Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư âm hộ là gì? Những điều cần biết về ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa. Vị trí ung thư âm hộ thường gặp nhất là ở môi lớn. Các vị trí khác như môi nhỏ, âm vật hay các tuyến âm đạo ít gặp hơn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở người lớn tuổi.Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về những điều cần biết về ung thư âm hộ.
Tổng quan chung
Ung thư âm hộ là bệnh ung thư xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới nhưng thường ảnh hưởng đến vị trí mô lớn (môi ngoài), môi bé (môi trong) và đáy chậu (vùng da giữa âm đạo và hậu môn) bằng cách hình thành cục u hoặc vết loét trên âm hộ thường gây ngứa.
Ung thư âm hộ là một căn bệnh hiếm gặp, chiếm khoảng 0.6% tổng số ca ung thư ở phụ nữ. Ung thư âm hộ tương tự như ung thư cổ tử cung, thời gian ủ bệnh thường rất lâu, có thể sau 10-15 năm mới phát bệnh, thời điểm phát bệnh thường là giai đoạn cuối, khả năng cứu chữa rất thấp.
Ung thư âm hộ được phân thành các loại như sau:
- Ung thư biểu mô vảy: Ung thư biểu mô vảy có nguồn gốc từ tế bào biểu mô vảy, là dạng ung thư âm hộ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87-90% các trường hợp. Trong đó, 65% khối u xuất hiện ở môi lớn và môi bé, 25% xuất hiện ở âm vật hoặc tầng sinh môn.
- Ung thư tuyến Bartholin: Ung thư tuyến Bartholin là khối u ác tính xuất hiện tại tuyến Bartholin, ít gặp, chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư âm hộ.Đây là dạng u nang âm hộ phổ biến nhất, thường gặp ở phụ nữ trẻ, nguy cơ giảm dần theo quá trình lão hóa. Do đó, phụ nữ trên 40 tuổi nếu xuất hiện khối u ở tuyến Bartholin sẽ có nhiều khả năng là ung thư. Bệnh có xu hướng di căn trực tiếp vào hệ thống hạch chậu, hạch bẹn.
- Ung thư tế bào đáy: Ung thư tế bào đáy xuất hiện từ tế bào đáy, ít gặp, chỉ chiếm khoảng 1-2% các trường hợp ung thư âm hộ. Dạng này có đặc điểm phát triển chậm và không bao giờ di căn hạch. Ung thư tế bào đáy có thể gặp dưới dạng tổn thương vết loét nhỏ, u sắc tố, nốt ruồi hay chỉ đơn giản là vùng tấy đỏ do gãi ngứa.
- Ung thư hắc tố da: Ung thư hắc tố, hay còn gọi là melanom âm hộ, xuất phát từ tế bào hắc tố, là loại ung thư âm hộ phổ biến thứ hai, chiếm tỷ lệ khoảng 5% các trường hợp. Ung thư hắc tố nhìn giống như nhiều nốt ruồi dính nhau, có xu hướng di căn sớm theo hạch bạch huyết từ giai đoạn đầu. Do đó, nếu xuất hiện u sắc tố thì cần sinh thiết và điều trị sớm.
- Bệnh Paget: Bệnh Paget là dạng ung thư âm hộ ít gặp, chỉ chiếm dưới 1% các trường hợp. Bệnh thường tiến triển chậm với tổn thương xuất hiện ở hai vùng khác nhau là vú và âm hộ.Bệnh Paget thường gặp ở phụ nữ trên 70 tuổi, nhưng người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh với biểu hiện lâm sàng thường là ngứa, đau, khó chịu ở âm hộ, triệu chứng này có thể kéo dài cả năm trước khi có biểu hiện lâm sàng. Bệnh Paget âm hộ có tỷ lệ tái phát tại chỗ cao, ngay tại vị trí cắt bỏ hoặc gần vị trí khối u ban đầu.
- Adenocarcinoma dạng mụn cơm: là ung thư biểu mô tuyến ở âm hộ có biểu hiện sùi như súp lơ hoặc có nhú giống như sùi mào gà. Bệnh cần phân biệt với sùi mào gà và u nhú.
- Sarcoma âm hộ: Sarcoma âm hộ chiếm 1-2% các trường hợp ung thư âm hộ, thường là leiomyosarcoma (ung thư hình thành tại các tế bào cơ trơn).
Triệu chứng
Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp, triệu chứng ban đầu của bệnh cũng không có gì đặc biệt nên rất khó để chẩn đoán. Thường bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh tiến triển mạnh. Vì vậy bạn nên đi khám nếu có những dấu hiệu sau đây:
- Ngứa âm hộ một thời gian dài: có thể liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, đặc biệt là khi da âm hộ có biểu hiện bất thường như thay đổi màu sắc, có mụn cóc hay loét không lành thì đó cũng là dấu hiệu của của bệnh ung thư âm đạo.
- Chảy máu âm đạo bất thường: không trong chu kì kinh nguyệt: khi chị em thấy chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc ở những phụ nữ đã mãn kinh thì đó có thể là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh ung thư âm đạo. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu này cũng có thể là triệu chứng của các bệnh phụ khoa khác.
- Xuất hiện khối u: có thể sùi thành khối lớn là dấu hiệu dễ dàng nhất có thể biết được bạn đã mắc bệnh về đường sinh dục, đặc biệt là ung thư âm hộ.
- Tiết dịch âm đạo: dịch âm đạo là hiện tượng nhiều chị em gặp phải, nhưng dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu, có máu lại có thể là triệu chứng của ung thư âm đạo. Ngay khi thấy dấu hiệu này chị em cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Tiểu khó và đau rát: nếu bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường, đau rát khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu, bạn cũng cần lưu ý bởi đây cũng có thể là biểu hiện của ung thư âm đạo. Mặc dù bằng mắt thường có thể rất khó phát hiện nước tiểu có lẫn máu, nhưng chị em có thể để ý nếu thấy nước tiểu màu hồng nâu hoặc có vệt máu ở đáy quần lót.
- Đau tức vùng chậu: Đau vùng chậu hoặc ở vùng bụng dưới rốn theo từng đợt hoặc đau liên tục kéo dài thì bạn cũng nên thăm khám đế phát hiện bệnh sớm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa rõ nhưng các chuyên gia đã đưa ra một số phỏng đoán như:
Khối u biểu mô bên trong
Những khối u biểu mô bên trong – VIN (viết tắt của cụm từ tiếng Anh vulval intra neoplasia), những khối u biểu mô này biến chuyển thành yếu tố tiền ung thư trong da âm hộ. Khối u này ban đầu có thể chưa phải là ung thư nhưng nó có thể tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu như ai đó bị các khối u này thì cũng đừng quá lo lắng, vì đa số các trường hợp chỉ là lành tính. Các triệu chứng thường gặp nhất là ngứa.
Vùng bị khối u biểu mô có thể sưng lên với vùng da dày và đỏ, với những vết đốm có màu trắng nhợt hơn hoặc sẫm hơn.
Virus
Virus gây u nhú HPV được nghĩ như một nguyên nhân gây bệnh, khoảng từ 3 đến 5/10 trường hợp ung thư âm hộ mà nguyên nhận là do HPV.
Virus này lây truyền qua các hoạt động tình dục. Có nhiều loại virus HPV và một vài loài có nguy cơ gây ung thư cao.
Nghiện thuốc
Nghiên cứu cho thấy nghiện thuốc có thể tăng nguy cơ phát triển cả ung thư biểu mô và ung thư âm hộ.
Bệnh da và viêm mãn tính
Một số bệnh da có nguy cơ phát triển thành ung thư như bệnh xơ hóa cứng da có những mảng tổn thương cúng tròn, bệnh Lichen hoặc bệnh xơ hóa xương mãn tính tuổi già – bệnh Paget’s.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi (35-55 tuổi) liên quan dến nhiễm virus HPV và nhóm người lớn tuổi (55-85 tuổi) mãn kinh lâu năm, liên quan đến những rối loạn biểu mô do viêm nhiễm mãn tính, xơ teo âm hộ.
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư âm hộ có thể kể đến như yếu tố nội tiết (phụ nữ chậm thấy kinh, sớm mãn kinh), thuốc lá và chế độ ăn, suy giảm miễn dịch, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, người nhiễm virus HPV ở các khối u vùng âm hộ và cổ tử cung (phổ biến là tuýp 16,18,33), virus VHS tuýp 2…
Chẩn đoán
Ung thư âm hộ có biểu hiện giống như tổn thương loét sinh dục lây truyền qua đường tình dục (như bệnh hạ cam), ung thư biểu mô tế bào đáy, bệnh Paget âm hộ (bệnh có thương tổn dạng túi chàm), nang tuyến Bartholin, sùi mào gà Condyloma acuminatum… Các bác sĩ nên nghĩ tới căn bệnh ung thư âm hộ nếu thương tổn âm hộ của người phụ nữ phát triển trên nền người bệnh có nguy cơ thấp mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc người phụ nữ này không đáp ứng với điều trị STI.
Cận lâm sàng chẩn đoán ung thư âm hộ thường được chỉ định là sinh thiết bấm đốm da bằng thuốc gây tê tại chỗ và khảo sát dưới kính hiển vi xem có tế bào ung thư hay không. Các tổn thương không rõ ràng do ung thư âm hộ gây ra có thể được xác định bằng cách nhuộm màu bằng toluidine xanh hoặc bằng cách soi cổ tử cung.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư như:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: có thể kiểm soát được tình hình sức khỏe bản thân và phát hiện kịp thời, điều trị của bác sĩ trong giai đoạn tiền ung thư âm hộ. Do đó, có thể hạn chế sự phát triển thành ung thư và giảm thiểu mức độ tác động của các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm do ung thư âm hộ gây ra. Hãy kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần, bởi trong vòng 6 tháng, cơ thể người sẽ có những thay đổi đáng kể.
- Tiêm ngừa vaccine Gardasil để phòng ngừa virus HPV: là một biện pháp hiệu quả nhất hiện nay, nhằm phòng ngừa khả năng lây nhiễm của các type HPV nguy cơ cao. Tiêm ngừa vaccine chống HPV giúp cơ thể tạo ra những kháng thể có thể ngăn chặn sự gây hại và xâm nhập của các chủng HPV.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn: Virus HPV chính là nguyên do hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư âm hộ và con đường tình dục chính là con đường lây nhiễm phổ biến nhất. Vì vậy, hãy phòng tránh sự lây truyền virus trong quá trình quan hệ bằng cách thực hiện và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh:
- Không quan hệ với nhiều người.
- Không quan hệ với các đối tượng mà bản thân mình không biết rõ tình trạng sức khỏe.
- Xây dựng mối quan hệ hôn nhân chung thủy 1 vợ và 1 chồng.
- Sử dụng các biện pháp an toàn, ví dụ như màng chắn miệng, bao cao su, không tiếp xúc với cơ quan chứa dịch tiết và cơ quan sinh dục của đối phương trong trường hợp quan hệ phát sinh ngoài ý muốn.
- Từ bỏ những thói quen xấu: Những thói quen xấu như sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích (bia, rượu), hút thuốc lá,… phải được loại bỏ. Vì các thói quen này gây tác động xấu đến hệ miễn dịch và khả năng hoạt động của những kháng thể, khiến cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập và tấn công của các yếu tố gây ung thư. Chính vì vậy, hãy xây dựng thói quen ăn uống và nghỉ ngơi lành mạnh, giúp hệ thống miễn dịch phát triển tốt hơn.
Điều trị như thế nào?
Ung thư âm hộ có nhiều lựa chọn điều trị phụ thuộc vào loại và giai đoạn bệnh cùng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu, có thể là loại bỏ cục bộ hoặc triệt để, đôi khi kết hợp với xạ trị và hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Ngoài ra, có thể phải loại bỏ các hạch bạch huyết ở vùng háng để ngăn ngừa sự lan rộng của bệnh.
Xạ trị sử dụng tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư, thường kết hợp với hóa trị để tăng hiệu quả. Hóa trị, bằng thuốc tiêm hay đường uống, cũng có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với xạ trị. Sau khi điều trị, bác sĩ đề nghị kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ tái phát nào.
Điều trị ung thư âm hộ đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và chuyên môn cao từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp để tối ưu hóa kết quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.