Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư ống hậu môn là gì? Những điều cần biết về ung thư ống hậu môn
Thống kê đáng lo ngại: Ung thư hậu môn là một trong những loại ung thư ít phổ biến. Theo số liệu từ Globocan 2020, trên thế giới có khoảng 50.865 ca mới mắc và 19.293 ca tử vong do ung thư hậu môn. Tại Việt Nam, ung thư hậu môn đứng thứ 25 trong các loại ung thư thường gặp với hơn gần 579 ca mới mắc, 321 trường hợp tử vong mỗi năm và tỷ lệ mắc là 1,45/100.000 dân.
Tổng quan chung
Hậu môn, bộ phận cuối cùng của hệ tiêu hóa, tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nguy cơ ung thư đáng lo ngại. Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị đột biến, phát triển không kiểm soát, hình thành các khối u ác tính.
Nằm ở vị trí cuối cùng của đường tiêu hóa, hậu môn đóng vai trò quan trọng trong việc bài tiết phân ra ngoài cơ thể. Hậu môn được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào khác nhau, các tế bào này đều có thể trở nên ác tính. Có 5 type ung thư hậu môn được phân loại dựa trên 5 loại tế bào khác nhau:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: hay gặp nhất
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (cloacogenic carcinoma): chiếm 25%, khối u xuất phát từ những tế bào gần tương tự như tế bào vảy
- Ung thư biểu mô tuyến
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: là một dạng của ung thư da xuất hiện tại vùng da xung quanh hậu môn
- Ung thư hắc tố Melanoma
Triệu chứng
Triệu chứng ung thư hậu môn giai đoạn đầu thường không rõ ràng và không đặc hiệu. Bệnh nhân ung thư hậu môn có thể mắc các triệu chứng sau:
- Chảy máu hậu môn: Máu thường đỏ tươi, có thể là rỉ máu đỏ tươi ra giấy vệ sinh
- Đau vùng ống hậu môn: cảm giác đau tức nặng ở vùng hậu môn
- Ngứa và chảy dịch từ ống hậu môn: có thể là dịch chứa máu hoặc dịch mùi hôi
- Nổi khối hoặc sưng phồng vùng xung quanh lỗ hậu môn
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc tiêu chảy
- Thay đổi khuôn phân
Ung thư hậu môn được chia làm 4 giai đoạn dựa vào các chỉ số T (tumor – khối u), N (node- hạch) và M (metastasis- di căn).
- Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2 cm và không có di căn hạch hay di căn xa
- Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn 2 cm và không có di căn hạch hay di căn xa
- Giai đoạn 3A: Khối u có kích thước bất kỳ và xâm lấn tới hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận (tử cung, bàng quang, âm đạo…)
- Giai đoạn 3B: Khối u xâm lấn tới cơ quan lân cận nhưng hạch bạch huyết giới hạn xung quanh trực tràng, chưa có di căn xa. Hoặc khối u có kích thước bất kỳ, xâm lấn hạch vùng hoặc hạch bạch huyết xa nhưng không có di căn xa
- Giai đoạn 4: ung thư hậu môn giai đoạn cuối, khối u di căn xa tới cơ quan khác.
Nguyên nhân
Chưa có kết luận về nguyên nhân chủ đạo gây ung thư hậu môn. Tuy nhiên, có một số yếu tố gây nên căn bệnh này bao gồm:
- Virus HPV (Human papillomavirus): có nhiều nghiên cứu cùng kết luận rằng nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư hậu môn. Virus này lây truyền phổ biến qua đường tình dục.
- Tuổi cao: độ tuổi mà đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư hậu môn là từ 50-80.
- Tổn thương thường xuyên ở hậu môn: các tổn thương gây sưng phồng, đỏ, đau kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ống hậu môn
- Rò hậu môn: tình trạng lỗ rò thường xuyên chảy dịch, phân gây kích ứng mô xung quanh lỗ hậu môn.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong đó có ống hậu môn. Người hút thuốc lá nguy cơ ung thư hậu môn tăng gấp 8 lần so với người không hút thuốc.
- Suy giảm miễn dịch: người suy giảm miễn dịch như HIV, người ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao.
Đối tượng nguy cơ
- Tuổi cao: Hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên.
- Nhiều bạn tình: Những người có nhiều bạn tình có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn so với những người chung thủy một vợ một chồng.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Những người thực hiện quan hệ tình dục qua đường hậu môn dễ tăng nguy cơ ung thư hậu môn.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn.
- Tiền sử bệnh ung thư: Những người đã mắc ung thư cổ tử cung, âm hộ hoặc âm đạo có nguy cơ ung thư hậu môn tăng cao.
- Papillomavirus ở người (HPV): Nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
- Thuốc điều trị hoặc bệnh ức chế hệ thống miễn dịch: Người bệnh phải sử dụng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như người được cấy ghép nội tạng, người nhiễm virus HIV gây ra AIDS.
Chẩn đoán
Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm sau:
- Thăm hậu môn trực tràng bằng tay: Khuyến cáo thăm khám hậu môn trực tràng bằng tay hàng năm cho bệnh nhân nam lớn hơn 50 tuổi và bệnh nhân nữ khi khám vùng tiểu khung.
- Nội soi ống hậu môn: Thực hiện khi thăm khám ống hậu môn bằng tay còn nhiều nghi ngờ. Nội soi giúp đánh giá trực tiếp tổn thương.
- Sinh thiết: biện pháp giúp chẩn đoán xác định bệnh. Sinh thiết thực hiện trong khi nội soi ống hậu môn có tổn thương nghi ngờ.
- Siêu âm: siêu âm ổ bụng đánh giá tình trạng bụng sơ bộ hoặc siêu âm nội soi đánh giá xâm lấn của ung thư tới các lớp của ống hậu môn.
- Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ: đánh giá khối u, sự xâm lấn tổ chức xung quanh, di căn hạch và xâm lấn cơ quan lân cận.
- Chụp PET/CT: Đánh giá tổn thương tại chỗ và di căn xa toàn cơ thể.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa ung thư ống hậu môn có thể được thực hiện bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh:
- Tiêm phòng HPV: Tiêm vắc-xin phòng ngừa virus HPV là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc ung thư ống hậu môn.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Ngừng hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ống hậu môn cũng như nhiều loại ung thư khác.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào
Điều trị ung thư trực tràng hiện nay có 3 phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào các yếu tố:
- Type ung thư hậu môn, giai đoạn bệnh.
- Cân nhắc các biến chứng hay tác dụng phụ của điều trị
- Lựa chọn của bệnh nhân
- Thể trạng bệnh nhân
Phẫu thuật:
- Giai đoạn sớm (1,2): Cắt bỏ khối u hậu môn và một số tổ chức xung quanh. Bệnh nhân được theo dõi định kỳ sau đó.
- Giai đoạn muộn (3,4): Trước kia đa số bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn muộn vẫn được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên với tiến bộ của xạ trị và hóa chất thì các bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn muộn không có chỉ định phẫu thuật mà thay bằng hóa xạ trị đồng thời.
Trường hợp khối u tiến triển hoặc tái phát bệnh nhân có thể được chỉ định làm hậu môn nhân tạo.
Xạ trị:
- Trong ung thư hậu môn xạ trị thường được phối hợp với hóa chất. Bệnh nhân thường được xạ trị liên tục 5 ngày/tuần trong 5-6 tuần.
- Biến chứng xạ trị: mệt mỏi, phản ứng da từ nhẹ đến vừa, rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh, các kích thích hậu môn tạm thời (đỏ da, sưng phồng…).
Hóa trị: Trong điều trị ung thư hậu môn phác đồ hóa chất thường kết hợp nhiều thuốc ví dụ: fluorouracil (5-FU, Adrucil) kết hợp với Mitomycin C(Mitozytrez, Mutamycin) hoặc Cisplatin. Bệnh nhân HIV mắc ung thư hậu môn cần dùng liều thấp hơn phụ thuộc và hệ miễn dịch của bệnh nhân.
Ung thư ống hậu môn là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm. Việc duy trì lối sống lành mạnh, tiêm phòng HPV, và thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời. Sự chủ động trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về ung thư ống hậu môn sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.