Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm cơ nhiễm khuẩn là một trong những bệnh nhiễm khuẩn rất hay gặp trên lâm sàng, với tác nhân gây bệnh là do một số loài vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng đến gây bệnh tại một số cơ trong cơ thể người bệnh. Viêm cơ do nhiễm khuẩn cần được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.
Tổng quan chung viêm cơ do nhiễm khuẩn
Viêm cơ do nhiễm khuẩn được định nghĩa là một bệnh lý tổn thương nội khoa do vi khuẩn, một số virus và ký sinh trùng gây nên, bệnh này còn có tên gọi khác là viêm cơ sinh mủ. Trong những tác nhân gây bệnh thì phổ biến nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn…, đôi khi cũng sẽ có trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ nguyên nhân do một số loại vi khuẩn và virus khác.
Để chẩn đoán xác định một bệnh nhân mắc phải bệnh lý viêm cơ nhiễm trùng thì cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn:
- Có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể
- Có dấu hiệu tổn thương ở một số cơ.
Do đó, nếu xét nghiệm cho thấy có vi khuẩn trong máu thì chưa phải là một yếu tố chắc chắn để khẳng định trường hợp này là viêm cơ nhiễm trùng, mà cần thêm các dấu hiệu của viêm cơ, áp xe cơ… Bệnh viêm cơ do nhiễm khuẩn được tìm ra đầu tiên ở những khu vực nhiệt đới vào rất nhiều năm trước nên bên cạnh những tên gọi như viêm cơ nhiễm trùng, viêm cơ sinh mủ thì một tên gọi khác của loại bệnh lý này đó là bệnh viêm cơ vùng nhiệt đới.
Triệu chứng viêm cơ do nhiễm khuẩn
- Biểu hiện toàn thân của viêm cơ nhiễm khuẩn là hội chứng nhiễm khuẩn. Người bệnh bị sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng, hơi thở hôi.
- Biểu hiện tại chỗ chính là viêm cơ. Bất kỳ cơ nào cũng có thể bị viêm. Có thể một cơ bị viêm hay nhiều cơ bị viêm cùng một lúc. Tuy nhiên có 3 vị trí hay gặp nhất là mặt trước cơ đùi, mông và cơ thắt lưng chậu.
Viêm cơ thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: thường xảy ra trong 2 tuần đầu. Cơ sưng tại chỗ, có thể kèm đỏ hoặc không, đau và căng nhẹ. Nếu chọc hút sẽ chưa có mủ. Giai đoạn này các triệu chứng thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Thường sau 10-30 ngày, bệnh chuyển sang giai đoạn 2.
- Giai đoạn 2: với biểu hiện cơ to ra, sưng nóng đỏ đau rõ. Khám cơ có thể thấy dấu hiệu bùng nhùng, dấu hiệu phù nề ấn lõm. Chọc hút có thấy mủ. Bệnh thường được chẩn đoán giai đoạn này. Nếu không được chữa đúng cách bệnh có thể tiến tới giai đoạn 3.
- Giai đoạn 3: với các biểu hiện hệ thống, gây ra các biến chứng như áp-xe nơi khác, viêm khớp lân cận, sốc nhiễm khuẩn, suy chức năng thận. Riêng đối với viêm cơ thắt lưng chậu thì triệu chứng tại chỗ khó phát hiện vì cơ ở sâu. Bệnh nhân thường đau ở vùng mạng sườn, hạ sườn.
Có một triệu chứng gợi ý là bệnh nhân không duỗi được chân ở bên có cơ bị tổn thương trong khi mọi động tác khác của khớp háng (gấp, dạng, khép, xoay…) đều bình thường. Khối áp-xe có thể di chuyển xuống các cơ quan lân cận phía dưới như khớp háng, phần trên đùi, cơ mông… Ngoài nguyên nhân do các vi khuẩn sinh mủ, viêm cơ thắt lưng chậu còn có thể do vi khuẩn lao gây nên, xuất hiện sau viêm đốt sống đĩa đệm.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm cơ nhiễm khuẩn thường gặp nhất là tụ cầu vàng. Ngoài ra một số vi khuẩn khác có thể gây viêm cơ nhiễm khuẩn như liên cầu, lậu cầu, não mô cầu, vi khuẩn Gram âm, các vi khuẩn yếm khí,…
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn bao gồm:
- Viêm cơ nhiễm khuẩn hay gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, như người bị đái tháo đường, điều trị corticoid kéo dài, suy kiệt.
- Các tổn thương da như chấn thương, vết thương hở hay mụn nhọt ngoài da. Chính người bệnh thường chủ quan, ít chú ý đến những mụn nhọt, vết thương nhỏ trên cơ thể, mặc dù đây lại chính là đường giúp vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Khi bị mụn nhọt, nhiều bệnh nhân nặn mủ ở giai đoạn sớm hoặc trong quá trình chích nặn không đảm bảo vô khuẩn và không chăm sóc vết thương tốt.
- Các thủ thuật y tế không bảo đảm vô khuẩn như tiêm chích, châm cứu, phẫu thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể người bệnh.
Chẩn đoán
Khi có nghi ngờ đến viêm cơ nhiễm khuẩn dựa vào các triệu chứng tại chỗ và toàn thân mà bạn khai nhận. Để có thể chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để giúp chẩn đoán xác định và tìm ra nguyên nhân, bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu có thể thấy tăng số lượng bạch cầu, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.
- Tăng tốc độ máu lắng VS, tăng CRP.
- Tăng procalcitonin nếu bạn bị nhiễm khuẩn nặng.
- Cấy máu có thể dương tính nếu có tình trạng nhiễm trùng huyết.
- Cấy mủ từ dịch mủ lấy bằng cách chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm. Cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ giúp lựa chọn kháng sinh trong điều trị.
- Siêu âm cơ: Cho thấy hình ảnh áp xe cơ, cơ tăng thể tích, mất cấu trúc sợi.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Được chỉ định khi nghi ngờ viêm cơ thắt lưng chậu cho phép phát hiện tổn thương sớm với độ nhạy cao. Nếu nhìn thấy khí ở cơ thắt lưng chậu có nghĩa là cơ này đang bị áp xe.
- Cộng hưởng từ (MRI): Là xét nghiệm cho thấy hình ảnh của các tổn thương mô mềm rõ nhất. Nó giúp phân biệt viêm cơ nhiễm khuẩn với viêm tủy xương. Ngoài ra nó cũng đặc biệt hữu ích trong việc phân biệt viêm cơ nhiễm khuẩn sớm.
Phòng ngừa viêm cơ do nhiễm khuẩn
Bạn có thể phòng ngừa viêm cơ nhiễm khuẩn bằng cách:
- Đảm bảo vô khuẩn khi thực hiện các thủ thuật như châm cứu, tiêm truyền, tiêm khớp…
- Điều trị tốt các mụn nhọt trên da;
- Rửa sạch và che chắn tốt các vết loét, trầy xước;
- Không làm vỡ hoặc cố chích nặn các vết mụn nhọt hoặc mụn ngoài da.
- Điều trị tốt các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, HIV…;
- Tránh sử dụng corticosteroid kéo dài;
- Bổ sung đầy đủ các chất;
- Tăng cường sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục thường xuyên;
- Không hút thuốc lá;
- Không uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích.
Điều trị viêm cơ do nhiễm khuẩn như thế nào?
Nguyên tắc chính điều trị viêm cơ do nhiễm khuẩn: Điều trị kháng sinh từ giai đoạn đầu với liều cao, ban đầu dùng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch, sau đó chuyển sang đường uống, dùng kháng sinh đủ thời gian mà bác sĩ điều trị chỉ định trong khoảng 4 – 6 tuần, thuốc kháng sinh cần lựa chọn theo kháng sinh đồ để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất có thể.
Trong thời gian chưa cho ra kết quả xét nghiệm nuôi cấy làm kháng sinh đồ nhưng cần điều trị kháng sinh ngay thì có thể ưu tiên dùng kháng sinh kháng tụ cầu vàng gồm Methicillin hoặc Vancomycin, nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thì áp dụng kháng sinh phổ rộng kháng được trực khuẩn gram âm, vi khuẩn yếm khí như Vancomycin, Carbapenem, Piperacillin, Clindamycin…
Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn thứ 2 hoặc giai đoạn cuối thì có thể thực hiện chọc hút dẫn lưu dịch mủ hay phẫu thuật dẫn lưu dịch mủ nếu cần thiết, một số trường hợp nặng hơn thì cần phẫu thuật để vừa dẫn lưu dịch mủ, vừa cắt lọc nhưng tổn thương nhiễm khuẩn đã bị hoại tử để giúp bệnh nhân có thể bảo tồn được phần cơ còn lại.
Nâng cao thể trạng của bệnh nhân để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiễm khuẩn có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Điều trị một số biến chứng thường gặp của viêm cơ nhiễm trùng như suy thận, viêm khớp… nếu bệnh nhân mắc phải những bệnh lý này.