Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U mô đệm đường tiêu hóa (GISTs) là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị u mô đệm đường tiêu hóa
U mô đệm đường tiêu hóa là một loại ung thư dạng sarcom mô mềm đường tiêu hóa. Vị trí hay gặp nhất là dạ dày (chiếm khoảng 60%), ruột non (25-30%), đại trực tràng (5-15%), ít gặp ở thực quản, mạc treo, mạc nối lớn. Bệnh chủ yếu gặp ở người trung niên và người cao tuổi, hiếm gặp ở người trẻ. Vậy tình trạng u mô đệm đường tiêu hóa có nguy hiểm không, bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về u mô đệm đường tiêu hóa.
Tổng quan chung u mô đệm đường tiêu hóa
U mô đệm đường tiêu hóa (Gastrointestinal stromal tumors (GIST)) là những khối u hình thành trong đường tiêu hóa. Hầu hết khối u xuất phát từ dạ dày hoặc ruột non. U mô đệm đường tiêu hóa có thể lành tính, ác tính. Trong đó, u lành tính chiếm 70-80% đa số gặp ở dạ dày, ruột non, thực quản, đại tràng và trực tràng. Các u có tiềm năng ác tính cao thường có kích thước lớn > 5cm, tế bào có dạng biểu mô và có thể di căn đến gan và phúc mạc.
Thông thường, các bác sĩ có thể loại bỏ những khối u này bằng phẫu thuật.
Khi những khối u không thể loại bỏ hoặc đã lan rộng, điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích có thể giúp bạn sống lâu hơn.
Triệu chứng u mô đệm đường tiêu hóa
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào kích thước của khối u và vị trí của nó. Một số khối u nhỏ không bao giờ gây ra các triệu chứng. Bác sĩ có thể vô tình phát hiện những khối u khi bạn được xét nghiệm vì một bệnh khác. Những khối u lớn có thể gây ra chảy máu. Bạn có thể nôn ra máu hoặc thấy có máu trong phân. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác như:
- Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện khi khối u lớn gây chèn ép các cơ quan xung quanh.
- Xuất huyết tiêu hóa: Bệnh nhân có thể gặp tình trạng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
- Khối u cảm nhận được: Khi u phát triển lớn, bệnh nhân hoặc bác sĩ có thể sờ thấy khối u qua da bụng.
- Mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân: Đây là các triệu chứng thường gặp khi bệnh tiến triển. Cảm giác mau no hoặc cảm giác không muốn ăn, sút cân không rõ nguyên nhân.
- Buồn nôn, nôn mửa: Khối u lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn và nôn mửa.
Nguyên nhân u mô đệm đường tiêu hóa
Nguyên nhân chính xác gây ra u mô đệm đường tiêu hóa hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự biến đổi gen KIT hoặc PDGFRA đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển khối u. Cả hai gen này đều liên quan đến sự phát triển và phân chia của các tế bào cơ trơn trong thành ống tiêu hóa. Hầu hết những người mắc bệnh đều có sự thay đổi trong các gen này, khiến các tế bào phân chia và phát triển khi không cần thiết.
Những thay đổi trong các gen khác cũng có thể gây bệnh u mô đệm đường tiêu hóa. Hầu hết mọi người không bị di truyền những gen bị thay đổi từ cha mẹ của họ.
Đối tượng nguy cơ u mô đệm đường tiêu hóa
Một số yếu tố nguy cơ gồm:
- Tuổi tác: GISTs thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
- Di truyền: Một số trường hợp u mô đệm đường tiêu hóa có yếu tố di truyền, liên quan đến các hội chứng như hội chứng Carney-Stratigakis.
- Tiền sử gia đình: Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về khối u đường tiêu hóa có nguy cơ cao hơn mắc GISTs.
Chẩn đoán u mô đệm đường tiêu hóa
- Khám lâm sàng.
- Chụp cắt lớp có cản quang: Uống chất cản quang để thấy rõ hơn dạ dày và ruột non khi chụp X-quang. Hoặc tiêm chất cản quang. Giúp đánh giá kích thước và vị trí của khối u.
- Nội soi tiêu hóa trên: Thực quản, dạ dày, đoạn đầu ruột non. Có thể lấy các mẫu sinh thiết các mô bất thường.
- Siêu âm nội soi: Siêu âm nội soi là phương pháp hình ảnh học chính xác nhất để đánh giá u dưới niêm đường tiêu hóa vì khả năng phác họa riêng biệt từng lớp của thành ống tiêu hóa và xác định chính xác vị trí của u dưới niêm.
- Chọc kim nhỏ sinh thiết: Đôi khi các khám nghiệm trên không có kết quả hay không kết luận được. Nếu vẫn nghi ngờ khối u thì phải cần đến phẫu thuật để lấy bỏ khối u và tiến hành các phân tích cần thiết như giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, chỉ số gián phân….
Sau khi được chẩn đoán, tất cả bệnh nhân đều cần được phân giai đoạn hoàn chỉnh bác sĩ sẽ chỉ định tiếp:
- Chụp CT: Chụp CT thường có thể hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của các khối u trong đường tiêu hóa. Xét nghiệm này cũng được thực hiện để xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Chụp PET: trong xét nghiệm này, bạn được dùng một loại đường đặc biệt có thể phát sáng bên trong cơ thể bằng một máy ảnh đặc biệt. Nếu có ung thư, đường này sẽ xuất hiện dưới dạng “điểm nóng”. Xét nghiệm này có thể giúp chỉ ra nơi GIST đã di căn đến
- Chụp MRI: MRI sử dụng sóng radio và từ tính mạnh thay vì tia X để tạo ra những hình ảnh rất chi tiết bên trong cơ thể. MRI có thể giúp nhìn thấy kích thước và hình dạng của khối u một cách dễ dàng.
Phòng ngừa u mô đệm đường tiêu hóa
Bạn có thể làm những việc sau đây trước, trong và sau khi điều trị để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn về cả thể chất và tinh thân. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn thực hiện:
- Không hút thuốc lá (Cũng nên tránh khói thuốc lá). Điều này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đau tim và đột quỵ trong tương lai. Tuy rất khó để bỏ thuốc lá, nhưng hãy cố gắng đừng bỏ cuộc. Hầu hết mọi người đều phải cố gắng từ 6 đến 7 lần trước khi họ bắt đầu thói quen tốt.
- Chăm vận động. Tập thể dục là điều bắt buộc phải làm đối với tất cả bệnh nhân mắc bệnh ung thư – ngay cả khi đang điều trị. Điều này giúp nâng cao tinh thần của bạn, chống lại sự mệt mỏi, giảm cân và đặc biệt là đã được chứng minh là giúp bạn sống lâu hơn. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày. Kết hợp các bài tập tốt cho tim mạch như đi bộ nhanh hoặc đạp xe đạp.
- Chế độ ăn uống lành mạnh. Tập trung ăn trái cây, rau quả, thịt gà, cá và các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu ô liu. Hạn chế ăn thịt đỏ, đường và thực phẩm chế biến sẵn.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ. Điều quan trọng là phải chăm sóc sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Các cố vấn và các nhóm hỗ trợ sẽ trao đổi với bạn về cảm giác của bản thân. Hoặc, bạn có thể muốn chia sẻ với bạn bè và gia đình hoặc đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn.
Điều trị u mô đệm đường tiêu hóa như thế nào?
Một số trường hợp GIST dạ dày không có triệu chứng có thể không cần điều trị ngay. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư. Với các trường hợp còn lại, tùy thuộc vào mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:
Có rất nhiều lựa chọn điều trị cho khối u mô đệm đường tiêu hóa. Một số phương pháp điều trị gần đây bao gồm:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật trong khối u mô đệm đường tiêu hóa bao gồm việc loại bỏ toàn bộ khối u và các mô xung quanh. Việc này sẽ đảm bảo được rằng không có tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể. Khi khối u mô đệm đường tiêu hóa chưa lan sang các phần khác của cơ thể, thì phẫu thuật là phương pháp điều trị chuẩn và nên được tiến hành nếu có thể.
- Trị liệu đích: Trị liệu đích là phương pháp điều trị có thể nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư một cách chính xác hơn.
- Ức chế tyrosine kinase (TKIs): Đây là một loại thuốc đặc biệt dùng để điều trị khối u mô đệm đường tiêu hóa bằng việc ngăn chặn các tín hiệu khiến các tế bào phát triển. Phương pháp này thường được áp dụng với các khối u không thể loại bỏ được bằng phẫu thuật hoặc với các khối u cần thu nhỏ lại trước khi tiến hành phẫu thuật.
Kết Luận
U mô đệm đường tiêu hóa là một loại khối u hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về hệ tiêu hóa, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra sớm. Chăm sóc sức khỏe định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và gia đình khỏi những bệnh lý nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.