Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm Lưỡi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Khi bị viêm lưỡi, bệnh nhân phải đối mặt với những cơn đau dai dẳng và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Bệnh có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân. Vậy viêm lưỡi là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Lưỡi là một trong những cơ quan vô cùng quan trọng của cơ thể. Tác dụng của lưỡi là hỗ trợ thực hiện nhai, nuốt thức ăn và phát âm. Bạn có thể cảm nhận được hàng nghìn vị giác của các loại món ăn nhờ có các nhú lưỡi.
Khi xảy ra viêm lưỡi, các nhú lưỡi có thể biến mất khiến bệnh nhân không thể cảm nhận được mùi vị của các món ăn. Đồng thời lưỡi xuất hiện rất nhiều những triệu chứng bất thường như sưng tấy và thay đổi màu sắc. Điều này khiến bệnh nhân nói chuyện khó khăn và phải thay đổi nhiều trong quá trình ăn uống.
Có thể phân loại bệnh viêm lưỡi thành 3 dạng khác nhau:
- Viêm lưỡi cấp tính: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng một cách đột ngột trong một phản ứng dị ứng.
- Viêm lưỡi mạn tính: Với dạng bệnh này, viêm lưỡi tái phát liên tục và nó thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó.
- Bệnh viêm teo lưỡi: Bệnh này còn được gọi là viêm lưỡi Hunter. Khi mắc bệnh, lưỡi bị mất đi rất nhiều nhú lưỡi. Bên cạnh đó, màu sắc lưỡi cũng thay đổi rất nhiều. Lưỡi cũng trở nên bóng hơn bình thường.
Triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến của các bệnh nhân viêm lưỡi gồm:
- Đau hoặc nhạy cảm ở lưỡi.
- Sưng lưỡi.
- Thay đổi màu sắc của lưỡi.
- Không có khả năng nói chuyện, ăn uống hoặc nuốt.
- Mất nhú trên bề mặt của lưỡi.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh lý, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân
Dưới đây là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ khiến một người mắc phải bệnh viêm lưỡi:
- Tác nhân dị ứng: bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm, thuốc hay các chất kích thích sẽ làm nghiêm trọng thêm tình trạng viêm các mô lưỡi. Những chất kích thích ở đây có thể là kem đánh răng hay thuốc dùng trong điều trị bệnh huyết áp cao;
- Nhiễm virus: cơ thể bị tấn công bởi các loại virus làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng tới nhú và mô cơ lưỡi, ví dụ điển hình như virus Herpes simplex làm hình thành nên những đốm mụn rộp và mảng phồng quanh miệng, gây đau và sưng viêm ở lưỡi;
Nguyên nhân bị viêm lưỡi có thể là do virus
- Thiếu sắt: sắt là thành phần giúp cơ thể tạo nên tế bào hồng cầu, điều hòa sự tăng trưởng của tế bào để chúng đem oxy nuôi dưỡng các cơ quan. Khi một người bị thiếu hụt sắt sẽ kéo theo sự sụt giảm của nồng độ myoglobin – một trong số các protein chứa trong tế bào hồng cầu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ bắp, trong đó phải kể đến cấu trúc mô cơ lưỡi;
- Bị thương ở miệng: chấn thương vùng miệng do bị rách, bỏng hoặc tác động của các thiết bị nha khoa gây ra các tổn thương niêm mạc lưỡi, lâu ngày vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương này sẽ dẫn tới hiện tượng viêm nhiễm.
Đối tượng nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm lưỡi như là:
- Chấn thương miệng.
- Ăn thức ăn cay.
- Đeo niềng răng hoặc răng giả gây kích thích lưỡi.
- Bị nhiễm Herpes.
- Nồng độ sắt trong máu thấp.
- Bị dị ứng thức ăn.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ chỉ cần quan sát miệng của người bị viêm lưỡi để kiểm tra các vết sưng và phồng rộp bất thường trên lưỡi, nướu và các mô mềm. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước bọt và máu để làm xét nghiệm, từ đó giúp chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị viêm lưỡi phù hợp.
Phòng ngừa bệnh
Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh bằng cách:
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên
- Tránh các chất kích thích, chẳng hạn như thức ăn cay – nóng, thuốc lá và thức ăn có tính axit.
Quá trình phục hồi bệnh sẽ mất thời gian và cần được điều trị thích hợp. Trong thời gian điều trị, bạn nên tránh ăn thức ăn có thể gây kích ứng lưỡi và giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Điều trị như thế nào?
Đối mặt với bệnh viêm lưỡi, nhiều người chủ quan mà không biết rằng căn bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng. Những biến chứng này sẽ gây đến ảnh hưởng xấu cho cơ thể, có thể gây bệnh cho nhiều cơ quan khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.
Để quá trình điều trị viêm lưỡi đạt kết quả tốt không chỉ dựa vào khám chữa với bác sĩ. Song song, bệnh nhân nên kết hợp tự thực hiện chăm sóc tại nhà.
Kiểm tra và điều trị với bác sĩ
Khi điều trị tại các bệnh viện hay cơ sở ý tế, đầu tiên, người bệnh sẽ được kiểm tra. Sau khi đã nắm được tình hình, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác. Những thuốc được kê bên cạnh loại bỏ virus, vi khuẩn còn nhằm loại bỏ nguy cơ bị nhiễm trùng lưỡi.
Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân cũng có thể được kê thêm thuốc mỡ corticosteroid. Thuốc này sẽ giúp giảm đau và hạn chế tình trạng tấy đỏ.
Chăm sóc lưỡi tại nhà
- Điều chỉnh, hình thành thói quen vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng đều đặn, sạch sẽ mỗi ngày với 2 lần đánh răng.
- Đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng: Giúp người bệnh ổn định về thể chất. Khi thể chất hồi phục, việc điều trị cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Với trường hợp người bệnh viêm lưỡi do thiếu sắt, hãy bổ sung từ những món ăn hàng ngày. Ví dụ như gan lợn, thịt đỏ, bông cải xanh,…
- Không sử dụng những đồ có chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, ớt, đồ cay nóng.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm lưỡi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.