Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm màng não mô cầu là gì? Hiểu biết về bệnh viêm màng não do não mô cầu
Tổng quan chung
Bệnh viêm màng não do mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột được đặc trưng bởi tình trạng viêm màng xung quanh não hoặc tủy sống do sự tấn công của vi khuẩn. Đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhất là khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, mùa đông-xuân.
Triệu chứng viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do đó các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột, bao gồm:
- Sốt cao đột ngột.
- Đau đầu dữ dội.
- Buồn nôn, nôn.
- Cổ cứng.
- Có thể lơ mơ hoặc hôn mê.
- Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại từ ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.
Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5%-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các đợt dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.
Nguyên nhân viêm màng não do não mô cầu
- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn não cầu Neisseria meningitidis gây ra, thường được gọi là Meningococcus. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Sức đề kháng của vi khuẩn não mô cầu rất yếu, mặc dù ở trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn cũng chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể và sẽ bị diệt bởi 560C trong 30 phút hoặc 600C trong 10 phút, nhưng vi khuẩn vẫn có thể sống được -200C.
- Con đường lây bệnh: Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra.
Đối tượng nguy cơ
- Tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ: trẻ càng nhỏ thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao và ngược lại, trẻ càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn.
- Những người sức đề kháng kém, sống trong môi trường đông đúc, tiếp xúc với vùng dịch.
Chẩn đoán
- Dựa vào các triệu chứng đặc trưng của viêm màng não mô cầu.
- Làm thêm các xét nghiệm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh: Chụp cộng hưởng từ MRI; Xét nghiệm máu; Cấy máu; Xét nghiệm dịch não tủy; Nhuộm soi dịch hầu họng.
Cách phòng ngừa bệnh
- Tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
- Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường; nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
- Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
- Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế và cần điều trị dự phòng những những người tiếp xúc với bệnh nhân.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh viêm màng não do mô cầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị viêm màng não do não mô cầu như thế nào?
Viêm màng não mô cầu là một bệnh lý có diễn biến nhanh chóng, do đó, bệnh cần được điều trị nhanh chóng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch của bệnh nhân để ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống khi bệnh đã được kiểm soát.
Phác đồ điều trị: Dùng sulfamid, penicillin và/hoặc các kháng sinh điều trị và dự phòng khác phải đảm bảo các loại thuốc này nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu. Cụ thể:
Điều trị dự phòng
Sunfamid dùng trong 5 ngày.
- Ở trẻ em: 1g/ngày chia đều 2 lần.
- Ở người lớn: 2g/ngày chia đều 2 lần.
- Ở trẻ dưới 5 tuổi với liều là 0,05 g/kg/ngày, chia đều 2 lần trong 5 ngày.
Nếu Sunfamid không còn nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu, có thể dùng Rifamycin với liều người lớn 600 mg/ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày. Ở trẻ em > 1 tháng tuổi liều 10 mg/kg/ngày; trẻ < 1 tháng tuổi với liều 5 mg/kg/ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày.
Điều trị đặc hiệu
- Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi: uống Ampicillin 200 mg/kg, Cephalosporin thế hệ III 100 mg/kg, tiêm tĩnh mạch từ 2 – 3 lần trong 24 giờ.
- Trẻ dưới 10 tuổi: uống Ampicillin 200mg/kg, Chloramphenicol 25 mg/kg hoặc Ampicillin và Cephalosporin liều như trên tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ.
- Đối với người lớn dùng Penicillin G 2 triệu đơn vị, tiêm tĩnh mạch cách 2 giờ/lần hoặc Ampicillin 2g, hoặc Cephalosporin thế hệ III 2g, tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày.
Trong trường hợp nếu bệnh chuyển nặng thì điều trị dựa trên các biến chứng xuất hiện như: hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, cân bằng dịch điện giải, hỗ trợ tim mạch,…
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.