Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư nướu răng là gì? Những điều cần biết về ung thư nướu răng
Nướu răng là một phần của niêm mạc miệng, bao phủ xung quanh xương ổ răng và răng, ôm sát cổ răng và có kích thước dài từ cổ đến giao tiếp với niêm mạc di động. Ung thư nướu răng là một trong những loại ung thư phổ biến ở khu vực miệng. Khi các tế bào ung thư phát triển và hình thành thành khối u ác tính trên bề mặt nướu răng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về ung thư nướu răng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Ung thư nướu răng là tình trạng các tế bào niêm mạc miệng phát triển không bình thường, không dưới sự kiểm soát của cơ thể. Các tế bào ung thư này sẽ tấn công các mô xung quanh. Và nếu không được điều trị kịp thời, chúng sẽ di căn đến những cơ quan lân cận. Hoặc phát triển đến cơ quan ở xa theo đường bạch huyết. Từ đó, căn bệnh sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng ban đầu của ung thư nướu răng là các vết loét hoặc sưng tấy gây đau. Triệu chứng này khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm nướu thông thường. Tuy nhiên, điểm khác biệt của triệu chứng ung thư là thời gian bị viêm thường kéo dài. Lâu dần, nó làm niêm mạc xung quanh thay đổi màu sắc và các tổn thương không lành.
Triệu chứng
Ung thư nướu răng xảy ra khi những tế bào vùng nướu răng tăng sinh bất thường. Nếu không được điều trị sớm, những tế bào này còn có thể xâm lấn, di căn đến các cơ quan khác, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là một số triệu chứng ung thư nướu răng thường gặp:
- Nướu răng có vết loét và lâu lành: Phần nướu răng của người bệnh xuất hiện vết loét, có thể đau hoặc không gây đau. Vết loét làm thay đổi màu sắc của niêm mạc xung quanh và tình trạng viêm loét có thể kéo dài trên 2 tuần.
- Xuất hiện khối u ở nướu: Nếu thấy nướu xuất hiện khối u, màu sắc đậm hơn những vùng nướu xung quanh, gây đau và dễ chảy máu,… thì bạn nên cẩn trọng vì đây rất có thể là triệu chứng của bệnh ung thư nướu răng.
- Răng lung lay: Phần nướu răng rất quan trọng, góp phần giúp bạn có một hàm răng chắc khỏe. Khi nướu răng bị tổn thương, chân răng có thể bị lỏng lẻo hơn và răng dễ bị lung lay. Tuy nhiên, răng lung lay cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác, có thể kể đến như viêm nha chu, viêm nhiễm chân răng,… Do đó, để biết được chính xác nguyên nhân, bạn cần đi khám nha khoa.
- Lưỡi bị lở loét: Những bệnh nhân bị ung thư nướu có thể gặp phải một số vấn đề với lưỡi, nhất là tình trạng lở loét ở lưỡi. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau và khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Khi vùng nướu bị viêm loét do các tế bào ung thư, bệnh nhân cũng dễ bị chảy máu, đau và gặp khó khăn khi ăn uống và nói chuyện.
- Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng thay đổi vị giác, chảy máu nhiều trong khoang miệng, sưng hạch bạch huyết, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân
Cũng như các dạng ung thư khác thì ung thư nướu chưa thực sự rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh. Nhưng với một số người có yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Kích thích mạn tính vào lợi: Những người có thói quen thường hay nghiến răng, cắn chặt vào nướu điều này sẽ làm tổn thương lợi mãn tính và nguy cơ dễ bị dẫn đến ung thư; những người dùng răng giả không đúng cách hay kích thích vào lợi.
- Không chăm sóc răng miệng đúng cách: Việc lười vệ sinh răng miệng, đánh răng không đúng cách không loại bỏ được vi khuẩn trong khoang miệng khiến chúng tấn công niêm mạc miệng và gây tình trạng viêm nhiễm, gây các bệnh về răng, nướu và cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
- Hút thuốc lá hay tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên: Những người có thói quen hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nướu cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu: rượu cũng là một yếu tố gây nguy hại cho cơ thể, không chỉ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan mà nó cũng là yếu tố khiến cho bạn dễ mắc bệnh ung thư khoang miệng hơn.
- Bệnh ung thư nướu răng còn có thể gặp nhiều hơn ở những người phải thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời; Không được cung cấp đủ nước cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những yếu tố nguy cơ này làm tăng nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên cũng có những người không có những nguy cơ này. Cho nên nếu thấy những bất thường ở khoang miệng lâu lành hay đau đớn nên tới khám tại các cơ sở y tế.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng dễ có nguy cơ bị bệnh ung thư nướu răng như:
- Người không chăm sóc răng miệng đúng cách
- Những người Hút thuốc lá và uống rượu bia thường xuyên
- Những người phải thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời
- Những người không bổ sung rau và trái cây đầy đủ nước uống
Chẩn đoán
Nha sĩ thường là những người đầu tiên nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên nướu thông qua việc thăm khám răng định kỳ.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng một số xét nghiệm phổ biến như:
- Kiểm tra nướu răng, môi và miệng để tìm những dấu hiệu bất thường
- Sinh thiết mô u nướu răng
- Chẩn đoán hình ảnh ung thư nướu răng bằng cách chụp X-quang, chụp CT hoặc một phương pháp chụp X-quang đặc biệt là Panorex để thấy toàn bộ hàm trên và hàm dưới
- Nội soi tai mũi họng
- Siêu âm vùng cổ (đánh giá hạch)
- Xạ hình xương (kiểm tra hệ xương).
Phòng ngừa bệnh
Dựa vào những nguyên nhân gây nên bệnh thì sau đây chúng ta sẽ giúp được những vấn đề cần phòng tránh như sau:
- Nên thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng và súc nước muối ngày hai đến ba lần . Việc này sẽ hạn chế tối đa các vi khuẩn có hại sinh sôi và phát sinh trong khoang miệng gây nên nhiều bệnh lý về răng miệng trong đó có ung thư nướu răng
- Nên ngừng hút thuốc lá và không nên sử dụng rượu bia: vì đây là những chất kích thích có hại cho khoang miệng và là nguyên nhân hàng đầu gây nên các loại ung thư trong đó có ung thư nướu răng
- Bên cạnh đó cũng nên chú ý bổ sung đầy đủ các thực phẩm và các chất chống oxy hóa ngăn ngừa ung thư như bổ sung nhiều dưỡng chất hoa quả tươi, rau xanh
- Nên sắp xếp tiêm ngừa virus phòng chống HPV để có thể phòng ngừa ung thư nướu răng và phòng ngừa được nhiều bệnh khác
- Nếu như thường xuyên có dấu hiệu bị sưng nướu, lợi, lưỡi,… nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đi khám bác sĩ để có thể chẩn đoán và phát hiện kịp thời để có được một hướng điều trị tốt nhất về bệnh ung thư nướu răng nếu có
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên tạo cho mình một thói quen sử dụng kem chống nắng để bảo vệ bản thân khỏi các tia cực tím. Đội mũ rộng vành để có thể che chắn được khuôn mặt.
Điều trị như thế nào?
Khi phát hiện được bệnh cần phải điều trị ung thư càng sớm càng tốt. Dưới đây là các phương pháp điều trị cùng với cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tốt nhất.
- Phương pháp phẫu thuật: Đây là cách điều trị được áp dụng phổ biến nhất hiện nay trong việc điều trị bệnh ung thư nướu răng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nướu bị thương. Việc phẫu thuật có thể sẽ rất phức tạp bởi ngoài việc cắt bỏ những khối u kèm theo việc nạo hạch bạch huyết vùng lân cận để kiểm soát nguy cơ các tế bào ung thư di căn.
- Phương pháp xạ trị: Là phương pháp dùng các tia xạ có năng lượng rất cao để tiêu diệt tế bào ung thư, thường được áp dụng điều trị bệnh ung thư nướu răng ở giai đoạn đầu. Phương pháp xạ trị phù hợp với những khối u nhỏ.
- Phương pháp hoá trị: Là cách điều trị sử dụng đến hoá chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc sử dụng trong phương pháp hoá trị có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác để tăng hiệu quả điều trị.
Phương pháp kết hợp điều trị bệnh ung thư nướu
Đây là những biện pháp được dùng chung với phương pháp điều trị chính để tăng hiệu quả điều trị và giảm các triệu chứng khác kèm theo của bệnh.
- Thuốc điều trị triệu chứng khác nhau: Có thể dùng chống viêm, thuốc giảm đau, chống nôn khi cần thiết nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng và khó chịu kéo dài.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ đa dạng để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Trên đây là những chia sẻ về ung thư nướu răng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.