Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm đa khớp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm đa khớp là bệnh lý xương khớp phổ biến gây ra những cơn đau nhức, sưng đỏ và khiến khớp có cử động. Hơn thế nữa, người bệnh phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm đa khớp là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm đa khớp (tên Tiếng Anh còn gọi là Polyarthritis) được hiểu là tình trạng đau nhức nhiều khớp cùng một lúc, thường là từ 4-5 khớp hoặc hơn. Nguyên nhân là do các khớp này bị viêm, sưng, đau. Bệnh thường liên quan đến các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus, hội chứng Sjogren,… Ngoài ra, đây cũng có thể là hậu quả do nhiễm siêu vi nhiều lần gây nên.
Bệnh thường diễn biến thành các đợt cấp tính. Tuy nhiên, trên lâm sàng cũng ghi nhận nhiều trường hợp khớp bị viêm mạn tính kéo dài, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nhìn chung, viêm đa khớp có thể diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số dạng phổ biến của căn bệnh này:
- Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp: Là một dạng viêm khớp tự phát cấp tính, bệnh chủ yếu ở nhóm đối tượng nhỏ tuổi (từ thiếu niên trở xuống). Người mắc bệnh này sẽ gây ảnh hưởng đến các khớp như hàm – đốt sống cổ (ít gặp), bàn tay, cổ tay, khớp háng, đầu gối và mắt cá chân. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, tuy nhiên, bệnh sẽ được cải thiện nếu chữa trị và kiểm soát tốt diễn biến của bệnh.
- Lupus ban đỏ: Đây là bệnh lý mô liên kết liên quan đến rối loạn miễn dịch, ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận và cơ quan khác nhau. Đối với hệ cơ – xương – khớp, bệnh chủ yếu tiến triển ở khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân.
- Viêm khớp vảy nến: Là bệnh lý phát triển do thương tổn của vảy nến gây ra. Bệnh chiếm khoảng 10-30% trong số những người mắc bệnh vảy nến. Các khớp tổn thương chủ yếu là khớp cổ, vai, khuỷu tay, ngón tay và ngón chân.
- Viêm đa khớp do các bệnh lý liên quan: Các khớp bị viêm cùng một lúc có thể do các bệnh lý như đau cơ xơ hóa, ứ đọng hoặc thừa sắt, bệnh viêm ruột, hội chứng Raynaud, gout, bệnh co rút Dupuytren (co rút gân gan bàn tay),…
Triệu chứng
Một vài triệu chứng viêm đa khớp phổ biến bao gồm đau, viêm hay không viêm, sưng đỏ nóng vùng khớp, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 tiếng, bắt đầu từ khớp nhỏ ngoại biên như khớp đốt giữa các ngón tay, cổ tay, bàn tay, khớp gối và có tính chất ảnh hưởng nhiều nơi cùng lúc. Bệnh nhân có thể sốt và sụt cân bất thường, thường xuyên mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược.
Ngoài ra viêm đa khớp dạng thấp còn có một triệu chứng khá đặc biệt là tính đối xứng giữa các bộ phận. Ví dụ như bệnh nhân bị viêm đa khớp dạng thấp bên bàn tay trái thì bên bàn tay phải cũng xuất hiện, tương tự với các bộ phận khác.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị viêm đa khớp. Có thể kể đến một số bệnh nền như các loại viêm khớp do virus hoặc viêm khớp vảy nến. Bệnh còn hình thành bởi một số nguyên nhân cụ thể như:
- Các bệnh tự miễn (Lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjogren…).
- Nhiều lần nhiễm siêu vi dẫn tới viêm đa khớp.
- Viêm khớp đối xứng (viêm khớp Juvenile và một số loại viêm tự phát).
- Viêm khớp không đối xứng (viêm khớp phản ứng, gout,…).
- Nhiễm trùng virus (Parvovirus, Ross River, HIV, viêm gan, quai bị và sởi).
- Các bệnh chuyển hóa (thống phong giả, suy gan và suy thận).
- Thoái hóa cấu trúc khớp, sụn xương bị hao mòn.
- Bệnh nhiễm trùng (bệnh lao, bệnh Lyme, bệnh Whipple và bệnh Well).
- Bệnh viêm mạch máu hoặc viêm khớp tế bào.
- Bệnh nội tiết.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm đa khớp:
- Lối sống không lành mạnh: Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ viêm đa khớp càng tăng.
- Giới tính: Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ mắc viêm đa khớp cao hơn so với nam.
- Di truyền: Người có tiền sử gia đình có người thân bị viêm đa khớp sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
Chẩn đoán
Đây là căn bệnh có nhiều nguyên nhân gây ra, đi kèm với đó là các biểu hiện cũng rất khác nhau, việc chẩn đoán tình trạng này không hề đơn giản. Các bác sĩ sẽ cần tiến hành nhiều thủ thuật, phương pháp xét nghiệm để xác định chính xác vấn đề đang xảy ra là gì, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu để tìm kiếm sự hiện diện của virus hoặc yếu tố dạng thấp (RF), một loại protein có thể tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể
- Khám tổng quát sức khỏe khớp nhằm kiểm tra tình trạng sưng nóng, giảm biên độ vận động của khớp…
- Chụp X-quang, MRI… với mục đích tìm kiếm nguyên nhân gây đau
- Xét nghiệm dịch khớp để xác định dạng bệnh đang diễn ra
Phòng ngừa bệnh
Việc ý thức phòng bệnh viêm đa khớp từ sớm có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nếu không may mắc phải thì cũng giảm thiểu khả năng bị ảnh hưởng từ biến chứng của căn bệnh này. Dưới đây là 3 gợi ý giúp phòng tránh bệnh viêm đa khớp:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ
- Tập luyện thường xuyên
- Sử dụng thảo dược giúp phòng ngừa, cải thiện cơn đau khớp
- Thường xuyên đến kiểm tra, chẩn đoán định kỳ tại các cơ sở uy tín.
- Việc sớm nhận biết các triệu chứng viêm đa khớp mang ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh hiệu quả và lâu dài. Ngoài ra bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả điều trị tốt nhất, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
Điều trị như thế nào?
Bệnh viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh của hệ thống tự miễn, chính vì vậy nên việc điều trị dứt điểm thường rất khó khăn. Điều trị thường kéo dài từ 1 – 2 tháng đến vài năm và có khi là suốt đời.
Nguyên tắc điều trị viêm đa khớp là điều trị toàn diện, tích cực, dài hạn và theo dõi thường xuyên. Hiện điều trị viêm đa khớp dạng thấp thường kết hợp nhiều phương pháp:
- Điều trị nội khoa: chủ yếu là dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm…
- Điều trị ngoại khoa: Với những trường hợp nặng (không đi lại được, vận động còn ít hoặc mất hết) ngoài dùng thuốc bác sĩ có thể kết hợp với phẫu thuật (phẫu thuật chuyển gân, hàn khớp, thay khớp, nhân tạo, nội soi) khi có các khớp bị biến dạng nặng hay việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả cao.
Các phương pháp khác:
- Phục hồi chức năng: thực hiện các bài tập để giảm cứng và đau các khớp, chống dính khớp.
- Y học cổ truyền: trong các đợt tiến triển của bệnh việc dùng thuốc là cần thiết, song ở giai đoạn bệnh thuyên giảm nước suối khoáng có thể có tác dụng phục hồi chức năng khớp. Châm cứu cũng là cách để làm giảm cơn đau của bệnh.
Việc điều trị bệnh như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ, người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Bởi một số thuốc điều trị xương khớp có ảnh hưởng xấu tới dạ dày.