Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Teo tinh hoàn là gì? Những điều cần biết về teo tinh hoàn
Teo tinh hoàn là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Vậy teo tinh hoàn có triệu chứng như thế nào? Có điều trị được không? Hãy cùng tìm hiểu về Teo tinh hoàn qua bài viết này.
Tổng quan chung
Tinh hoàn là tuyến sinh dục, có chức năng chính là sinh tinh (sản xuất tinh trùng) và tiết ra nội tiết tố testosterone ở nam giới. Tinh hoàn là cơ quan có hình bầu dục nằm bên trong bìu, túi da treo ở ngoài cơ thể vị trí trước vùng xương chậu và gần đùi, được bao quanh bởi một màng trắng dày albuginea. Cấu trúc của tinh hoàn gồm các tiểu thùy, mỗi tiểu thùy sẽ bao gồm nhiều ống sinh tinh xoắn vòng.
Thông thường lớp da bìu có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ xung quanh tinh hoàn, bằng cách co lại khi nhiệt độ bên ngoài thấp và giãn ra để đáp ứng với nhiệt độ cao hơn. Trên thực tế kích thước của hai bên tinh hoàn không bằng nhau, đây là điều bình thường, không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu kích thước 2 bên quá chênh lệch thì có thế bạn đang mắc một bệnh lý nào đó.
Teo tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn co rút, teo nhỏ lại nhưng nguyên nhân không phải do bìu. Nguyên nhân dẫn đến teo tinh hoàn ở nam giới có thể kể đến như: chấn thương ở vùng sinh dục, do tiếp xúc với một số hóa chất độc hại. Teo tinh hoàn khiến cho số lượng tinh trùng suy giảm, mức testosterone thấp hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của đấng mày râu.
Triệu chứng
Triệu chứng rõ ràng nhất của tinh hoàn bị teo là sự co rút của một hoặc cả hai tinh hoàn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng của mỗi người, mà có thể có các triệu chứng khác kèm theo.
Đối với teo tinh hoàn trước tuổi dậy thì, có thể nhận thấy các triệu chứng kèm như:
- Kích thước dương vật lớn hơn;
- Thiếu lông mặt hoặc lông mu.
Nếu teo tinh hoàn xảy ra sau tuổi dậy thì, các triệu chứng khác có thể gồm:
- Tinh hoàn mềm
- Ham muốn tình dục thấp hơn
- Giảm khối lượng cơ bắp
- Vô sinh
- Giảm lông mặt hoặc lông mu.
Nếu tinh hoàn bị teo do một bệnh lý tiềm ẩn, bạn có thể gặp các tình trạng khác như: Đau ở tinh hoàn; viêm; sốt; buồn nôn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng teo tinh hoàn trong đó có thể kể đến như:
- Tuổi tác: Nồng độ testosterone của người nam sẽ cao nhất ở thời điểm năm 25 tuổi và sau 30 tuổi nồng độ nội tiết nam sẽ giảm dần từ 0,8-1,4% mỗi năm. Lượng testosterone thấp có thể làm cho tinh hoàn bị teo.
- Mất cân bằng hormone: Nếu cơ thể sản sinh ra ít testosterone, tinh hoàn có thể bị teo lại.
- Viêm tinh hoàn: Tình trạng này gây ra đau và sưng to ở tinh hoàn. Một trong những biến chứng viêm tinh hoàn sau khi mắc quai bị.
- Xoắn tinh hoàn: Những cơn đau dữ dội và đột ngột ở tinh hoàn. Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương vĩnh viễn ở tinh hoàn, gây teo thậm chí phải cắt bỏ.
- Rượu bia, các chất oxy hóa trong quá trình chuyển hóa rượu cũng ức chế sản sinh testosterone, nam giới nghiện rượu có mức testosterone thấp hơn, ảnh hưởng tới việc sản xuất hormone nam và có thể gây ra tình trạng teo tình hoàn.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây là tình trạng giãn và xoắn của đám rối tĩnh mạch thừng tinh. Nếu không được phát hiện và điều trị, giãn tĩnh mạch thừng tinh làm giảm khả năng sinh sản của nam giới, gây đau và teo tinh hoàn.
- Tinh hoàn ẩn: Tình trạng này nếu không được điều trị có thể khiến tinh hoàn bị teo.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc teo tinh hoàn bao gồm:
- Sự gia tăng của tuổi tác
- Sử dụng rượu quá mức
- Hút thuốc lá
- Có thực hiện các phẫu thuật ở tinh hoàn;
- Tiền sử gia đình có người mắc teo tinh hoàn;
- Sử dụng thuốc hoặc chất bổ sung (ví dụ như steroid đồng hóa).
Chẩn đoán
Đầu tiên, để biết được nguyên do gây teo tinh hoàn ở nam giới, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin bệnh sử, đời sống tình dục, các loại thuốc đang sử dụng và bệnh lý đang mắc phải. Sau đó bệnh nhân sẽ được kiểm tra kết cấu, kích thước và độ săn chắc của hai bên tinh hoàn. Trong trường hợp phát hiện ra sự bất thường ở tinh hoàn người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu;
- Siêu âm tinh hoàn;
- Kiểm tra hàm lượng hormone testosterone trong cơ thể.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa teo tinh hoàn, nam giới có thể:
- Tiêm vắc xin quai bị để phòng nguy cơ mắc bệnh quai bị. Hiện nay biến chứng teo tinh hoàn do quai bị chiếm tỷ lệ khá cao, được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch. Hiện nay vắc xin phòng bệnh quai bị thường được kết hợp thành mũi vắc xin 3 trong 1 phòng sởi – quai bị – rubella. Phác đồ tiêm khá đơn giản, có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, hiệu quả bảo vệ cao.
- Bỏ thuốc lá vì việc hút thuốc lá làm tổn thương gen di truyền của DNA.
- Hạn chế rượu bia vì đây là một trong những nguyên nhân làm rối loạn chuyển hóa.
- Tập thể dục và vận động thường xuyên, quá trình vận động giúp cơ thể đốt lượng mỡ dư thừa, tăng cường quá trình chuyển hóa cholesterol thành testosterone nội sinh thay vì chuyển hóa thành estrogen.
- Chế độ dinh dưỡng cần được chú trọng, chống béo phì, hạn chế nạp tinh bột và tăng cung cấp protein, axit amin thiết yếu cũng như thực phẩm giàu omega 3.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị teo tinh hoàn hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hay các bệnh nhiễm trùng khác thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
Phần lớn lượng hormone testosterone của nam giới được sản xuất ở tinh hoàn, nên đối với đối tượng bệnh nhân có hàm lượng hormone giảm đáng kể cần bổ sung thêm hormone, tăng khả năng sinh tinh cũng như cải thiện chất lượng của tinh trùng.
Đối với tình trạng xoắn tinh hoàn, người bệnh sẽ cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để điều trị. Người bệnh cũng cần phải hạn chế sử dụng bia rượu để ngăn ngừa tình trạng teo nhỏ tinh hoàn từ sớm.
Mặc dù tình trạng tinh hoàn teo nhỏ dễ điều trị, nhưng người bệnh phải đến gặp các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt là với tình trạng xoắn tinh hoàn, đây là trường hợp cần cấp cứu nhanh chóng, người bệnh cần đến gặp các bác sĩ càng sớm càng tốt.