Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U tinh hoàn là gì? Những điều cần biết về u tinh hoàn
U tinh hoàn là sự xuất hiện khối u bất thường ở tinh hoàn nam giới. Khối u này có thể đến từ các bệnh lý nam khoa thường gặp, nhưng cũng có thể là khối u từ tế bào ung thư. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Những điều cần biết về u tinh hoàn qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tinh hoàn là hai tuyến hình trứng nằm bên trong bìu (một túi da lỏng nằm ngay bên dưới dương vật). Tinh hoàn được giữ trong bìu bởi thừng tinh, nó cũng chứa các ống dẫn tinh, mạch máu và dây thần kinh của tinh hoàn.
U tinh hoàn là khối u bất thường xuất hiện bên trong tinh hoàn của nam giới. Các khối u có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Khối u nằm ở bên tinh hoàn nào thì bên tinh hoàn đó sẽ cảm thấy nặng và có thể trông to hơn bình thường. Nó cũng có thể là khối u lành tính hoặc ác tính.
- Khối u tinh hoàn lành tính: Khối u phát triển ở tinh hoàn nhưng không di căn sang các cơ quan khác.
- Khối u tinh hoàn ác tính: Khối u phát triển ở tinh hoàn và sẽ di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể của nam giới.
Triệu chứng u tinh hoàn
Trong giai đoạn đầu, các khối u tinh hoàn xuất hiện ra một các âm thầm và không gây ra các cảm giác bất thường với người bệnh. Theo thời gian, các khối u tinh hoàn thường gây sưng và làm thay đổi cấu trúc, hình thái của tinh hoàn. Đồng thời sẽ phát triển thành ung thư tinh hoàn.
U tinh hoàn di căn thành ung thư tinh hoàn có thể gây ra các triệu chứng bệnh lý với nam giới như sau:
- Người bệnh cảm nhận thấy khối u cứng tại tinh hoàn. Có cảm giác đau hoặc không đau tại vị trí của khối u.
- Người bệnh cảm thấy đau âm ỉ tại vùng bụng hoặc bẹn.
- Có cảm giác nặng tại vùng bìu.
- Có sự tụ dịch bất thường tại bìu.
- Thường xuyên xuất hiện các cảm giác đau, tức ngực.
Thông thường, nam giới có thể nhận biết được sự xuất hiện của các khối u tại tinh hoàn thông qua các bước cơ bản sau:
- Đứng trước gương để quan sát tinh hoàn có bị sưng bất thường hay không.
- Sử dụng tay để trực tiếp kiểm tra tinh hoàn có khối u bất thường không. Trong đó, ngón giữa đặt ở phía dưới và ngón cái ở phía trên của tinh hoàn.
Nguyên nhân gây u tinh hoàn
Những nguyên nhân hình thành khối u tinh hoàn ở nam giới bao gồm:
- Tinh hoàn ẩn: Là tình trạng trẻ sinh ra mà một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu hay nằm ở vị trí khác ngoài bìu. Trong thời kỳ mang thai, hai tinh hoàn của thai nhi nằm tại vị trí phía sau sát hai thận. Khi thai nhi khoảng 8 tuần tuổi, hai tinh hoàn di chuyển từ bụng qua bẹn, xuống bìu trước khi trẻ sinh ra. Có khoảng 10% bé trai xuất hiện tình trạng ẩn ở cả hai tinh hoàn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bị tinh hoàn ẩn có thể đối diện nguy cơ sức khỏe như: ung thư tinh hoàn, vô sinh, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn hay tổn thương tâm sinh lý vì không có hoặc chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Khoảng 30% nam giới thường gặp tình trạng các tĩnh mạch giãn và xoắn ở bìu. Chúng được gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bệnh xảy ra khi máu đọng lại trong tĩnh mạch thay vì lưu thông ra khỏi bìu. Máu tích tụ trong tĩnh mạch thừng tinh có thể làm nóng tinh hoàn, dẫn đến số lượng tinh trùng thấp hơn.
Ước tính 10% – 20% nam giới được chẩn đoán mắc chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh gặp khó khăn trong việc sinh con. Đa phần, nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây khối u tinh hoàn. - Tràn dịch màng tinh hoàn: Là triệu chứng sưng ở bìu tinh hoàn. Sự tích tụ chất lỏng trong bìu tinh hoàn gây ra chứng tràn dịch màng tinh hoàn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi nam giới trưởng thành. Dấu hiệu của tràn dịch tinh mạc (sự tích tụ của dịch quanh một hoặc cả hai tinh hoàn) là sưng không đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Triệu chứng sưng có thể làm cho bìu tinh hoàn ở nam giới cảm thấy nặng nề. Khi cơn đau trở nên tồi tệ, tình trạng tinh hoàn sưng đau bất thường, bạn nên thăm khám bác sĩ để có những biện pháp điều trị phù hợp.
- Xoắn tinh hoàn: Là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng xảy ra ở đường tiết niệu sinh dục nam, biểu hiện phổ biến là do chấn thương hoặc tai nạn. Khi đó, đường tiết niệu nối với tinh hoàn bị xoắn và cắt đứt nguồn cung cấp máu. Ngoài sưng tinh hoàn, người bị xoắn tinh hoàn cũng có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm: đau dữ dội, nôn mửa, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên, đỏ hoặc sẫm màu bìu.
Nếu không điều trị sớm, xoắn tinh hoàn có thể gây nhiễm trùng, vô sinh và tinh hoàn teo nhỏ kích thước. Xoắn tinh hoàn có thể ảnh hưởng ở nam giới trong mọi lứa tuổi, phổ biến nhất thanh thiếu niên từ 13 – 17 tuổi. Trên thực tế, bệnh chỉ xảy ra ở khoảng 1/4.000 nam giới dưới 25 tuổi. - U nang mào tinh hoàn: Mào tinh hoàn là một ống dài, nằm cuộn sau tinh hoàn. Mào tinh hoàn thu thập và vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh. Khi mào tinh hoàn chứa đầy dịch, không thoát ra ngoài được sẽ gây u nang mào tinh hoàn. Biểu hiện của u nang mào tinh hoàn là xuất hiện khối sưng u như quả bóng nước ở tinh hoàn, cảm giác đau một bên tinh hoàn hoặc nặng hơn bên còn lại.
- Viêm mào tinh hoàn: Tình trạng có thể khiến mào tinh hoàn sưng, đau, cảm giác như một khối u tinh hoàn. Những người bị viêm mào tinh hoàn có thể gặp các triệu chứng: khó đi tiểu, tiết dịch màu trắng hoặc vàng từ phần đầu dương vật, đau âm ỉ hoặc đau bất thường ở một hoặc cả hai tinh hoàn.
- Nam giới dễ viêm mào tinh hoàn trong các trường hợp: chưa cắt bao quy đầu, có bệnh lây qua đường tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu… Viêm mào tinh hoàn nếu không được điều trị sẽ gây nhiễm trùng hoặc gây áp xe tinh hoàn, tăng khả năng vô sinh.
- Ung thư tinh hoàn: Trong một số trường hợp, một khối u tinh hoàn có thể phát triển thành ung thư ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Các dấu hiệu ban đầu của tình trạng này bao gồm: sưng đau tinh hoàn hoặc bìu tinh hoàn, tinh hoàn tăng độ săn cứng bất thường, cảm giác đau nặng nề ở phần lưng và bụng, đau ở ngực.
Đối tượng nguy cơ u tinh hoàn
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới trong độ tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất là nam giới ở độ tuổi từ 15 – 45.
Có tới 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư, vì vậy có thể gọi là u tinh hoàn hoặc ung thư tinh hoàn. Trong đó Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Người có tinh hoàn ẩn: Khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra gọi là bệnh “tinh hoàn ẩn”. Ở những người bị tinh hoàn ẩn nếu không phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.
- Có người thân trong gia đình( cha, anh, em trai) bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người nhiễm HIV: gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn
- Tiền sử ung thư tinh hoàn: Khoảng 3% đến 4% người bệnh ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại.
- Chủng tộc: Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở đàn ông da trắng cao gấp 4 đến 5 lần so với đàn ông da đen và châu Á
Chẩn đoán u tinh hoàn
Để chẩn đoán chính xác nhất vị trí và tính chất khối u tinh hoàn có phải là ung thư tinh hoàn hay không, bác sĩ có thể tiến hành các thủ thuật hoặc các xét nghiệm như:
- Kiểm tra ngoại quan để xác định được kích thước, vị trí xuất hiện và tình trạng sưng đau tại tinh hoàn.
- Thực hiện siêu âm để xác định được các hình ảnh khối u ở bên trong tinh hoàn, tại bìu hoặc vùng bụng dưới.
- Sinh thiết mô tế bào để xác định bản chất của khối u bất thường tại tinh hoàn có phải tế bào ung thư hay không.
- Xét nghiệm máu để xác định các chất chỉ điểm ung thư, sự nhiễm trùng hay các vấn đề bất thường của sức khỏe.
- Xét nghiệm để sàng lọc bệnh lây nhiễm tình dịch với mẫu tinh dịch và mẫu máu của người bệnh.
- Chụp cắt lớp CT được sử dụng khi các xét nghiệm trước đó xác định kết quả khối u là ung thư tinh hoàn. Lúc này, người bệnh cần được kiểm tra mức độ di căn của tế bào ung thư tới các bộ phận lân cận như bẹn, bụng, bìu.
Phòng ngừa bệnh u tinh hoàn
Có nhiều biện pháp phòng ngừa u tinh hoàn khác nhau. Lời khuyên dành cho bạn là nên thường xuyên kiểm tra tinh hoàn để xác định dấu hiệu u tinh hoàn. Trong quá trình tự kiểm tra tinh hoàn, bạn sờ ấn thấy tinh hoàn của mình để cảm nhận xem có khối u hoặc những thay đổi bất thường nào hay không.
Để ngăn nguy cơ ung thư tinh hoàn, nam giới cần trang bị kiến thức, biện pháp phòng ngừa u tinh hoàn cho mình như:
- Nam giới ở mọi lứa tuổi, nếu nhận thấy bất kỳ u cứng hoặc thay đổi kích thước 1 hoặc 2 bên tinh hoàn. Các khối u tinh hoàn có thể không phải là ung thư, nên cần được bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.
- Với trẻ nhỏ, cần kiểm tra xem trẻ có bị dị tật bẩm sinh không, nhất là quan sát 2 tinh hoàn có nằm ở trong bìu hay trong vị trí khác.
- Người bệnh ung thư tinh hoàn đã được điều trị nên sắp xếp thời gian theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát của bệnh.
Điều trị như thế nào?
Đối với u tinh hoàn lành tính
Khối u lành tính là khối u không di căn sang bộ phận khác và không gây ung thư. Nếu khối u lành tính không có các dấu hiệu như sưng tấy, nhiễm trùng hay ảnh hưởng đến chức năng sinh sản thì không cần sự tác động.
Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm phẫu thuật nếu gặp các triệu chứng như sau:
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Bị sốt cao.
- Tinh hoàn hoặc bìu bị đau hoặc không đau nhưng có khối u.
- Bị sưng tấy ở 1 hoặc cả 2 tinh hoàn.
- Nhận thấy có khối cứng bất thường ở tinh hoàn.
- Khi đi tiểu, nước tiểu có máu hoặc mủ.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp bị khối u tinh hoàn do bắt nguồn từ nguyên do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh.
Đối với u tinh hoàn ác tính
Chúng có thể phát triển thành ung thư tinh hoàn. Phụ thuộc vào loại ung thư tinh hoàn, giai đoạn và tình hình căn bệnh, tuổi tác mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất, có thể bao gồm cả phẫu thuật và hóa trị.
Dù được chẩn đoán là khối u có thể di căn sang các bộ phận khác nhưng có đến 95% ca bệnh được điều trị khỏi. Nếu được can thiệp sớm, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ lên đến 98%. Điều trị u tinh hoàn ác tính theo quy trình sau
- Phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính trong tinh hoàn
- Hóa trị loại bỏ u tinh hoàn ác tính
- Xạ trị loại bỏ u ác tính ở tinh hoàn
Trên đây là những chia sẻ về u tinh hoàn. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
U tinh hoàn là một bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới. Tuy nhiên, với sự phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bạn hoàn toàn có thể đối mặt và vượt qua bệnh tật này. Việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị là bước đầu tiên quan trọng để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu. Nếu bạn nghi ngờ mình có triệu chứng của u tinh hoàn, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra kịp thời.
Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn khi đối mặt với vấn đề này. Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc!