Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U xương hàm là gì? Những điều cần biết về u xương hàm
U xương hàm có thể là lành tính hoặc ác tính, nhưng đều có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng vùng răng hàm mặt của bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về những điều cần biết về u xương hàm.
Tổng quan chung
Xương hàm, còn được gọi là hàm trên hay hàm dưới, là một trong những bộ phận quan trọng của hệ xương hóa trong cơ thể. Chúng ta có hai xương hàm, một xương hàm nằm ở trên và một xương hàm nằm ở dưới, hỗ trợ cho việc chuyển động của miệng và chức năng nhai thức ăn.
Cả hai xương hàm đều gắn liền với các xương khác trong hộp sọ, tạo nên một hệ thống xương mạnh mẽ giúp duy trì cấu trúc và hình dạng của khuôn mặt và hàm răng.
Có 2 loại khối u xương hàm:
- U xương hàm lành tính: Có 3 loại thường gặp
- U men thể nang
- U men răng
- Nang thân răng.
Các u này đều có chung những đặc điểm sau:
-
- Chậm phát triển, khu trú có giới hạn, dễ dàng phát hiện qua quan sát và sờ, nắn.
- Phần da niêm mạc phủ lên khối u không gây đau
- Ít hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân
- Ít hoặc không tái phát nếu điều trị kịp thời.
- Khối u xương hàm ác tính: Có thể xuất hiện ở cả hàm trên và hàm dưới và có thể liên quan đến tất cả các phần của xương hàm trong khoang miệng. U xương hàm ác tính được phân loại thành:
- Nguyên phát: U khởi phát từ trong xương hàm
- Thứ phát: U có nguồn gốc từ tế bào của một khối u nào đó khác trong cơ thể, di căn đến xương hàm (phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy tại các mô mềm trong khoang miệng). Một số u xương hàm ác tính nguyên phát phổ biến có thể kể đến là: Sarcoma xương, đa u tủy xương, u tế bào khổng lồ, u Ewing.
Triệu chứng
Đa số các khối u xương hàm là các khối u lành tính và đều không có biểu hiện trên lâm sàng. Tuy nhiên, khi thăm khám ở mỗi giai đoạn có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Giai đoạn tiềm ẩn khối u xương hàm
- Không có triệu chứng;
- Phát hiện tình cờ;
- Đau nhức do nhiễm trùng.
- Giai đoạn u xương hàm gây biến dạng xương
- Phồng bề mặt xương;
- Có cảm giác nặng vùng xương hàm;
- Dị cảm hoặc mất cảm giác do thần kinh bị chèn ép.
- Giai đoạn u hàm mặt phá vỡ bề mặt xương
- Nằm dưới lớp niêm mạc;
- Sờ thấy khối u nhưng không đau;
- Bờ xương xung quanh mỏng, bén nhọn.
- Giai đoạn u xương hàm tạo đường dò và gây biến chứng: Niêm mạc phủ trên khối u mỏng dần và thủng, gây lỗ dò ở trong hoặc ngoài miệng.
Nguyên nhân
U men xương hàm có nguồn gốc từ các liên bào tạo men bị kẹt ở trong xương hàm. Đến nay, nguyên nhân chính gây nên bệnh lý này vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhiều yếu tố có thể kết hợp với nhau để gây nên bệnh lý này. các nhà khoa học cho rằng bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc tác nhân tại chỗ có nguồn gốc do răng…
Đối tượng nguy cơ
U xương hàm thường xuất hiện sau tuổi 30. Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ u xương hàm có thể là:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng chất kích thích thường xuyên gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của xương hàm.
- Do virus HPV – đây là virus có thể lây qua đường nước bọt và đường tình dục. Virus này trong cơ thể gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành khối u men xương hàm và có diễn biến nhanh chóng thành khối u ác tính.
- Những người từng mắc bệnh bạch sản, hồng sản hay nhiễm trùng xương hàm kéo dài có nguy cơ cao mắc u men xương hàm
- Bệnh có thể do hội chứng di truyền gây nên như hội chứng Gorlin – Goltz, thiếu gen ức chế khối u,…
Chẩn đoán
Trong quá trình thăm khám lâm sàng cho người bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe ở vùng đầu cổ trong đó có cả việc chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm có giá trị chẩn đoán phân biệt khác.
Những xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán bệnh ung thư xương hàm gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner): cung cấp hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể để bác sĩ có căn cứ xác định tình trạng di căn ung thư.
- Chụp MRI: cung cấp hình ảnh chi tiết về kích thước khối u và các vấn đề có liên quan đến khối u.
- Chụp X-quang: cung cấp hình ảnh hai chiều ở toàn bộ khoang miệng.
- Sinh thiết rạch mô: rạch một phần nhỏ ở phần mô nghi ngờ để phân tích trong phòng thí nghiệm.
- Sinh thiết khoan: dùng công cụ chuyên dụng loại bỏ một phần da nhỏ ở khu vực được nghi ngờ để kiểm tra trong phòng thí nghiệm nhằm tìm kiếm khối u ở xương hàm.
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù nguyên nhân gây ra khối u xương hàm vẫn chưa được biết rõ. Nhưng một số phương pháp phòng ngừa sức khỏe răng miệng chủ động có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển khối u xương hàm. Dưới đây là một số thói quen sinh hoạt bạn nên áp dụng:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Bao gồm đánh răng, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảnh vụn thức ăn và khám răng định kỳ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt: Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe răng miệng tổng thể. Việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D. Giúp răng và xương chắc khỏe, giảm nguy cơ u nang và khối u ở xương hàm.
- Tránh các chất độc từ môi trường: Giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và một số hóa chất có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư xương hàm.
- Di truyền: Nếu gia đình bạn có tiền sử khối u hàm, u nang hoặc hội chứng di truyền liên quan đến u xương hàm. Tư vấn di truyền có thể cung cấp cho bạn thông tin có giá trị về nguy cơ của bạn và các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
- Tránh thuốc lá và rượu: Tránh thuốc lá và hạn chế uống rượu có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng tổng thể.
Điều trị như thế nào?
Thỉnh thoảng, khối u lành tính hoặc u nang xương hàm có thể không cần điều trị. Bác sĩ chỉ cần theo dõi diễn biến bệnh một thời gian. Tuy nhiên, ngay cả một khối u lành tính nếu phát triển quá mức cũng có thể làm suy yếu xương và mô xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các phẫu thuật cắt bỏ u xương hàm tùy thuộc vào loại khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Đối với u xương hàm ác tính, xạ trị và hóa trị cũng có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật. Phương pháp xạ trị và hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước của khối u hoặc đôi khi sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
Các khối u có cơ hội điều trị thành công cao nhất nếu bệnh được chẩn đoán sớm. Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời, phát hiện sớm khối u, tránh tình trạng để u nang hàm phát triển gây ra những triệu chứng nặng và gây biến chứng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.