn. Đây được xem là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất, nguy cơ tử vong cao nếu không sớm nhận biết triệu chứng tai biến và can thiệp kịp thời. Tỷ lệ người bị tai biến mạch máu não (đột quỵ) đang ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu biết hơn về căn bệnh này.
Tổng quan chung
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ (stroke) là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị nứt vỡ, gây chảy máu trong não.
Bộ não là cơ quan cực kỳ phức tạp kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể. Não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại cần 15-20% tổng cung lượng tim để cung cấp oxy cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Nếu xảy ra tai biến mạch máu não, tế bào não chết đi sẽ gây ra nhiều biến chứng về thần kinh và vận động.
Tai biến mạch máu não là một tình trạng cấp tính cần cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất là tàn tật và tử vong.
Có nhiều cách để phân loại tai biến mạch máu não. Trong đó, cách thường gặp nhất là chia thành 2 nhóm:
- Tai biến mạch máu não do thiếu máu não
- Tai biến mạch máu não do xuất huyết não
Triệu chứng đột quỵ
Các dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ có thể kín đáo, khó nhận thấy, thường bao gồm các dấu hiệu sau:
- Khó nói và hiểu những gì người khác đang nói: người bệnh có thể không nói được do lưỡi bị lệch, do tổn thương vào vùng Broca (nằm ở thuỳ trán có chức năng giúp sản xuất lời nói) nên người tổn thương vùng này sẽ có đặc điểm hiểu những gì người khác nói nhưng không nói được. Hoặc do tổn thương vùng Wernicke (nằm ở thuỳ thái dương có chức năng xử lý và tạo ý nghĩa cho lời nói) nên người bệnh sẽ có đặc điểm có thể nói thành lời nhưng lời nói không có ý nghĩa.
- Liệt mặt, yếu nửa người hoặc yếu toàn thân: Tai biến mạch máu máu não tác động vào nhu mô não, cũng như đường đi của dây thần kinh gây nên tình trạng mặt bị xệ, méo, lệch sang một bên, mắt không thể nhắm kín (khi so sánh hai bên sẽ có sự khác biệt). Tình trạng yếu nửa người cũng hay xảy ra khi tay và chân một bên yếu hơn bên còn lại.
- Thay đổi thị giác: đột ngột bị mất thị giác ở một hoặc hai bên, trường hợp khác có thể xuất hiện tình trạng nhìn đôi (thấy hai hình của cùng một vật).
- Đau đầu: nếu bạn gặp phải tình trạng xuất huyết não, bạn sẽ cảm thấy đau đầu dữ dội, có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn. Trường hợp nhồi máu não có thể kèm theo đau đầu âm ỉ, đau đầu thoáng qua, khó phát hiện hơn.
- Đi lại khó khăn: tổn thương vùng tiểu não có thể làm cho chức năng giữ thăng bằng của cơ thể bị ảnh hưởng, hoặc do nguyên nhân yếu các chi có thể làm việc đi lại trở nên khó khăn.
Nguyên nhân đột quỵ
Nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não thường sẽ khác nhau tùy theo loại tai biến mà người bệnh mắc phải.
Nguyên nhân gây đột quỵ thiếu máu cục bộ
Nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là huyết khối hình thành tại động mạch bị vữa xơ, thường là động mạch cảnh, động mạch sống nền và động mạch não. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trong trong lòng mạch thành các mảng xơ và cứng, gây hẹp động mạch. Khi mảng xơ vữa vỡ ra tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp kín lòng mạch.
Một nguyên nhân khác là thuyên tắc mạch, khi cục máu đông hình thành ở một vị trí khác trong hệ tuần hoàn, thường là từ tim, sau đó di chuyển theo dòng máu lên não gây thuyên tắc mạch máu não. Nguyên nhân chính của thuyên tắc thường là do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.
Bệnh lý mạch máu não – thường là những động mạch nằm sâu trong não, cũng có thể dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não
Các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do xuất huyết não là:
- Tăng huyết áp.
- Bệnh amyloidosis não.
- Các bệnh rối loạn đông máu.
- Điều trị thuốc chống đông máu.
- Liệu pháp tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp tính (có thể gây xuất huyết não).
- Dị dạng động tĩnh mạch, phình động mạch và các dị tật mạch máu khác (u tĩnh mạch và xoang hang).
- Viêm mạch.
- Khối tân sinh trong sọ.
Đối tượng nguy cơ
Nguy cơ bị tai biến mạch máu não tăng lên theo tuổi tác, người từ 55 tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn người trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp người trẻ dưới 30 tuổi cũng bị đột quỵ.
Đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ. Ở phụ nữ, phần lớn các trường hợp tai biến mạch máu não xảy ra ở độ tuổi lớn hơn nam giới, nguy cơ tử vong cũng cao hơn nam giới.
Các yếu tố nguy cơ khác của tai biến mạch máu não là:
- Tăng huyết áp (nguy cơ quan trọng nhất)
- Đái tháo đường và rối loạn dung nạp đường huyết
- Rối loạn lipid máu
- Bệnh tim: Suy tim, cơ tim giãn nở, bệnh van tim, rung nhĩ, bệnh tim bẩm sinh.
- Bệnh lý mạch máu: xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua
- Ngưng thở khi ngủ
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Béo phì
- Dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh
- Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ
- Lối sống: nghiện rượu, hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất, sử dụng ma túy (cocaine, methamphetamine)
Chẩn đoán đột quỵ
Khi có những triệu chứng của đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở cấp cứu gần nhất càng sớm càng tốt, bác sĩ sẽ kết hợp thăm khám lâm sàng và chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não để có hướng can thiệp phù hợp.
Ngoài ra để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có thể bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu, điện tim đồ, siêu âm động mạch, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Phòng ngừa đột quỵ
Có thể phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng các cách sau:
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Kiểm soát lượng cholesterol trong máu.
- Kiểm soát lượng đường trong máu.
- Tăng cường vận động.
- Có chế độ ăn lành mạnh.
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Không hút thuốc.
- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng
- Bạn nên đi khám sức khỏe để tầm soát đột quỵ định kỳ nếu có yếu tố nguy cơ, nhất là đã bị một cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc từng bị đột quỵ trước đó. Tầm soát đột quỵ giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe, các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến đột quỵ. Từ đó được tư vấn và điều trị các yếu tố này, nhằm phòng ngừa tai biến mạch máu não.
Điều trị đột quỵ
Nguyên tắc chung để điều trị tai biến/đột quỵ chính là cấp cứu sớm và can thiệp chính xác, nhằm hạn chế các biến chứng cũng như giảm tối đa nguy cơ tử vong. Khi thấy người có triệu chứng tai biến nhẹ hay nặng thì cần lập tức gọi xe cấp cứu và hỗ trợ đưa người bệnh đến bệnh viện. Ngoài ra, cũng cần lưu ý giữ cho người bệnh không bị té ngã, đặt người bệnh nằm nghiêng để bảo vệ đường thở.
Trước và trong khi đưa người bệnh đi cấp cứu, tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống gì và không tự ý điều trị bằng các biện pháp như châm cứu, bấm huyệt, đánh gió,… Cũng không nên cho người bị tai biến uống thuốc huyết áp hoặc các loại thuốc khác mà chỉ theo dõi biểu hiện xem người bệnh có nôn mửa, co giật, méo miệng,… hay không.
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ chẩn đoán người bệnh có bị tai biến mạch máu não hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, để xác định tai biến mạch máu não thì cần có 3 tiêu chuẩn lâm sàng sau đây:
- Có triệu chứng thần kinh khu trú
- Triệu chứng xảy ra đột ngột
- Không có chấn thương sọ não
Nếu có đủ 3 tiêu chuẩn trên thì khả năng người bệnh bị tai biến mạch máu não lên đến 95-99%. Lúc này, bác sĩ có thể cho tiến hành chụp não cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não, xác định nguyên nhân tai biến mạch máu não là do tắc nghẽn mạch máu hay xuất huyết não mà có phương pháp can thiệp thích hợp để hạn chế ổ tổn thương lan rộng.
Việc điều trị tai biến mạch máu não kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh, hạn chế biến chứng mà còn dựa trên nguyên tắc để người bệnh phục hồi nhanh nhất, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ tái phát.
Tóm lại, tai biến mạch máu não (đột quỵ) là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, nhưng việc hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa có thể giúp bạn và gia đình bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Đừng chủ quan với những dấu hiệu bất thường như khó nói, liệt mặt, hay đau đầu dữ dội. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe định kỳ và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao. Trong trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, hãy ngay lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ y tế. Sự chăm sóc và phản ứng kịp thời không chỉ cứu sống bạn mà còn giúp giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng.