Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm dạ dày mạn tính là gì? Những điều cần biết về viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng quá phát của bệnh viêm dạ dày cấp tính. Đây là tình trạng phù nề hoặc viêm lớp niêm mạc dạ dày. Đối với mức độ bệnh này cần có cách điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính phù hợp mới có thể kiểm soát và cải thiện sớm tình trạng sức khỏe. Vậy triệu chứng là gì? Nguyên nhân do đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm dạ dày mãn tính là tình trạng khi các tế bào niêm mạc dạ dày bị tổn thương lâu dài và có thể tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh có triệu chứng rất giống với các rối loạn tiêu hóa thông thường nên người bệnh dễ chủ quan, không khám chữa sớm. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
Triệu chứng
Người bệnh bị viêm dạ dày mạn tính thường không có những triệu chứng điển hình. Một số triệu chứng thường gặp của người bị mắc viêm dạ dày mạn tính phải kể đến như:
- Xuất hiện các cơn đau tại vùng thượng vị, cơn đau âm ỉ, đặc biệt thường xuất hiện khi bụng đói.
- Sau khi ăn thì có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, căng tức, khó chịu.
- Ợ chua, ợ nóng kèm buồn nôn.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón. Phân có màu sẫm, nâu hoặc đen, thậm chí có thể lẫn máu tươi.
- Lưỡi đỏ, có rêu vàng nhớt bám dày.
- Miệng thường trong tình trạng khô và có vị đắng.
- Chán ăn, ăn không thấy ngon miệng, hiệu quả tiêu hóa kém. Cơ thể mệt mỏi và suy nhược, ngày càng xanh xao.
- Tâm lý thay đổi thất thường, hay cáu gắt, bực bội và ngủ không ngon giấc.
Nguyên nhân
Thủ phạm chính gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính là vi khuẩn HP – Helicobacter Pylori (Khoảng 95% các ca bệnh). Ngoài ra, những nguyên nhân dẫn khác dẫn đến viêm dạ dày mạn tính bao gồm:
- Chế độ ăn uống không điều độ, thường xuyên ăn vội, không nhai kỹ, ăn thức ăn có chứa nhiều gia vị chua, cay, ăn không đúng giờ,…
- Thường xuyên uống rượu, bia, nghiện thuốc lá.
- Căng thẳng, stress kéo dài làm mất cân bằng hệ thống bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Salicylat, Aspirin, thuốc lợi tiểu, kháng viêm corticosteroid,… sử dụng trong thời gian dài.
Đối tượng nguy cơ
Viêm dạ dày mạn tính có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền thường dễ bị vi khuẩn tấn công do sức đề kháng yếu. Ngoài ra, thành viên trong gia đình bị nhiễm HP dạ dày là nguy cơ lây lan vi khuẩn đến các thành viên còn lại.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán và điều trị viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, bạn cần phải tìm đến các bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng trước rồi mới chỉ định các phương pháp chẩn đoán bệnh khác nhau. Những phương pháp kiểm tra thường được chỉ định là:
- Xét nghiệm vi khuẩn HP thông qua mẫu máu, phân hoặc test hơi thở.
- Chụp X – quang để kiểm tra tổn thương ở dạ dày.
- Nội soi đường tiêu hóa trên sẽ giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh bên trong dạ dày, từ đó đánh giá được mức độ tổn thương của bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, có lợi cho dạ dày:
- Có chế độ ăn uống khoa học: ăn đúng bữa, ăn đúng giờ, không nên ăn khuya, không nên ăn quá no, không để bụng quá đói, nên ăn chậm nhai kỹ, không vừa ăn vừa uống…
- Sau khi ăn không nên vận động mạnh hoặc hoạt động thể lực.
- Ăn chín uống sôi, hợp vệ sinh, ăn thức ăn chế biến mềm để không gây áp lực cho dạ dày.
Nên ăn các thực phẩm có lợi cho dạ dày như:
- Bổ sung nhiều hoa quả, rau củ tươi trừ loại có chứa nhiều vitamin C nên hạn chế.
- Thường xuyên bổ sung các sản phẩm sữa chua.
- Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt.
- Những người bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP nên bổ sung các gia vị như tỏi, gừng, nghệ với lượng hợp lý.
Hạn chế sử dụng các thực phẩm không tốt cho dạ dày như:
- Các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ động vật, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ hộp, đồ xông khói…
- Đồ ăn chế biến thêm nhiều gia vị, nhiều muối,mặn..
- Không tiêu thụ đồ uống có cồn: rượu, bia, kể cả rượu vang, nước hoa quả lên men…
- Không nên ăn đồ ăn cứng như cơm cháy, sụn, hoa quả xanh…
- Không nên ăn đồ ăn, gia vị chua, cay, nóng…
Ngoài ra không nên thức khuya, không nên tức giận, căng thẳng, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, uống thuốc theo chỉ định để không bị kháng thuốc…
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, cách tốt nhất để điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính là dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
- Dùng thuốc: Các loại thuốc được dùng điều trị cho người viêm dạ dày mạn tính là thuốc giảm đau, ức chế tiết acid, kháng histamin… Người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc vì có thể gây tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày: Người bệnh viêm dạ dày mạn tính cần có thực đơn ăn uống khoa học như kiêng ăn các món ăn chiên nướng nhiều dầu mỡ, trái cây nhiều acid, chất kích thích; nên ăn nhiều rau xanh, trái cây chín, ngũ cốc và uống nhiều nước lọc, nước khoáng.
Người bệnh viêm dạ dày mạn tính cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ để điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.
Hi vọng với bài viết trên giúp các bạn tham khảo về tình trạng viêm dạ dày mãn tính.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.