Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U lympho không hodgkin là gì? Những điều cần biết về u lympho không hodgkin
U lympho không hodgkin là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi được. Bệnh u lympho không hodgkin có nguy cơ cao ở nam giới, người lớn tuổi và người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch. Đây là một bệnh lý phức tạp với nhiều dạng khác nhau, yêu cầu sự hiểu biết sâu rộng để phát hiện và điều trị kịp thời.
Tổng quan chung
Bệnh u lympho không hodgkin (Non-Hodgkin’s lymphoma), còn được gọi là ung thư hạch không Hodgkin, là loại ung thư ung thư bạch huyết phổ biến và lây lan bệnh khắp cơ thể. U lympho không Hodgkin là loại xảy ra khi các tế bào lympho (một loại tế bào bạch cầu) phát triển và phân chia một cách không kiểm soát. Những tế bào bất thường này có thể tập trung ở các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
U lympho không hodgkin phổ biến hơn so với các loại khác của lymphoma – căn bệnh Hodgkin.
Nhiều phân nhóm khác nhau của ung thư hạch không Hodgkin tồn tại. Phân nhóm phổ biến nhất u lympho không hodgkin bao gồm khuếch tán tế bào lympho B và ung thư hạch nang.
U lympho không Hodgkin có thể xuất phát từ 1 trong 2 loại tế bào sau:
- Tế bào lympho B: Nhiệm vụ của tế bào B là sản xuất kháng thể để trung hòa các tác nhân bên ngoài gây nhiễm trùng. Phần lớn u lympho không Hodgkin đều bắt đầu từ tế bào B.
- Tế bào lympho T: Nhiệm vụ của tế bào T là tiêu diệt những tác nhân bên ngoài xâm nhập trực tiếp vào cơ thể và gây bệnh. U lympho không Hodgkin rất ít xuất phát từ tế bào T.
Triệu chứng
Triệu chứng của u lympho không Hodgkin rất đa dạng và thường phụ thuộc vào vị trí của khối u.
- Có đến 60% người bệnh có hạch to, và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.
- Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho như: Dạ dày, amidal, hốc mắt, da…
- Lách thường to độ I/II; tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.
- Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/ hoặc lách to.
- Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng “B” còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.
- Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.
- Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây u lympho không hodgkin hiện không được xác định chính xác. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nguyên phát do di truyền, người nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, các đối tượng suy giảm miễn dịch thứ phát (có thể do thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị bệnh lý liên quan khớp xương, sau ghép tế bào…) cũng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.
- Nhiễm trùng virus: Một số loại virus như Epstein-Barr (EBV), herpesvirus 8 ở người, Helicobacter pylori, virus viêm gan có thể làm tăng nguy cơ phát triển u lympho không Hodgkin.
- Tiếp xúc với hóa chất: Một số hóa chất, chẳng hạn như tia phóng xạ, thuốc trừ sâu và dung môi, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Viêm nhiễm mạn tính và tăng sản hạch bạch huyết phản ứng.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng sau đây được xem là có nguy cơ bị u lympho không Hodgkin cao:
- Có hệ miễn dịch yếu sau khi điều trị bệnh khác bằng phương pháp ghép tạng; hoặc hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm một số loại vi khuẩn như Helicobacter pylori, virus HIV, Epstein-Barr.
- Người lớn tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi, đặc biệt là ở những người trên 60 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin cao hơn so với nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Người có tiền sử gia đình mắc u lympho không Hodgkin hoặc các bệnh lý ung thư khác có nguy cơ cao hơn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán U lympho không Hodgkin, các phương pháp và xét nghiệm sau đây thường được sử dụng:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát và thăm khám các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân. Điều này bao gồm việc kiểm tra các vùng bị phình to và xác định tình trạng tổng quát của bệnh nhân.
- Xét nghiệm máu: Máu của bệnh nhân sẽ được lấy mẫu để xem xét sự có mặt của các tế bào lympho bất thường và các chỉ số khác nhau như số lượng bạch cầu, tiểu cầu,…
- Sinh thiết: Đây là một phương pháp quan trọng để chẩn đoán xác định u Lympho không Hodgkin. Một mẫu mô hoặc tế bào sẽ được lấy từ khối u và được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định cấu trúc và tính chất của tế bào ung thư.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp siêu âm, CT scan, PET CT hoặc MRI có thể được sử dụng để đánh giá phạm vi và mức độ di căn của bệnh.
- Xét nghiệm di truyền: Đôi khi, xét nghiệm di truyền như xét nghiệm tìm kiếm các biến thể di truyền nhất định hoặc xét nghiệm genetic từ mẫu tế bào ung thư có thể được thực hiện để xác định các yếu tố di truyền liên quan đến bệnh.
Qua việc sử dụng các phương pháp này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về U lympho không Hodgkin và đánh giá mức độ lan truyền của bệnh, từ đó quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh
Vì nguyên nhân chính xác gây ung thư hạch không hodgkin không được xác định nên hiện nay bệnh u lympho không hodgkin rất khó phòng ngừa hiệu quả. Để hạn chế nguy cơ mắc u lympho không hodgkin, chúng ta nên lưu ý:
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, tia phóng xạ. Cần trang bị đồ bảo hộ chuyên biệt khi lao động trong môi trường không an toàn.
- Giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh: Tránh các yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch như hút thuốc, sử dụng chất kích thích, và duy trì lối sống lành mạnh.
- Duy trì lối sống lành mạnh, chung thủy với bạn tình để hạn chế nguy cơ mắc các virus, vi khuẩn qua đường tiếp xúc gần, quan hệ tình dục…
- Tiêm phòng vacxin ngừa viêm gan B.
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao ít nhất 30 phút/ngày.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả u lympho không hodgkin, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện có chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, ở những độ tuổi nguy cơ cao hoặc ghi nhận mắc virus Helicobacter pylori, HIV, Epstein-Barr, bạn cần theo dõi định kỳ để có những phương pháp điều trị kịp thời.
Điều trị u lympho không Hodgkin như thế nào?
Điều trị u lympho không Hodgkin phụ thuộc vào loại, giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Cách điều trị u lympho không hodgkin phổ biến hiện nay bao gồm:
- Xạ trị: Phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân ung thư lympho không hodgkin giai đoạn tiến triển hoặc không đáp ứng được các phương pháp điều trị khác.
- Liệu pháp miễn dịch: Đây là liệu pháp sử dụng kháng thể đơn dòng hỗ trợ hệ thống miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các tế bào lạ, tế bào xấu. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư hạch bạch huyết tập trung vào CD20, CD19 hoặc CD79, hoặc tế bào T thụ thể kháng nguyên chimeric (tế bào CAR T).
- Hóa trị: Phương pháp này sử dụng thuốc uống hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Một số loại thuốc đặc trị như: thuốc ức chế BTK (Bruton tyrosine kinase), PI3K (phosphoinositide 3-kinase), thuốc ức chế nguyên bào não.
- Ghép tế bào gốc: Đây là phương pháp tăng cường hóa trị kết hợp ghép tủy xương nhằm tái thiết lập quá trình cấu tạo tế bào máu mới. Ghép tế bào gốc có thể dùng tế bào tự thân hoặc di sinh từ người thân trong gia đình.
Đối với u lympho không hodgkin, phương pháp phẫu thuật thường không được chỉ định. Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết nhằm xác định tế bào và giai đoạn ung thư hạch, từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện thể trạng và tình hình tiến triển bệnh, bác sĩ có thể lên phác đồ điều trị hóa trị và xạ trị kết hợp nhằm đẩy nhanh quá trình điều trị, tăng tính hiệu quả.
Kết luận
U lympho không Hodgkin là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng với sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đã được phát triển. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hãy luôn chú ý đến các triệu chứng bất thường và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết. Sự hiểu biết và chủ động trong chăm sóc sức khỏe là chìa khóa để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những nguy cơ bệnh tật.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.