Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm quanh khớp vai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Tổng quan chung
Khớp vai là sự hợp lại của nhiều bộ phận nên có cấu tạo khá phức tạp. Chính sự liên hợp này giúp cho khớp vai đảm nhận được tốt nhất vai trò điều khiển vùng vai, cánh tay và giúp cho nửa thân trên của cơ thể được ổn định.
Hội chứng viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp; không bao gồm tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,…
Viêm quanh khớp vai có 4 thể:
- Đau vai đơn thuần thường do bệnh lý gân.
- Đau vai cấp do lắng đọng vi tinh thể.
- Giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động được.
- Cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo – xương cánh tay.
Triệu chứng
Viêm quanh khớp vai được chia thành 4 thể lâm sàng thường gặp sau đây:
- Viêm quanh khớp vai thể thông thường: Bệnh thường phát triển sau khi vai bị chấn thương cơ học liên tiếp hoặc vận động khớp vai quá mức. Đây là tình trạng các gân ở khớp vai bị viêm gây đau nhức, tổn thương thường gặp nhất là gân cơ trên gai và bó dài gân nhị ở phần đầu cánh tay. Triệu chứng đau nhức do bệnh gây ra sẽ khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng, tình trạng này sẽ trở nên nghiệm trọng hơn khi người bệnh thực hiện cử động cánh tay.
- Viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp: Bệnh thường xảy ra do sự lắng đọng của các tinh thể canxi tại túi thanh mạc gây viêm. Lúc này người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội cả ngày lẫn đêm kèm theo sốt nhẹ, cơn đau sẽ lan dần ra toàn bộ vai, đến cổ và xuống cánh tay. Ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị mất khả năng vận động khớp vai hoàn toàn.
- Viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai: Gân cơ trên gai hoặc đầu dài gân cơ nhị đầu ở khớp vai bị đứt là nguyên nhân chính gây ra thể bệnh này. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội ở khớp vai, kèm theo tiếng kêu răng rắc, người bệnh không thể tự nâng vai lên mà phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Ở một số trường hợp còn xuất hiện vết bầm tím trên cánh tay.
- Viêm quanh khớp vai thể đông cứng: Đây là tình trạng khớp vai bị tổn thương do viêm dính bao khớp ổ chảo, gây ra các cơn đau nhức dữ dội vào ban đêm. Lúc này vai của người bệnh sẽ bị đông cứng gây hạn chế khả năng vận động, ngay khi có sự giúp đỡ từ người khác thì khả năng vận động của người bệnh vẫn không được cải thiện.
- Đông cứng (đông đặc) khớp vai: Là tình trạng hay gặp nhất của viêm quanh khớp vai. Theo đó, viêm quanh khớp vai thể đông cứng mô tả tình trạng bao khớp vai dày lên, trở nên co cứng và khiến cho khả năng vận động của khớp vai bị hạn chế. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này vô cùng đặc biệt vì trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đóng băng (kéo dài 2 – 9 tháng): Cơn đau ở khớp vai thường tăng nhiều vào ban đêm và khi người bệnh cử động. Vai cũng không còn linh hoạt như trước.
- Giai đoạn đông cứng (kéo dài 4 – 12 tháng): Cơn đau giảm dần nhưng tình trạng cứng khớp vai ngày càng tồi tệ hơn. Đồng thời, các cơ vai cũng bị teo nhẹ do ít vận động.
- Giai đoạn “tan băng” (kéo dài 5 tháng – 24 tháng): Giai đoạn đông cứng dần kết thúc. Vai dần linh hoạt trở lại.
Nguyên nhân
Tình trạng viêm quanh khớp phát chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, thường gặp ở những người trung niên (từ 50 tuổi trở lên)
- Chấn thương mạnh vào vùng vai do nghề nghiệp, thói quen hoặc khi chơi thể thao.
- Hệ quả của một số bệnh lý như viêm gân, thoái hoá, vôi hoá phần mềm,…
- Thời tiết lạnh và ẩm cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm khớp vai.
- Trong một số trường hợp, viêm khớp quanh vai có thể xuất hiện nhưng không rõ nguyên nhân.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường gặp ở các đối tượng sau:
- Độ tuổi: Bệnh hay gặp ở người 40-60 tuổi.
- Giới tính: Thường gặp nam nhiều hơn nữ.
- Nghề nghiệp: Người lao động chân tay, giáo viên, tài xế…. thực hiện các động tác lao động, sinh hoạt với tư thể dang tay và đưa tay lên cao quá đầu, khép tay kéo dài gây nên các vi chấn thương liên tiếp. Vận động viên và người chơi tennis, chơi golf, ném, xách các vật nặng gây căng giãn gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài .
- Tiền sử có chấn thương vùng khớp vai, phẫu thuật vùng khớp vai và các xương liên quan đến khớp vai.
- Những người bất động khớp vai một thời gian dài như sau đột quỵ não, giai đoạn phục hồi sau các bệnh nặng, bất động do gãy xương cánh tay….
- Người bị mắc một số bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh ở phổi và lồng ngực, đột quỵ não, cơn đau thắt ngực.
Chẩn đoán
Một trong những thông tin cần thiết đầu tiên để hoàn thiện bệnh án viêm quanh khớp vai đó là lịch sử y tế, nghề nghiệp và sở thích. Những thông tin này giúp bác sĩ phần nào đánh giá và khoanh vùng được nguy cơ liên quan đến viêm quanh khớp vai trước khi tiến hành các bước chẩn đoán cụ thể.
- Kiểm tra chức năng vai: Bác sĩ xương khớp có thể chẩn đoán viêm khớp nói chung và viêm quanh khớp vai nói riêng thông qua việc kiểm tra phản ứng đau (dùng dụng cụ chuyên dụng gõ vào khớp vai); sức mạnh cơ bắp và phạm vi chuyển động của khớp vai. Thế nhưng, cách chẩn đoán này chỉ dừng lại ở việc đánh giá tình trạng bệnh lý, không thể “bóc trần” tác nhân gây viêm quanh khớp vai.
- X-quang: Chụp X- quang không phản ánh tình trạng viêm khớp vai, nhưng hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây đau vai có phải do tổn thương xương hoặc viêm khớp không.
- Quét MRI: Hình ảnh thu được từ kỹ thuật quét MRI cho thấy chi tiết tình trạng viêm khớp vai và tất cả những tổn thương xảy ra ở xương cũng như mô xung quanh khớp vai. Đây là công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay, cho phép bác sĩ xác định nhanh chóng nguyên nhân viêm quanh khớp vai.
- Xét nghiệm dịch khớp: Xét nghiệm chất dịch ở khớp vai sẽ giúp bác sĩ loại trừ nguy cơ nhiễm trùng. Dựa vào sự thay đổi màu sắc và đặc tính của dịch khớp, bác sĩ cũng có thể đánh giá được mức độ viêm của khớp (màu dịch càng nhạt và độ nhớt càng kém thì tình trạng viêm khớp càng nặng).
Sau khi tìm ra căn nguyên bệnh lý và xác định cụ thể vị trí tổn thương, bác sĩ sẽ hướng dẫn kế hoạch điều trị viêm quanh khớp vai phù hợp với từng bệnh nhân. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, mỗi người sẽ có hướng chữa trị khác nhau.
Phòng ngừa bệnh
Để giảm tác động, áp lực lên khớp vai góp phần ngăn chặn viêm quanh khớp vai, người bệnh cần lưu ý:
- Tránh làm việc quá sức, mang vác nặng;
- Thận trọng trong những sinh hoạt hàng ngày để tránh chấn thương khớp vai;
- Không thay đổi tư thế vai đột ngột, làm nóng và co duỗi vai trước khi vận động;
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau những công việc sử dụng vai trong thời gian dài, tránh tác động chèn ép vai;
- Phát hiện sớm các thể viêm khớp vai thông qua triệu chứng được nêu trên để có hướng điều trị kịp thời và đúng cách.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung trong điều trị viêm quanh khớp vai là gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Trong đó, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau trong điều trị như nội khoa, phục hồi chức năng, ngoại khoa. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa có thể cần dùng một vài hoặc tất cả các loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau thông thường: Cần sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới, chọn 1 trong các thuốc sau: acetaminophen; acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol.
- Thuốc chống viêm không steroid: Có thể dùng một trong các thuốc sau: Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib.
- Tiêm corticoid tại chỗ (áp dụng với thể viêm khớp vai đơn thuần): Thuốc tiêm tại chỗ corticoid thường sử dụng là các muối của corticoid như betamethasone dipropionate, methylprednisolone acetate, betamethasone sodium phosphate. Chỉ tiêm 1 lần duy nhất, thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Sau 3-6 tháng có thể chỉ định tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân bị đau trở lại.
- Tránh tiêm ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa vì có thể dẫn đến hoại tử gân và đứt gân hoàn toàn.
- Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm như: Glucosamin sulfat, Diacerein (Có thể duy trì 3 tháng).
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân: Phương pháp tiêm này áp dụng cho các thể có đứt các gân cơ chóp xoay bán phần do chấn thương với bệnh nhân < 60 tuổi.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý: Trong giai đoạn viêm cấp tính, bệnh nhân cần để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị giảm viêm cấp thì có thể bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.
- Đồng thời, tránh lao động quá mức trong một thời gian dài, hạn chế các động tác mạnh hay đột ngột dang vai hay xoay vai quá mức.
- Nội soi ổ khớp lấy các tinh thể calci lắng đọng: Phương pháp này áp dụng cho các thể đứt gân.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật chỉ định với thể giả liệt, nhất là ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do bị chấn thương. Phẫu thuật sẽ nối gân bị đứt, nếu thực hiện ở người lớn tuổi (> 60 tuổi) bị đứt gân do thoái hóa thì cần thận trọng.
Sau khi phẫu thuật, cần tái khám định kỳ sau 1-3 tháng tùy tình trạng bệnh để theo dõi, kiểm tra tình trạng gân, bao gân và cả khớp vai.
Ngoài ra, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sẽ thực hiện kết hợp để tăng hiệu quả điều trị bệnh.