Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thiếu hụt hormone testosterone và các điều cần biết
Thiếu hụt hormone testosterone là vấn đề rất được nam giới quan tâm. Vậy, thiếu hụt testosterone ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe nam giới, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Testosterone là một loại hormone có vai trò vô cùng quan trọng đối với nam giới. Các chức năng chính của nó bao gồm kích thích ham muốn tình dục, tăng khả năng cương cứng, tăng số lượng và chất lượng của tinh trùng; ngoài ra nó cũng góp một phần lớn vào việc xây dựng cơ bắp và điều chỉnh sức khỏe của xương.
Ở cơ thể nam giới, testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm tới 95%) và một lượng nhỏ ở tuyến thượng thận (chiếm khoảng 4%). Đối với nữ giới, hormone này được sản xuất một phần nhỏ tại tuyến thượng thận và buồng trứng.
Triệu chứng của thiếu hụt testosterone
Những nam giới bị thiếu hụt hormone testosterone có thể phải đối mặt với các triệu chứng phổ biến sau:
- Suy giảm ham muốn tình dục: Testosterone kích thích ham muốn tình dục ở nam giới. Khi mức testosterone giảm, ham muốn tình dục cũng giảm.
- Khó khăn khi cương cứng: Testosterone giúp kích thích các thụ thể trong não sản sinh ra oxit nitric, cần thiết cho sự cương dương.
- Lượng tinh dịch thấp: Testosterone ảnh hưởng đến quá trình sản sinh lượng tinh dịch, lượng tinh dịch giảm khi testosterone thấp.
- Mất cơ: Testosterone góp phần hình thành và duy trì khối cơ bắp.
- Giảm khối lượng xương: Testosterone tham gia vào quá trình sản xuất và củng cố sức khỏe của xương.
- Rụng tóc: Testosterone duy trì sự mọc và phát triển của tóc và lông trên cơ thể.
- Mệt mỏi: Nam giới có mức độ testosterone thấp thường gặp tình trạng mệt mỏi cực độ.
- Tăng lượng mỡ thừa: Mức testosterone thấp có thể gây ra gia tăng lượng mỡ thừa.
- Tâm trạng thay đổi: Thiếu hụt testosterone có thể dẫn đến các vấn đề như cáu gắt, trầm cảm hoặc thiếu tập trung.
Nguyên nhân gây thiếu hụt hormone testosterone
Testosterone có thể suy giảm tự nhiên theo tuổi tác, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác:
- Nguyên phát: Tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone do các lý do như hội chứng Klinefelter, tinh hoàn ẩn, biến chứng viêm tinh hoàn của quai bị, chấn thương tinh hoàn, hóa trị và xạ trị.
- Thứ phát: Vùng dưới đồi và tuyến yên gặp vấn đề, dẫn đến tinh hoàn không hoạt động bình thường. Các nguyên nhân bao gồm rối loạn tuyến yên, HIV/AIDS, một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến sản xuất testosterone.
Đối tượng nguy cơ
- Nam giới lớn tuổi.
- Nam giới béo phì.
- Nam giới mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch.
- Nam giới sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, steroid.
- Nam giới có tiền sử lạm dụng chất kích thích.
- Nam giới trải qua một số thủ thuật y tế như phẫu thuật tuyến tiền liệt, hóa trị liệu.
- Nam giới có bất thường về di truyền.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán testosterone thấp, bác sĩ sẽ đánh giá thể chất và các triệu chứng, yêu cầu xét nghiệm đo lượng testosterone trong máu. Xét nghiệm thường được thực hiện vào buổi sáng khi hormone này có nồng độ cao nhất.
Phòng ngừa bệnh
Hormone Testosterone cực kỳ quan trọng đối với nam giới, cần có biện pháp phòng ngừa từ sớm bằng những cách sau đây:
Giảm thiểu căng thẳng, kiểm soát stress: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm hormone nam. Vì vậy, cần tìm cách loại bỏ, giảm thiểu những căng thẳng bằng cách:
- Sắp xếp công việc hợp lý, không nên ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.
- Dành thời gian để nghe nhạc, đọc sách, thiền, trò chuyện cùng bạn bè hoặc người thân.
- Tập hít thở sâu giúp giải tỏa những căng thẳng thần kinh.
- Tập thể dục cũng là cách nâng cao sức khỏe, giúp tinh thần được sảng khoái.
- Thư giãn với những thú vui như: chơi chim, cắt tỉa cây cảnh…
- Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc 7-8 giờ mỗi ngày
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Chế độ dinh dưỡng chính là yếu tố tác động trực tiếp đến nội tiết tố trong cơ thể. Nam giới cần ăn uống đủ chất, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là, kẽm, Omega -3, vitamin A, B, C, D, E… là những dưỡng chất quan trọng giúp cơ thể sản xuất Testosterone tự nhiên trong cơ thể. Các dưỡng chất này có nhiều trong các nguồn hải sản, rau củ, trái cây, các loại hạt: cá hồi, hàu, bông cải xanh, cà rốt, rau bina, cà chua, dưa hấu, bơ, táo… Đồng thời, loại bỏ thói quen uống nhiều bia rượu, ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, thức ăn quá ngọt hoặc mặn… sẽ khiến Testosterone trong cơ thể càng “vơi” đi nhanh hơn. Chế độ ăn uống khoa học còn giúp nam giới duy trì số cân nặng hợp lý, phòng ngừa bệnh thừa cân, béo phì là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến nội tiết tố của nam giới.
Sinh hoạt tình dục đều đặn: Việc quan hệ tình dục hoặc thủ dâm quá độ đều ảnh hưởng đến lượng nội tiết tố của nam giới. Câu hỏi nhiều người đặt ra, vậy sinh hoạt tình dục bao nhiêu là đủ? Các chuyên gia tình dục Mỹ nghiên cứu và công bố năm 2012 về cách tính số lần quan hệ bằng “công thức số 9”. Quy tắc này là lấy số hàng chục của tuổi mình nhân với 9. Ví dụ: tuổi từ 20-29 (lấy số 2 x 9 = 18) tương đương 1 tuần quan hệ 8 lần. Từ 30 đến 39 tuổi, nên quan hệ 7 lần/2 tuần. Từ 40- 49 tuổi, quan hệ 6 lần/3 tuần. Từ 50 đến 59 tuổi, quan hệ 5 lần/4 tuần. Từ 60-69 tuổi, quan hệ 4 lần/5 tuần. Sinh hoạt tình dục điều độ là cách tăng cường sức khỏe và “bảo vệ” lượng Testosterone trong cơ thể ở mức bình thường, ổn định.
Có môi trường sống trong lành: Theo các chuyên gia, các hóa chất tổng hợp và tự nhiên được chứng minh làm tăng quá trình chuyển hóa Testosterone thành estrogen, đồng thời giảm các thụ thể chuyển hóa Testosterone thành Androgen. Vì vậy, việc hạn chế cơ thể tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi ô nhiễm, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, các hóa chất… giúp nam giới giảm thiểu việc giảm sút Testosterone.
Điều trị như thế nào?
Testosterone thấp có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các quý ông, vì vậy nếu gặp tình trạng này, nam giới bị suy giảm Testosterone cần đến cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được thăm khám, và can thiệp kịp thời. Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Thông thường, điều trị Testosterone thấp có những phương pháp sau
Liệu pháp bổ sung Testosterone
Liệu pháp thay thế Testosterone áp dụng cho những người có các triệu chứng Testosterone thấp làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Phương pháp này được thực hiện nhiều cách như: tiêm vào bắp tay (10-14 ngày một liệu trình); Sử dụng miếng dán Testosterone (vào các bộ phận cơ thể như: bụng, mông, lưng, cánh tay); Gel lên những vùng da khô sạch hàng ngày ở lưng, cánh tay; Viên cấy dưới cánh tay 2 tháng một lần hoặc có thể sử dụng viên uống Testosterone.
Hầu hết mọi người sẽ nhận thấy giảm các triệu chứng trong vòng 4–6 tuần kể từ khi áp dụng liệu pháp điều trị này. Tuy nhiên, đây là liệu pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro như: tăng nguy cơ xảy ra ngưng thở khi ngủ, kích thích các tế bào ung thư tuyến tiền liệt tiềm ẩn trong cơ thể, ngực to, tăng nguy cơ hình thành các huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, hạn chế việc sản xuất tinh trùng và làm co rút tinh hoàn. Đặc biệt, liệu pháp Testosterone còn có nguy cơ cao gây ra các bệnh tim mạch. Vì vậy, khi lựa chọn liệu pháp này cần trao đổi kỹ với bác sĩ về những lợi ích và những rủi ro mà bạn phải đối mặt để có quyết định đúng đắn.
Sử dụng thực phẩm chức năng
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm hỗ trợ, cải thiện khả năng sinh lý cho nam giới. Tuy nhiên, khi chọn những sản phẩm này cần chú đến nguồn gốc sản phẩm, thành phần, cơ chế tác động, cũng như hiệu quả, độ an toàn, sản phẩm được cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng.
Tăng Testosterone tự nhiên
Bên cạnh tăng cường Testosterone bằng các biện pháp điều trị bằng thuốc, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên thì tăng Testosterone bằng phương pháp tự nhiên được nhiều người quan tâm. Sau đây là một số cách tăng Testosterone tự nhiên:
- Thường xuyên tập thể dục thể thao: Nên dành 30-60 phút mỗi ngày để rèn luyện thể lực, và cần duy trì 5 lần mỗi tuần.
- Thay đổi lối sống tích cực: Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, hạn chế và kiểm soát stress, tránh thức khuya, hạn chế rượu bia, thuốc lá…
- Có chế độ ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm tốt cho sinh lý nam như: hải sản, thịt bò, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại hạt.
Kết luận
Thiếu hụt hormone testosterone là một vấn đề sức khỏe quan trọng đối với nam giới, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ sức khỏe tình dục đến tâm trạng và thể lực. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đúng đắn và các biện pháp phòng ngừa, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng này. Hãy luôn chú ý đến lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của thiếu hụt testosterone, đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. Chăm sóc sức khỏe của chính mình không chỉ giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là cách để yêu thương và bảo vệ những người thân yêu xung quanh.