Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm gân nhị đầu vai là gì? Những điều cần biết về viêm gân nhị đầu vai
Viêm gân cơ nhị đầu là nguyên nhân gây ra tình trạng đau và yếu ở vai, khiến người bệnh vận động khó khăn. Để khắc phục, bệnh nhân nên đi khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Tùy vào tần suất và mức độ đau hiện tại, bác sĩ đề xuất phác đồ điều trị phù hợp để chấm dứt cơn đau.
Tổng quan chung
Viêm gân nhị đầu vai là tình trạng đau phía trước vai, đau tăng khi nâng một vật ra trước hoặc nâng lên quá đầu. Ngoài ra, cơn đau còn có thể xảy ra khi cố gập khuỷu chống lại lực đè xuống cẳng tay của người khám
Nếu có rách gân, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói đột ngột, có cảm giác bị “rách” phía trước vai khi vô tình nâng một vật nặng, vai có diễn tiến sưng đau và có thể bầm máu trong vài ngày, bắp tay có thể phồng lên do cơ đứt co lại phía trước cánh tay
Viêm gân nhị vai trái hay viêm gân nhị đầu vai phải đều có khả năng xảy ra, tùy thuộc vào những yếu tố tác động làm tổn thương tại những vị trí này
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm cơ nhị đầu vai thường gặp gồm:
- Triệu chứng thường gặp là đau liên tục, dữ dội, khu trú ở vùng phía trước vai bên trên rãnh nhị đầu, cảm giác mắc kẹt, cứng khớp vai và có thể đi kèm với cơn đau. Có thể xuất hiện rối loạn giấc ngủ.
- Giảm biên độ vận động vai, khó khăn khi làm các động tác đơn giản hằng ngày như chải tóc, cài áo ngực, với tay qua đầu…
- Sưng tấy: Vùng vai có thể sưng lên và cảm thấy nóng.
Bệnh lý này nếu không điều trị đúng phương pháp có thể làm giảm dần hoặc mất chức năng vận động của vai. Nghiêm trọng hơn, viêm gân nhị đầu có thể gây biến chứng nguy hiểm như: teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp, thậm chí bại liệt nếu ở giai đoạn cuối của bệnh mà người bệnh vẫn không được điều trị phù hợp. Hoặc một số trường hợp có thể đứt gân nhị đầu gây giảm vận động gấp khuỷu hoặc mất gấp khuỷu.
Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán chính xác tình trạng và có phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn tới viêm gân cơ nhị đầu vai
- Chấn thương đột ngột: chẳng hạn như té ngã hoặc va đập mạnh vào vai.
- Chấn thương lặp đi lặp lại: chẳng hạn như sử dụng cánh tay quá sức khi chơi thể thao hoặc làm việc.
- Lão hóa: Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể làm giảm tính đàn hồi của gân.
Viêm gân cũng có thể xảy ra do gân bị căng đột ngột và nghiêm trọng.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm gân nhị đầu vai
- Viêm gân nhị đầu vai thường gặp ở những người chơi thể thao, đặc biệt là những môn thể thao sử dụng tay qua đầu nhiều như tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ,…
- Những người lao động, thường xuyên khuân vác những kiện hàng nặng cũng là người có nguy cơ viêm gân nhị đầu vai.
- Người cao tuổi: Quá trình lão hóa làm tăng nguy cơ viêm gân.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm gân cơ nhị đầu vai, bác sĩ cần dựa vào thăm khám lâm sàng, đánh giá về biên độ vận động, sức cơ và các dấu hiệu bất thường ở vai.
Bên cạnh đó, người bệnh cần làm một số kỹ thuật xét nghiệm khác như:
- Chụp X-quang, mặc dù kết quả chẩn đoán hình ảnh này chỉ mô tả các vấn đề liên quan đến xương nhưng chụp X-quang cũng có ích trong việc quan sát được các vấn đề ở khớp vai của bạn.
Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) và siêu âm đánh giá tình trạng các mô mềm, kể cả gân cơ nhị đầu chi tiết hơn X-quang.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa viêm gân cơ nhị đầu vai
- Khi thực hiện các hoạt động thể chất, ban đầu hãy thực hiện chậm rãi và tăng dần mức độ hoạt động.
- Hạn chế số lần lặp lại cũng như mức độ dùng lực và dừng lại nếu cảm thấy đau bất thường.
- Tránh hoạt động với tư thế không đúng hoặc kỹ thuật kém trong thể thao hoặc công việc.
- Giãn cơ và khởi động trước khi tham gia hoạt động thể chất.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Tránh hoạt động quá mức và cho cơ thể thời gian hồi phục.
- Sử dụng thiết bị bảo vệ: Như băng đai vai khi tham gia các hoạt động có nguy cơ cao.
Điều trị như thế nào?
Điều trị không phẫu thuật bao gồm:
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm.
- Nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động mạnh có thể gây ra các cơn đau ở vai.
- Chườm lạnh tầm 20 phút/lần, và chườm vài lần mỗi ngày để giảm tình trạng sưng.
Lưu ý: Không được chườm đá trực tiếp lên vùng da nhằm tránh tình trạng bệnh nhân bị bỏng lạnh. Vì vậy, tốt nhất là nên bọc đá trong một lớp vải hoặc khăn sạch rồi hẳn chườm.
- Thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu nhằm để kéo căng cũng như là tăng cường sức mạnh cho bờ vai.
- Riêng với trường hợp bị rách hoặc là đứt cơ nhị đầu thì cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn và mang đai treo tay trong khoảng 1 tuần, sau đó mới tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
- Tiêm corticosteroid: Trong trường hợp nặng, có thể cần tiêm thuốc chống viêm trực tiếp vào vùng gân.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật được đặt ra khi điều trị bảo tồn bị thất bại, người bệnh còn cảm thấy đau vai và hạn chế khả năng vận động.
Các phương án phẫu thuật có thể sử dụng như:
- Phẫu thuật mở
- Nội soi
Với sự phát triển ngày càng đi lên của kỹ thuật nội soi thì các trường hợp viêm gân nhị đầu nặng hoàn toàn có thể can thiệp bằng loại phẫu thuật này. Phẫu thuật mở được đưa ra sử dụng khi gân nhị đầu đã bị đứt hoàn toàn. Phương pháp mổ mở có thể tạo hình điểm bám gân nhị đầu nhằm giúp phục hồi một phần cho động tác gấp khuỷu.
Phục hồi chức năng
Sau khi bệnh nhân đã được phẫu thuật xong, bác sĩ chuyên môn sẽ chỉ định một liệu trình phục hồi chức năng thích hợp nhằm giúp rút ngắn thời gian hồi phục. Người bệnh có thể đeo địu trong vài tuần nhằm cố định chắc phần vai, hạn chế cử động để chấn thương mau lành.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân hạn chế một số hoạt động nhất định nhằm tránh việc gân bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng ở đây là phải tuân theo các chỉ định của bác sĩ sau khi phẫu thuật để có thể tránh xảy ra những thương tổn không đáng có khác. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể các bài tập chuyên biệt cho vùng vai của bệnh nhân để giúp họ nhanh hồi phục hơn.
Viêm gân nhị đầu vai là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được quản lý hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện các bài tập giãn cơ, và sử dụng kỹ thuật đúng trong hoạt động hàng ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng đau vai kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và năng động!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.