Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư não là gì? Những điều cần biết về ung thư não
Theo thống kê của Hiệp Hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) (2015-2019):
- Tỷ lệ sống còn 5 năm đối với bệnh nhân ung thư não là gần 36%, tỷ lệ sống còn 10 năm trên 30%.
- Tỷ lệ sống còn 5 năm đối với nhóm bệnh nhân dưới 15 tuổi là khoảng 75%. Đối với nhóm bệnh nhân trong độ tuổi 15-39, tỷ lệ sống còn 5 năm là gần 72%. còn đối với nhóm bệnh nhân trên 40 tuổi chỉ còn khoảng 21%.
Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tinh thần, khả năng đáp ứng phương pháp điều trị… Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm các thông tin về bệnh này.
Tổng quan chung
U não là tình trạng các tế bào bất thường tăng trưởng trong não. U não gồm hai loại là u não lành tính (không phải ung thư) và u não ác tính (ung thư). Cả hai loại u não trên đều gây ảnh hưởng đến tế bào não, khiến não bị tổn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Khối u não ác tính bắt nguồn từ não được gọi là ung thư não nguyên phát. Còn khối u não do bệnh ung thư từ cơ quan khác của cơ thể phát triển lan rộng tới não được gọi là ung thư não thứ phát, hay còn gọi là di căn não.
Có khoảng 120 loại u não khác nhau, hầu hết là các khối u trong mô não, ngoài ra là u ở màng não, tuyến yên, dây thần kinh sọ não… Bất cứ dạng u não nào cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Các khối u ở mô não hoặc u não lành tính thường tiến triển chậm, các triệu chứng của u não trong trường hợp này cũng sẽ xuất hiện chậm và diễn biến âm ỉ hơn. Ngược lại, nếu u não phát triển nhanh, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng rõ rệt hơn cả về tần suất và mức độ.
Triệu chứng
Tùy theo tuổi mắc bệnh, vị trí và tính chất mô bệnh học của u mà bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng này thường biểu hiện khác nhau đối với mỗi người bệnh, tùy thuộc vào vị trí khối u, loại u, kích thước và tốc độ phát triển của nó.
- Đau đầu trầm trọng là triệu chứng phổ biến, có thể bắt gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não. Thường đau nhiều vào sáng sớm hay nửa đêm về sáng, đau dai dẳng, lặp lại hàng ngày, càng ngày càng đau nhiều hơn về cả cường độ và thời gian. Ở trẻ nhỏ chưa biết phàn nàn đau có thể biểu hiện bằng bỏ ăn, quấy khóc, ngủ ít, vật vã.
- Nôn và buồn nôn Bệnh nhân có khối u não thường có biểu hiện nôn, buồn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu, thường nôn vào buổi sáng, sau mỗi lần nôn bệnh nhân thường mệt hơn, nhưng đỡ đau đầu. Nếu để bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến suy kiệt, mất nước, rối loạn điện giải. Thời gian đầu, dấu hiệu chưa rõ ràng thì một số ít bệnh nhân được chẩn đoán là triệu chứng nôn đơn thuần có thể nghi ngờ do vấn đề bệnh lý tiêu hóa, đến khi thực hiện các xét nghiệm, chỉ định cho kết quả rõ ràng hơn mới phát hiện ra là u não.
- Giảm thị lực
- Phù gai thị: Đây là dấu hiệu nặng thường gặp trong tăng áp lực nội sọ. Khi nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ nên soi đáy mắt để xác định vị qua giai đoạn phù gai thị sẽ chuyển sang teo gai thị có thể dẫn đến mù.
- Bán manh: Gặp trong trường hợp u chèn vào một phần của cửa dày thị giác hay giải thị giác.
- Liệt vận nhãn: Gây nhìn đôi, với bệnh nhân liệt dây thần kinh VI thì thường có biểu hiện lác trong, liệt dây thần kinh III biểu hiện lác ngoài. Hội chứng parinaud (bệnh nhân không hội tụ được mắt) thường gặp khi u chèn vào cuống não hoặc u vùng tuyến tùng.
- Rung giật nhãn cầu: Thường gặp ở bệnh nhân u hố sau.
- Kích thước vòng đầu tăng bất thường ở các trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi thì nhiều khi không có các triệu chứng đau đầu, nôn, phù gai mà biểu hiện bằng kích thước vòng đầu tăng lên bất thường (nhanh hơn so với số đo chuẩn), các khớp sọ giãn rộng, thóp phồng, da đầu căng, giãn các tĩnh mạch dưới da đầu, có thể thấy mắt của bệnh nhân ở vị trí nhìn xuống. Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có biểu hiện tăng động và rối loạn hành vi nên cha mẹ cần hết sức lưu ý đến biểu hiện của trẻ. Ngoài ra trẻ có biểu hiện hội chứng thần kinh da gồm xơ hóa củ, đa u xơ thần kinh (NF1) thường tăng nguy cơ có khối u ở não.
- Mất kiểm soát hành vi: Biểu hiện này khiến cho người bệnh đi lại loạng choạng, hay bị ngã, rối loạn thăng bằng, rối tầm, liệt các dây thần kinh sọ não.
- Căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm: Biểu hiện cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng, dễ kích động, kém tập trung, ngủ nhiều hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ cũng là một trong những biểu hiện cần chú ý.
- Yếu liệt và tê bì: Cảm giác yếu liệt, tê bì, cảm giác kiến bò ở bàn tay, bàn chân. Tê, yếu thường có xu hướng một bên thân người. Nhất là bệnh nhân có hội chứng của trên lều tiểu não: thường sẽ giảm hoặc mất cảm giác nửa người, yếu hoặc liệt vận động nửa người, rối loạn nói (có thể hiểu lời nói nhưng bệnh nhân không nói được hoặc nói được nhưng không hiểu lời nói), rối loạn nhìn, rối loạn ý thức, giảm sự tập chung, rối loạn giấc ngủ.
- Động kinh: Các khối u có thể đè đẩy vào các tế bào thần kinh não, tác động và làm biến đổi các tín hiệu điện từ trong não sẽ gây ra các cơn động kinh. Cơn động kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một khối u não, nó cũng có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Khoảng 50% người bệnh bị u não trải qua ít nhất một lần cơn động kinh. Tuy nhiên động kinh không phải lúc nào cũng vì sự xuất hiện của một khối u não. Các nguyên nhân gây co giật khác bao gồm: dị dạng mạch máu não, sau đột quỵ não, sau chấn thương não, viêm nhiễm ký sinh trùng trong não…
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ung thư não hiện tại vẫn chưa được xác định. Các yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ gây u não ác tính bao gồm:
- Tuổi: Ung thư não có thể xuất hiện ở tất cả các nhóm tuổi nhưng phổ biến nhất ở nhóm trẻ em 3-12 tuổi và nhóm người lớn 40-70 tuổi.
- Bức xạ: Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh có mối liên hệ giữa bức xạ và nguyên nhân gây ra u não. Tuy nhiên việc tiếp xúc nhiều, thường xuyên với các bức xạ cao có khả năng làm tăng nguy cơ gây ra các ung thư khác trong tương lai, dẫn đến ung thư não thứ phát.
- Các nguyên nhân khác:
- Bệnh nhân mắc ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… có khả năng bị ung thư não thứ phát (di căn não).
- Ngoài ra bệnh nhân có khả năng mắc ung thư não cao khi hệ miễn dịch suy giảm, như: AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) hoặc đã cấy ghép tạng; hoặc có liên quan đến yếu tố gia đình hoặc bản thân có hệ gen bất thường, như: hội chứng Li–Fraumeni, hội chứng Turcot type 1 hoặc 2, hội chứng Neurofibromatosis…
Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh bao gồm:
- Trẻ em từ 3 – 12 tuổi và người lớn 40 – 70 tuổi.
- Tiếp xúc chất phóng xạ.
- Bệnh nhân ung thư phổi, ung thư vú,… có nguy cơ di căn lên não.
- Người mắc các hội chứng Turcot, hội chứng Neurofibromatosis
Chẩn đoán
- Xét nghiệm dịch não tủy: Xét nghiệm này được thực hiện với mục đích kiểm tra tình trạng dịch não tủy, đo áp lực dịch, từ đó chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Phương pháp này giúp xác định vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn xung quanh, tình trạng phù não, tăng áp lực nội sọ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là kỹ thuật chẩn đoán có độ nhạy cao để phát hiện những thay đổi giải phẫu trong não bộ. MRI cho hình ảnh cấu trúc não chi tiết hơn so với chụp CT. Chụp MRI giúp đánh giá chính xác vị trí và sự tương quan của khối u với các tổ thức lân cận.
- Chụp động mạch não: Hình ảnh chụp động mạch não ghi nhận có sự tăng sinh và xô đẩy mạch máu trong não gián tiếp cho thấy sự xuất hiện của khối u não.
- Điện não đồ: Phương pháp này giúp ghi nhận được các sóng bất thường.
- Chụp PET/CT: Phương pháp này nhằm đánh giá khối u não và các khối u toàn thân khác đồng thời.
- Sinh thiết não: Một mẫu mô não nghi ngờ chứa khối u sẽ được sinh thiết để đánh giá bản chất khối u. Mẫu mô này sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm của Trung tâm giải phẫu bệnh. Quá trình này nhằm xác định tính chất khối u là u ác tính hay lành tính.
Phòng ngừa bệnh
- Khuyến cáo nên đi khám kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ khi có các triệu chứng nghi ngờ như: đau đầu, nôn, buồn nôn kéo dài hoặc đột ngột yếu liệt, nói khó, rối loạn thị giác, thính giác…
- Các bệnh nhân mắc các loại ung thư khác (ung thư vú, phổi, đại trực tràng…) nên được sàng lọc ung thư não di căn khi có các triệu chứng nghi ngờ.
- Tránh tiếp xúc với bức xạ: Hạn chế tiếp xúc với bức xạ ion hóa nếu không cần thiết.
- Sống lành mạnh: Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và tránh sử dụng chất kích thích.
Điều trị như thế nào
Điều trị ung thư não phụ thuộc vào loại, vị trí và giai đoạn của khối u, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật (với kính vi phẫu, phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật với chất huỳnh quang đánh dấu u)
- Điều trị hóa trị
- Điều trị xạ trị thông thường
- Điều trị bằng dao Gamma
Ung thư não là một căn bệnh nguy hiểm và phức tạp, nhưng với sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đã được phát triển. Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Duy trì một lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.