Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thị dâm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Thị dâm là một hành vi thuộc nhóm hành vi tình dục bất thường hay lệch lạc tình dục, được gọi là Paraphilia. Paraphilia là tình trạng mà một người bị kích thích tình dục khi họ tưởng tượng hoặc tham gia vào một hoạt động tình dục bất thường và cực đoan. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về thị dâm.
Tổng quan chung thị dâm
Trong Tâm lý học lâm sàng, thị dâm (voyeurism, scopophilia, peeping tom) là hành vi nhìn trộm những hoạt động riêng tư của người khác như: thay quần áo, tắm, hoạt động tình dục, nhìn trộm phòng thay đồ nơi công cộng….
Bản thân hành vi thị dâm không hẳn là một rối loạn tâm thần. Một số người khi mắc bệnh sẽ cảm thấy phấn khích và thỏa mãn khi lén lút nhìn trộm ai đó, tuy nhiên họ sẽ không tham gia hoạt động tình dục với đối tượng mà họ quan sát.
Triệu chứng thị dâm
Các triệu chứng phổ biến của rối loạn thị dâm là:
- Có hành vi nhìn trộm các hoạt động riêng tư của người khác mà không có sự đồng ý của đối tượng.
- Phấn khích và thỏa mãn dục vọng khi nhìn thấy người khác quan hệ tình dục.
- Cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi không thực hiện hành vi nhìn trộm người khác.
Những người mắc hội chứng rối loạn thị dâm cũng có nguy cơ mắc phải các tình trạng rối loạn khác như: rối loạn trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất gây nghiện… Đặc biệt hơn, nhóm đối tượng này cũng có nguy cơ cao mắc thêm các rối loạn về hành vi tình dục bất thường khác, trong đó cụ thể là phô dâm.
Nguyên nhân thị dâm
Dựa theo nguồn tin từ Trang thông tin Tâm lý – Psychology Today, không thể xác định nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng rối loạn thị dâm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra một số yếu tố gây ra vấn đề này như:
- Tò mò
- Lạm dụng chất kích thích
- Nạn nhân của lạm dụng tình dục
- Tăng nội tiết tố quá mức dẫn đến rối loạn ham muốn.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn thị dâm, đặc biệt khi bạn có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chứng bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ thường gặp của rối loạn thị dâm bao gồm:
- Lạm dụng tình dục;
- Cuồng dâm (Hypersexuality);
- Sang chấn tình dục thời thơ ấu (ví dụ như trẻ em bị ấu dâm);
- Lạm dụng chất gây nghiện (rượu, ma tuý,…).
Chẩn đoán
Theo tiêu chuẩn đặc hiệu thuộc Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-5), để chẩn đoán chứng thị dâm chính xác đòi hỏi những điều kiện sau đây:
- Bệnh nhân mắc chứng thị dâm bị kích thích lặp đi lặp lại và mãnh liệt với việc nhìn ngắm thân hình của người khác, cảnh quan hệ tình dục,…
- Nếu không có cơ hội quan sát trực tiếp, sự kích thích được thể hiện bằng các tưởng tượng, thúc giục mãnh liệt từ sâu trong tâm trí và họ bắt đầu thủ dâm và lên đỉnh.
- Bệnh nhân thường hành động theo cảm tính, không quan tâm đến hậu quả phía sau.
- Nếu không được đáp ứng, người mắc chứng này sẽ rơi vào tình trạng đau khổ đáng kể hoặc làm suy giảm hoạt động chức năng trong công việc, các tình huống xã hội, hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác.
- Chứng thị dâm kéo dài ≥ 6 tháng
Phòng ngừa thị dâm
Phòng ngừa rối loạn thị dâm có thể bao gồm một số phương pháp và hành động sau đây:
- Giáo dục và nhận thức: Hiểu rõ về rối loạn thị dâm và nhận thức về những hậu quả tiềm ẩn của hành vi này là một bước quan trọng. Tìm hiểu về rối loạn thị dâm, những nguyên nhân và yếu tố có liên quan có thể giúp bạn nhận ra tác động xấu của nó và làm cho bạn quan tâm đến việc phòng ngừa rối loạn này.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý: Nếu bạn có cảm giác không kiểm soát được hành vi thị dâm và gặp khó khăn trong việc kiểm soát ham muốn này, tìm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia về rối loạn tình dục có thể rất hữu ích. Họ có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về nguyên nhân và cung cấp các kỹ thuật quản lý cụ thể.
- Quản lý căng thẳng: Rối loạn thị dâm có thể được kích thích hoặc gia tăng bởi căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Hãy tìm hiểu các kỹ thuật quản lý căng thẳng như tập yoga, thiền định, tập thể dục đều đặn, hoặc tìm hiểu các kỹ năng giải quyết vấn đề để giúp bạn xử lý căng thẳng một cách lành mạnh và hiệu quả.
- Hạn chế tiếp xúc với nội dung khiêu dâm: Hạn chế tiếp xúc với nội dung khiêu dâm có thể giúp giảm kích thích và kiểm soát cảm xúc liên quan đến rối loạn thị dâm. Điều này có thể bao gồm hạn chế truy cập vào trang web khiêu dâm, giảm thời gian xem các loại nội dung này và tìm các hoạt động khác để thay thế.
- Xây dựng sự tự quản: Phát triển kỹ năng tự quản và kiểm soát bản thân là một phần quan trọng trong phòng ngừa rối loạn thị dâm. Hãy tập trung vào việc xây dựng sự tự nhận thức và khả năng tự kiểm soát hành vi của mình.
Điều trị thị dâm như thế nào?
Về mặt điều trị, rối loạn thị dâm có thể được điều trị bằng các liệu pháp tham vấn tâm lý, dùng thuốc đặc trị hoặc kết hợp cả hai.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp trị liệu tâm lý thường được sử dụng để điều trị rối loạn thị dâm là Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT – Cognitive behavioral therapy). Chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ người bệnh nhìn nhận vấn đề của bản thân, đồng thời cũng chỉ ra các lý do vì sao hành vi hiện tại của họ là không phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng có thể áp dụng Liệu pháp trị liệu cặp đôi hoặc trị liệu gia đình (Couples and Family therapy). Họ sẽ có thêm sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh để có thêm thông tin về bệnh sử hoặc tính di truyền từ gia đình…
Tham vấn trị liệu cũng có thể hỗ trợ cho người bệnh xây dựng khả năng nhận biết các suy nghĩ và cảm xúc trước khi biểu hiện ra hành vi.
Thuốc
Bên cạnh sử dụng liệu pháp tâm lý, các bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc cho tình trạng này.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể được sử dụng:
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRIs: fluoxetine, escitalopram.
- Các loại thuốc kiểm soát hoặc làm giảm nội tiết tố testosterone nhằm điều tiết cơn ham muốn: goserelin, leuprolide acetate.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thị dâm là gì, cũng như đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.