Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm màng bồ đào là gì? Những điều cần biết về viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào là bệnh lý ở mắt do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm nhiễm, chấn thương, bệnh tự miễn… Bệnh có nhiều biến chứng, hay tái phát và dễ dẫn đến mù lòa. Vậy viêm màng bồ đào là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Màng bồ đào là một phần trong cấu tạo của mắt, bao gồm 3 thành phần chính là mống mắt nằm phía trước, thể mi nằm ở giữa và màng mạch (hắc mạc) nằm trong cùng. Viêm màng bồ đào là bệnh lý viêm nhiễm một trong ba vị trí trên do một nguyên nhân nào đó. Đặc điểm của viêm màng bồ đào:
- Bệnh lý về mắt có tỉ lệ gặp cao trên thế giới.
- Không phân biệt tuổi tác, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
- Không lây lan.
- Căn nguyên phức tạp.
- Có thể gây ra nhiều biến chứng, tổn thương nặng cho mắt, có thể dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời
- Khả năng tái phát cao.
Triệu chứng
Các triệu chứng ban đầu của viêm màng bồ đào có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào phần nào của màng bồ đào bị ảnh hưởng.
- Viêm màng bồ đào trước: Đau dữ dội ở mắt, mắt đỏ, đau hơn khi tiếp xúc với ánh sáng chói và giảm thị lực là triệu chứng điển hình. Bác sĩ có thể nhìn thấy các mạch máu nổi rõ trên bề mặt của mắt gần rìa giác mạc, các tế bào trôi nổi ở phần trước của mắt (thủy dịch) và lắng đọng trên bề mặt bên trong của giác mạc.
- Viêm màng bồ đào trung gian thường không đau. Thị lực có thể bị giảm và người bệnh có thể nhìn thấy các đốm đen bất thường (ruồi bay).
- Viêm màng bồ đào sau thường gây giảm thị lực và có ruồi bay. Dây thần kinh thị giác có thể bị viêm, gây mất thị lực, có thể thay đổi từ một điểm mù nhỏ đến mù toàn bộ.
- Viêm toàn màng bồ đào có thể kết hợp các triệu chứng này.
- Viêm màng bồ đào có thể nhanh chóng làm hỏng mắt. Nó có thể gây ra các biến chứng lâu dài, đe dọa đến thị lực, chẳng hạn như phù điểm vàng, tổn thương võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Nhiều người chỉ bị một đợt viêm màng bồ đào, những người khác bị tái phát định kỳ trong nhiều tháng đến nhiều năm hoặc viêm mãn tính cần điều trị lâu dài.
Nguyên nhân
Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm màng bồ đào như sau:
- Do viêm nhiễm: Viêm nhiễm có thể do vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng, nhiễm trùng sau phẫu thuật nhãn khoa.
- Do nhiễm độc: từ thức ăn, hóa chất…
- Do bệnh tự miễn.
- Do chấn thương vào mắt.
- Thứ phát từ các bệnh toàn thân: Bệnh da liễu, bệnh nhiễm trùng huyết, bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống, viêm khớp thiếu niên vô căn.
Viêm màng bồ đào chưa rõ nguyên nhân.
Đối tượng nguy cơ
Mọi người đều có khả năng bị viêm màng bồ đào.
Chẩn đoán
Thông thường, tình trạng này được bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành thăm khám mắt toàn diện. Việc thăm khám có thể bao gồm:
- Kiểm tra thị lực bằng bảng đo thị lực;
- Thăm khám bằng đèn soi để quan sát bên trong mắt (đèn soi đáy mắt hoặc đèn khe sinh hiển vi). Thuốc nhỏ mắt có thể được sử dụng để làm mở rộng (giãn) đồng tử giúp quan sát bên trong mắt dễ dàng;
- Kiểm tra nhãn áp.
Bệnh nhân có thể cần phải thực hiện thêm các khảo sát, đặc biệt là khi bác sĩ nhãn khoa nghi ngờ có các vấn đề tiềm ẩn, nếu đã phát hiện từng có các đợt viêm màng bồ đào trước đây, hoặc đợt viêm màng bồ đào lần này nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến cả hai mắt. Các khảo sát này có thể bao gồm chụp cắt lớp đáy mắt , là kỹ thuật chụp các hình ảnh đặc biệt của mắt, xét nghiệm máu và cũng có thể chụp X-quang.
Bệnh nhân có thể phải gặp các bác sĩ chuyên khoa để giúp xác định các tình trạng tiềm ẩn.
Phòng ngừa bệnh
- Bệnh viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được
- Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách: cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán.
- Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.
- Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt, bệnh nhân phải đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám. Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị. Viêm màng bồ đào dễ hay tái phát nên người bệnh phải gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.
Điều trị như thế nào?
Nội khoa:
- Viêm màng bồ đào trước: Sử dụng các loại thuốc làm giãn đồng tử, chống xơ dính đồng tử.
- Một số thuốc có thể được lựa chọn như: kháng viêm corticoid dạng uống, nhỏ mắt, tiêm; kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc kháng virus…
Ngoại khoa:
Nếu viêm màng bồ đào nặng, diễn biến xấu, tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến thị lực và việc điều trị nội khoa không có hiệu quả thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật chủ yếu là điều trị các biến chứng gây ảnh hưởng đến thị lực của viêm màng bồ đào:
- Phẫu thuật thay thể thủy tinh: đối với biến chứng đục thủy tinh thể
- Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.
- Phẫu thuật cắt dịch kính
- Phẫu thuật bong võng mạc.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm màng bồ đào.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.