Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tiểu đường thai kỳ là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng sức khỏe mà mọi bà bầu nên được thông tin đầy đủ và chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ước tính, có 2% đến 10% phụ nữ mang thai có thể phát triển bệnh này, gây ra không chỉ lo ngại cho sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào hiểu biết về tiểu đường thai kỳ, từ triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Tổng quan chung
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn đường huyết xảy ra trong thời kỳ mang thai. Mặc dù đa số phụ nữ sẽ trở lại bình thường sau khi sinh, khoảng 5% đến 20% có nguy cơ phát triển thành tiểu đường type 2 sau này. Điều quan trọng là phải nhận biết sớm và quản lý kịp thời để giảm thiểu rủi ro.
Đái tháo đường ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi với những biến chứng nguy hiểm
Triệu chứng
Đa phần những tình trạng tăng đường huyết sẽ không thể hiện ra triệu chứng trên lâm sàng. Khi mức đường huyết cao mới thể hiện một số dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ như sau:
- Tiểu nhiều lần trong ngày.
- Đối với những thai phụ tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 có thể sẽ thấy mức độ tăng cân hơi nhanh so với khuyến nghị.
- Khát nước liên tục.
- Mệt mỏi, thiếu sức.
- Mờ mắt, giảm thị lực.
- Vết thương khó lành.
- Ngứa ngáy, khó chịu vùng kín, bị nấm sinh dục.
- Ngủ ngáy.
- Tình trạng thai to hoặc xuất hiện đa ối.
- Thậm chí có những rối loạn gây ra hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu hoặc nhiễm Ceton sẽ có các triệu chứng rối loạn tri giác như ngủ gà.
Nguyên nhân
Khi cơ thể có thai trong 3 tháng đầu, hiện tượng dị hoá trội, chức năng của tuỵ vẫn tiết đủ insulin để đáp ứng. Vào 3 tháng giữa thai kỳ, do thay đổi nội tiết, các hormon trong thai tăng lên, nhu cầu insulin không đáp ứng đủ làm thai phụ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ.
Kiểm soát cân nặng trong thai kỳ
Đối tượng nguy cơ
- Thừa cân, béo phì (BMI ≥ 25).
- Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2, mẹ hoặc chị gái mắc đái tháo đường thai kỳ.
- Phụ nữ mang thai ở tuổi 35 trở lên.
- Có tình trạng hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), phụ nữ có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
- Tiền căn lần mang thai lần trước:
- Con to: >4000 gram.
- Thai lưu (đặc biệt ở 3 tháng tuổi).
- Thai dị tật không rõ lý do.
- Sinh non.
- Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước.
Chẩn đoán
Lâm sàng:
- Béo phì (BMI ≥ 25).
- Ăn nhiều, uống nhiều, tăng cân nhiều (>20kg).
- Thai to, dư ối, thai lưu.
Cận lâm sàng:
Dung nạp 75mg đường pha với 200ml nước sôi để nguội sau khi nhịn ăn 8-14 tiếng. Thai phụ được lấy máu sau khi uống được 1 tiếng và sau khi uống được 2 tiếng. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ khi có ít nhất 1 trong 3 tiêu chí sau:
- Đường huyết lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/l).
- Đường huyết sau 1 giờ uống 75g đường: ≥ 180 mg/dL (10,0mmol/l).
- Đường huyết sau 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/l).
Cách phòng ngừa bệnh
Đái tháo đường thai kỳ nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể gây nguy cơ thai lưu, sảy thai, tiền sản giật, sinh non. Đặc biệt những người mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo và có thể tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 thực sự sau khi sinh. Dưới đây là các cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ:
- Hạn chế tinh bột, dầu mỡ, đồ ăn ngọt, thức ăn chiên xào, chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng thường xuyên.
- Tránh tăng cân mất kiểm soát.
- Hạn chế sử dụng nước ngọt, đồ uống có ga và có chất kích thích.
- Không ăn quá mặn, thức ăn chế đóng hộp chế biến sẵn.
Tầm soát thai kỳ: Dung nạp 75g đường để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
- Nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ, bất thường đường huyết lúc đói )>= 92mg/dL) -> Tầm soát lúc 24-28 tuần.
- Thai phụ có yếu tố nguy cơ -> Tầm soát trong 3 tháng đầu. Có thể lặp lại ở 24-28 tuần(Nếu trước đó bình thường).
Tầm soát được thực hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất. Nếu xét nghiệm âm tính thai phụ cần thực hiện lại test 75g đường lần thứ 2 ở giai đoạn từ 24 đến 28 tuần.
Hiện tại theo khuyến cáo của hướng dẫn Quốc gia về kiểm soát và quản lý đái tháo đường thai kỳ thì biện pháp dung nạp 75mg glucose sẽ được thực hiện cho tất cả các thai phụ khi mang thai nếu thai phụ có nguy cơ cao.
Cần có chế độ sống lành mạnh để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Cách điều trị
Khi mắc phải đái tháo đường thai kỳ việc đầu tiên thai phụ cần làm là thay đổi chế độ ăn cũng như lối sống. Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.
Cần tái khám lại sau từ 1 -2 tuần để xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc đường huyết sau ăn để kiểm tra mức độ đáp ứng. Nếu đạt mục tiêu điều trị tiểu đường thai kỳ thai phụ sẽ tiếp tục khám thai theo phác đồ mà bác sĩ đề ra. Nếu chưa đạt tức là đường huyết còn cao nên xem xét nhập viện để sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết (Insulin) hợp lý.
Chế độ ăn uống và tập luyện cho mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ:
- Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: Sữa tươi, sữa đậu nành, bưởi, cà chua, chuối, cháo yến mạch.
- Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm và chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
- Hạn chế nạp chất béo, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng đều đặn để kiểm soát đường huyết sau ăn. Cần ăn nhẹ trước khi tập để không bị hạ đường huyết.
Theo các nghiên cứu đã được thực hiện tại bệnh viện Hùng Vương cũng như các tỉnh phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hơn 95% thai phụ có thể kiểm soát được đường huyết của mình, đạt được đường huyết mục tiêu chỉ nhờ vào chế độ ăn và chế độ vận động phù hợp.
Tiểu đường thai kỳ đe dọa tới sức khỏe của người mẹ và ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của thai nhi. Cần kiểm tra, tầm soát và phát hiện bệnh sớm để có hình thức can thiệp kịp thời.
Tiểu đường thai kỳ không chỉ là một vấn đề y tế cần được quan tâm mà còn là một cơ hội để các bà mẹ chăm sóc bản thân và thai nhi một cách tốt nhất. Thông qua việc hiểu biết và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, mỗi người mẹ đều có thể vượt qua thách thức này, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mình và bé yêu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.