Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm dạ dày ruột là gì? Những điều cần biết về viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc của đường tiêu hóa, là nguyên nhân hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nước đang phát triển, vùng nhiệt đới, mật độ dân cư đông đúc, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Những điều cần biết về viêm dạ dày ruột qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm dạ dày ruột là bệnh nhiễm trùng đường ruột do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây nên, xuất hiện với các triệu chứng điển hình như đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể kèm sốt. Nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn uống thực phẩm, đồ uống mang mầm bệnh. Với những người có thể trạng khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 1 tuần và không để lại di chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày ruột có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh, người già và người có hệ thống miễn dịch yếu.
Triệu chứng
Khi mắc viêm dạ dày ruột, người bệnh thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Triệu chứng điển hình của viêm dạ dày ruột là tiêu chảy, phân lỏng hoặc nhiều nước, bệnh nhân có thể đi ít nhất 3 lần trong 24h. Ngoài ra, nếu người bệnh bị nhiễm trùng có thể xuất hiện máu nhầy.
- Đau bụng
- Buồn nôn và có thể liên tục nôn mửa, kéo dài hơn 2 ngày hoặc nôn ra máu
- Xuất hiện các cơn ớn lạnh hoặc sốt cao
- Cơ thể mệt mỏi, mất sức, đau đầu, chóng mặt
- Cảm giác khô miệng và lưỡi
- Đi tiểu ít
- Đắng miệng, chán ăn
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng trên có thể xảy ra 1–3 ngày sau khi bị nhiễm và thường kéo dài trong 1–2 ngày hoặc thậm có thể đến 10 ngày.
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em Việt Nam là do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, trong đó Rotavirus là tác nhân hay gặp nhất, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Có thể vì sau 5 tuổi, hệ miễn dịch đã hoàn thiện hơn, do vậy bệnh ít gặp hơn. Adenovirus cũng là tác nhân hay gặp và cũng giống Rotavirus ít xảy ra ở trẻ lớn.
Ngộ độc thức ăn cũng là nhóm nguyên nhân hay gặp. Bệnh lây truyền qua nguồn nước và thực phẩm bởi các vi khuẩn và độc tố do vi khuẩn sinh ra. Các vi khuẩn hay gặp trong nhóm này là Salmonella, Shigella, Staphylococcus và E.coli.
Đối tượng nguy cơ
Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là các đối tượng dưới đây:
- Trẻ em: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm dạ dày ruột do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện.
- Người cao tuổi: Người già có hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ bị lây nhiễm bệnh viêm dạ dày ruột.
- Người sống ở khu vực dân cư tập trung đông đúc
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bị nhiễm HIV AIDS, trải qua hóa trị
Người sống ở Bắc Bán Cầu: Nhóm đối tượng này có nguy cơ cao bị nhiễm rotavirus hoặc norovirus vào mùa đông và mùa xuân.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm dạ dày ruột sẽ bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Bên cạnh đó, để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tượng đồng khác, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện 1 số phương pháp cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm phân nhằm tìm và phát hiện các virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh
- Nội soi dạ dày – đại tràng nhằm phát hiện dấu hiệu của bệnh, loại trừ các bệnh có triệu chứng tương đồng
Phòng ngừa bệnh
Dưới đây là một số biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm dạ dày ruột:
- Vi rút và vi khuẩn có thể lây lan từ người bệnh sang người khác bằng tay. Thường xuyên rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lây lan.
- Đảm bảo con bạn chỉ ăn thức ăn được chuẩn bị sạch sẽ và bảo quản đúng cách.
- Trẻ bú sữa mẹ sẽ ít bị bệnh viêm dạ dày ruột cấp hơn so với trẻ bú bình.
- Tiêm phòng Rotavirus, nguyên nhân phổ biến nhất gây Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em, luôn có sẵn và giúp bảo vệ con bạn không mắc phải bệnh này. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có sẵn hai loại vắc xin Rotavirus (ROTATEQ và ROTARIX), thích hợp cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên
Điều trị như thế nào?
Viêm dạ dày ruột là bệnh lý có thể được điều trị dần dần với các phương pháp như sau:
Bổ sung nhiều nước: Để người bệnh có thể được bổ sung nhiều nước một cách hiệu quả nhất, người bệnh cũng như người nhà sẽ cần phải lưu ý đến những vấn đề sau:
- Nên bổ sung cho cơ thể khoảng 200ml nước sau mỗi một lần bị triệu chứng đi tiêu chảy.
- Nếu như bệnh nhân liên tục ói mửa, nên đợi sau từ 5 đến 10 phút mới có thể uống nước. Đồng thời, bệnh nhân nên uống nước một cách chậm rãi và không nên vội vàng.
- Không dùng những loại đồ uống có chứa nhiều đường hoặc có vị ngọt. Thay vào đó, người bệnh nên uống nước đã được đun sôi để nguội, nước điện giải,…
Sử dụng thuốc
- Trong trường hợp bệnh nhân đã bị chứng tiêu chảy liên tục quá nhiều lần, người bệnh có thể sử dụng thuốc Loperamide để có thể giảm thiểu số lần vệ sinh.
- Nếu như người bệnh gặp phải tình trạng sốt cao hoặc là đau đầu thì họ cũng có thể sử dụng thuốc Ibuprofen hoặc Paracetamol.
- Sử dụng thuốc prochlorperazine hoặc ondansetron để hỗ trợ giảm thiểu tình trạng nôn mửa liên tục của người bệnh.
Lưu ý: đặc biệt khi dùng thuốc là phải nên có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về bệnh viêm dạ dày ruột. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.