Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư xương hàm là gì? Những điều cần biết về ung thư xương hàm
Ung thư xương hàm có thể gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn nhai và thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về ung thư xương hàm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Ung thư xương hàm là một dạng ung thư xương đặc trưng của vùng khuôn mặt xảy ra do sự hình thành của khối u ác tính trong xương hàm.
Nguyên nhân có thể do khối u bắt đầu trực tiếp ngay tại xương hàm hoặc do lây lan từ khối u ác tính ở các vị trí khác, nói cách khác là tế bào ung thư từ khu vực khác đã lây lan đến xương hàm và hình thành một khối u mới và ung thư biểu mô tế bào vảy trong miệng được xem là trường hợp phổ biến nhất.
Triệu chứng
Người mắc ung thư xương hàm thường xuất hiện các dấu hiệu sau:
Cảm giác đau
- Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây ra cảm giác đau ở hàm nhưng đây lại là dấu hiệu điển hình của bệnh ở giai đoạn sau. Khối u càng phát triển thì cơn đau càng trở nên dữ dội, liên tục và kéo dài âm ỉ.
- Nếu khối u chèn dây thần kinh, cơn đau có thể lan đến mặt hoặc cổ. Tùy vào vị trí của khối u bên trong hàm mà người bệnh có thể bị đau khi nhai. Khi chạm vào khu vực bị ảnh hưởng bởi khối u sẽ có cảm giác mềm.
Bị sưng
- Dù kích thước khối u như thế nào thì sự tồn tại của nó đều có thể gây sưng. Nếu khối u mọc ngoài xương hàm sẽ gây sưng mặt. Nếu khối u mọc trong xương hàm sẽ gây sưng miệng.
Răng bị lung lay
- Nếu bỗng nhiên rụng nhiều răng trong khoảng thời gian ngắn thì đây cũng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư xương hàm. Đây chính là kết quả của việc khối u ảnh hưởng đến phần xương ở xung quanh nướu răng, khiến cho xương bị mềm rồi bị tiêu hủy và răng bị lung lay.
Ngoài những dấu hiệu điển hình trên đây thì tùy vào loại khối u ở từng trường hợp cụ thể mà mỗi người bệnh cũng sẽ phát triển các dấu hiệu khác nhau.
Nguyên nhân
Hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào xác định được nguyên nhân trực tiếp gây u xương hàm. Tuy nhiên, những yếu tố tác động đến u xương hàm có thể là di truyền, do răng hoặc không do răng.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư xương hàm có nguyên nhân tương tự như các bệnh ung thư đầu – cổ khác, bao gồm hút thuốc lá và uống nhiều rượu. Rượu và thuốc lá hoạt động như một chất kích thích miệng và cổ họng, giúp các hóa chất xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn và làm chậm khả năng phân hủy hoặc đào thải chất độc của cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ có thể tăng khả năng gây ung thư xương hàm bao gồm:
- Nhiễm HPV: Nếu ung thư xương hàm phát triển từ khu vực cổ họng, phía sau miệng, nguyên nhân có thể liên quan đến virus u nhú ở người (HPV). HPV là một nhóm bao gồm 200 virus lây lan qua đường quan hệ tình dục âm đạo, hậu môn và miệng. HPV là nguyên nhân của khoảng 70% các trường hợp ung thư hầu họng, bao gồm ung thư amidan, vòm miệng, đáy lưỡi, thành họng và cả ung thư hàm.
- Nhai trầu cau: Hỗn hợp lá trầu không và cau có thể kích thích thần kinh và giúp tỉnh táo. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho biết, hỗn hợp này có chứa cocaine và có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng.
- Có vấn đề về sức khỏe răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém và thiếu răng có thể làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng. Ngoài ra, sử dụng nước súc miệng có nồng độ cồn cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
- Ngoài ra, một số người bệnh có thể từng bị ung thư thận trước đây. Điều này có thể khiến một số tế bào ung thư di chuyển đến xương hàm và hình thành các khối u mới ở khu vực này. Khối u có thể phá vỡ xương hàm và khiến răng bị lung lay. Tình trạng này được gọi là ung thư biểu mô tế bào thận thứ cấp. Ngoài ra, khối u này thường chứa nhiều máu, do đó nếu nha sĩ cố gắng loại bỏ răng bị lung lay có thể khiến người bệnh bị chảy máu rất nhiều trong nhiều ngày sau đó.
Chẩn đoán
Bác sĩ thường kiểm tra hàm hoặc miệng để tìm khối u. Vì ung thư hàm liên quan đến các bệnh ung thư đầu và cổ khác nên người bệnh có thể được nội soi cổ, họng. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ chỉ định sinh thiết để lấy mẫu mô đi kiểm tra.
Khi phát hiện mẫu chứa tế bào ung thư, người bệnh có thể được yêu cầu chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc chụp CT (chụp cắt lớp điện toán) để xác định vị trí và mức độ của khối u, giai đoạn, từ đó đưa ra các khuyến nghị điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Hiện tại, không có biện pháp nào có thể phòng ngừa bệnh ung thư xương hàm một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp đơn giản bên dưới đây:
- Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ để sớm phát hiện ra bất thường và có biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm.
- Tiến hành cai thuốc lá và hạn chế đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, nói không với đồ uống chứa cồn như rượu bia,…
- Có các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ bằng đường miệng để tránh bị lây nhiễm virus HPV.
- Ăn đúng giờ và đủ bữa, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Ung thư xương hàm là một loại bệnh khá hiếm gặp và thường đòi hỏi sự can thiệp của đội ngũ y khoa chuyên môn, bao gồm các bác sĩ khoa hàm mặt, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ phóng xạ và bác sĩ hóa trị. Phương pháp điều trị thường dựa trên giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và nhiều yếu tố khác. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thông thường:
- Phẫu thuật: Thông thường, các khối u xương hàm cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ, trừ khi trường hợp của bạn không thể phẫu thuật hoặc không đảm bảo sức khỏe để tiến hành phẫu thuật.
- Tùy thuộc vào loại khối u, khu vực xương xung quanh khối u sẽ được loại bỏ, sau đó bác sĩ có thể phẫu thuật chỉnh hình tại khu vực này nếu cần thiết. Với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể phải phẫu thuật chuyên sâu hơn như: cắt bỏ hàm trên (một phần hoặc toàn bộ), cắt xương hàm (một phần hoặc toàn bộ).
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.
- Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư xương hàm.
Xạ trị và hóa trị cũng có thể sử dụng kết hợp với phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp xạ trị và hóa trị trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước của khối u, giúp quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Hoặc bác sĩ cũng có thể kết hợp xạ trị và hóa trị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Cơ hội điều trị thành công sẽ cao hơn nếu như bạn nhận biết các dấu hiệu ung thư xương hàm sớm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.