Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm phúc mạc là gì? Những điều cần biết về viêm phúc mạc
Viêm phúc mạc là một tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm của màng bụng, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này thường do vi khuẩn xâm nhập vào khoang bụng thông qua các tổn thương hoặc lỗ hổng trong đường tiêu hóa, như thủng ruột thừa hoặc vỡ dạ dày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng dữ dội, sốt cao, bụng trướng và buồn nôn. Viêm phúc mạc yêu cầu chẩn đoán và điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết.
Tổng quan chung
Viêm phúc mạc là tình trạng viêm nhiễm lớp phúc mạc – màng treo và màng bụng bao bọc các tạng trong ổ bụng. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn và dựa cơ chế lây nhiễm, viêm phúc mạc được phân loại là viêm phúc mạc nguyên phát hoặc viêm phúc mạc thứ phát.
Dù là nguyên nhân nào, viêm phúc mạc luôn là một bệnh lý có mức độ nặng và được xem là một cấp cứu ngoại khoa. Lúc này, chẩn đoán cần được xác định nhanh nhằm tiến hành các bước điều trị tích cực, bao gồm cả phẫu thuật nhằm khu trú ổ nhiễm, tránh dẫn đến nhiễm trùng huyết và bảo vệ tính mạng cho người bệnh.
Triệu chứng
Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh là nguyên phát hay thứ phát mà biểu hiện của bệnh lý cũng khác nhau. Triệu chứng chung của nhiễm trùng phúc mạc là:
- Đau khắp bụng, liên tục và tăng lên khi bệnh nhân vận động.
- Phúc mạc kích thích bệnh nhân nôn khan.
- Gây nên tình trạng bí trung tiện và đại tiện.
- Bụng trướng, thành bụng co cứng, người bệnh đau nhiều khi ấn vào bụng.
- Bệnh nhân bị sốt cao từ 39 – 40 độ.
- Môi khô, lưỡi bẩn, mắt thâm quầng và trũng xuống.
- Thường xuyên khát nước.
- Lượng nước tiểu thải ra ít.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm phúc mạc là do nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào niêm mạc bụng của bạn từ một lỗ trên đường tiêu hóa. Điều này có thể xảy ra nếu bạn bị thủng ruột kết hoặc vỡ ruột thừa.
Các nguyên nhân gây viêm phúc mạc bao gồm:
- Phẫu thuật vùng bụng. Sử dụng ống dẫn thức ăn hoặc thủ thuật rút chất lỏng từ ổ bụng hoặc nội soi vùng bụng có thể gây ra biến chứng viêm phúc mạc.
- Các thủ thuật y tế, chẳng hạn như thẩm phân phúc mạc (lọc máu qua màng bụng). Đây là một phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi cho những người suy thận. Trong quá trình lọc màng bụng, nhiễm trùng có thể xảy ra.
- Vỡ ruột thừa, loét dạ dày. Một ruột thừa bị vỡ, loét dạ dày hoặc thủng ruột kết. Bất kỳ tình trạng nào trong số này đều có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào phúc mạc thông qua một lỗ trên đường tiêu hóa.
- Viêm tụy. Viêm tụy phức tạp do nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nếu vi khuẩn lây lan ra ngoài tuyến tụy.
- Viêm túi thừa. Nhiễm trùng các túi nhỏ, phình ra trong đường tiêu hóa có thể gây viêm phúc mạc nếu một trong các túi bị vỡ, làm tràn chất thải ruột vào khoang bụng.
- Xơ gan. Xơ gan tiến triển gây ra một lượng lớn chất lỏng tích tụ trong khoang bụng của bạn. Chất lỏng tích tụ đó dễ bị nhiễm vi khuẩn.
- Chấn thương bụng. Chấn thương vùng bụng có thể gây ra viêm phúc mạc bằng cách cho phép vi khuẩn hoặc hóa chất từ các bộ phận khác của cơ thể xâm nhập vào phúc mạc.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc:
- Những người đang thực hiện lọc màng bụng hay bị viêm phúc mạc.
- Mắc các bệnh có thể tăng nguy cơ viêm phúc mạc: Viêm ruột thừa, xơ gan, bệnh Crohn, loét dạ dày, viêm tụy, viêm túi thừa…
- Có tiền sử viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc là bệnh rất nguy hiểm vì nó có thể gây nhiễm trùng ngoài khoang phúc mạc: vi khuẩn đi vào máu làm nhiễm trùng huyết diễn biến rất nhanh, đe dọa tính mạng người bệnh nhanh chóng.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và khám lâm sàng. Bác sĩ cũng tiến hành một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc:
- Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm giúp đo lường số lượng tế bào bạch cầu trong máu. Số lượng tế bào bạch cầu cao là dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng. Cấy máu có thể giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc viêm.
- Xét nghiệm dịch màng bụng: Nếu có dịch tích tụ trong bụng của bạn, bác sĩ của bạn có thể sử dụng một cây kim để lấy một ít dịch và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nuôi cấy dịch cũng có thể giúp xác định vi khuẩn.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh chẳng hạn như chụp CT và X-quang sẽ được thực hiện, để tìm xem có tạng nào bị vỡ hoặc thủng trong bụng hay không.
Phòng ngừa bệnh
Đối với các bệnh nhân đang phải thực hiện lọc máu qua màng bụng sẽ có nguy cơ rất cao bị nhiễm trùng phúc mạc. Một số lưu ý nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày sau đây sẽ giúp hạn chế nguy cơ viêm nhiễm:
- Rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước sạch trước khi thực hiện lọc màng bụng, chú ý kẽ da bên dưới móng tay
- Làm sạch vùng da xung quanh ống thông bằng chất khử trùng mỗi ngày
- Thực hiện lọc màng bụng trong một khu vực cách ly, đảm bảo vệ sinh
- Đeo khẩu trang trong lúc thực hiện
- Bảo quản dịch lọc đúng quy cách
- Không nên nuôi thú cưng trong nhà
- Thường xuyên tham vấn bác sĩ khi ống lọc, dịch lọc có dấu hiệu bất thường
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh là điều trị ngoại khoa kết hợp với hồi sức ngoại khoa tích cực. Các phương pháp điều trị viêm phúc mạc có thể bao gồm:
- Dùng thuốc kháng sinh: để chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa sự tràn lan của vi khuẩn. Loại thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc và mức độ nặng – nhẹ của bệnh, và loại viêm phúc mạc.
- Phẫu thuật: dẫn lưu ổ áp xe qua da để tăng cường liệu pháp kháng khuẩn. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh buộc phải phẫu thuật để loại bỏ mô bị nhiễm trùng. Đặc biệt là viêm phúc mạc do vỡ dạ dày, ruột thừa, ruột già…
- Phương pháp điều trị khác: giảm đau, truyền dịch đường tĩnh mạch, thở oxy và truyền máu (nếu cần)…
Kết luận
Viêm phúc mạc là một bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào như đau bụng dữ dội, sốt cao, hoặc buồn nôn kéo dài, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Việc duy trì thói quen vệ sinh tốt, đặc biệt là đối với những người thực hiện các thủ thuật y tế như thẩm phân phúc mạc, sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi cần thiết. Sự chăm sóc đúng đắn và kịp thời sẽ giúp bạn vượt qua những nguy cơ liên quan đến viêm phúc mạc một cách an toàn và hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.