Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm ruột do Giardia: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Ẩn náu trong “thế giới ngầm” đường tiêu hóa, Giardia lamblia – một loại ký sinh trùng đơn bào – âm thầm gieo rắc căn bệnh viêm đường ruột, mang đến cho con người những triệu chứng dai dẳng và khó chịu.
Giardia lamblia, kẻ thù bé nhỏ nhưng đầy nguy hiểm, thường xâm nhập vào cơ thể qua nguồn nước và thực phẩm bẩn. Một khi “an cư lạc nghiệp” trong ruột, Giardia lamblia sẽ bám víu vào thành ruột, “ăn chặn” dưỡng chất thiết yếu, khiến cơ thể suy yếu và dẫn đến hàng loạt vấn đề tiêu hóa.
Tổng quan chung
Giardia lamblia (G.Intestinalis và G.Duodenalis) là một loại sinh vật đơn bào, thuộc lớp trùng roi (Trichomonas) là một trong số 6 lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), chúng kí sinh ở phần đầu ruột non. Sức đề kháng của Giardia lamblia khá tốt, xử lý nước bằng Clo hoặc ozon ở nồng độ thông thường sẽ không diệt được loại nha bào, tuy nhiên chúng có thể dễ dàng bị tiêu diệt khi đun sôi.
Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia là một dạng bệnh nhiễm trùng đường ruột do bệnh nhân bị nhiễm Giardia lamblia. Tại Mỹ, bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia được ghi nhận là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến nhất, đặc biệt tại tiểu bang Oklahoma có đến hơn hai trăm trường hợp bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia được báo cáo mỗi năm.
Tỷ lệ xét nghiệm thấy có ký sinh trùng trong phân dao động từ 1- 30% tuỳ cộng đồng và nhóm tuổi. Ở một số nước Âu, Mỹ (Anh, Mexico, Mỹ), bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc lứa tuổi 25 – 39 và thường tăng cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm Giardia lamblia ở trẻ em khoảng 15%, ở người lớn khoảng 1-10%.
Triệu chứng
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Giardia lamblia cần từ 1 đến 3 tuần để ủ bệnh. Bệnh khởi phát có thể từ từ hoặc cấp tính, mang đến cho người bệnh những triệu chứng tiêu hóa khó chịu như tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, sụt cân,…
Giai đoạn cấp tính của bệnh thường chỉ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Tuy bệnh có thể tự khỏi, nhưng người bệnh vẫn tiếp tục thải kén Giardia ra ngoài môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Ở một số trường hợp khác thì bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia có thể trở thành mãn tính và tiến triển trong nhiều năm. Cả hai trường hợp cấp tính và mãn tính thì tình trạng của bệnh đều diễn ra từ nhẹ tới nặng.
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng:
- Phân nát và nhiều, đi tiểu một lần/ngày.
- Số lần đi ngoài nhiều hơn, phân lỏng hơn. Phân có thể chứa nhầy nhưng thường không có máu và mủ.
- Phân của người bệnh thường có bọt, nặng mùi, và nhờn.
- Sụt cân và mệt mỏi.
- Trẻ em chậm lớn và chậm phát triển.
- Cảm thấy chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác khó chịu hoặc đau vùng thượng vị, ợ, đầy hơi và trướng bụng.
- Một số trường hợp ít gặp hơn là sốt nhẹ, đau đầu, nổi mụn sẩn, đau khớp, đau cơ,…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn Giardia, một trong số đó là:
- Tiếp xúc với những người đang bị nhiễm bệnh;
- Ăn thức ăn sống hoặc chưa nấu chín, uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng dẫn đến bệnh nhiễm Giardia;
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn một cách không an toàn.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia có thể bị nhiễm ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh trẻ em thường cao hơn người lớn.
Bệnh được ghi nhận nhiều nhất ở bệnh viện, nhà tù, trường học và đặc biệt là trường mầm non.
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm Giardia bao gồm:
- Trẻ em: Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và thường xuyên tiếp xúc với đất và nước.
- Người sống trong điều kiện vệ sinh kém: Thiếu nước sạch và hệ thống xử lý nước thải.
- Du khách và người đi du lịch: Đặc biệt khi đi đến các khu vực có điều kiện vệ sinh kém và nước uống không đảm bảo.
- Người làm việc trong ngành chế biến thực phẩm: Dễ tiếp xúc với thực phẩm và nước bị nhiễm ký sinh trùng.
Chẩn đoán
Thông thường bệnh nhân sẽ được chẩn đoán xác định bằng các phương pháp như soi phân, dịch hút tá tràng hoặc niêm mạc ruột non. Nếu kết quả sinh thiết thấy nang trùng hoặc thể tư dưỡng của ký sinh trùng thì có thể xác định bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia.
- Xét nghiệm kháng nguyên trong phân bằng phương pháp ELISA tìm kháng thể IgG, IgM giúp chẩn đoán bệnh.
- Chụp X quang ruột non thấy bình thường ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ, nhưng ở những bệnh nhân có các triệu chứng nặng có thể cho thấy các dấu không đặc hiệu như kéo dài thời gian vận chuyển, biến đổi nhu động ruột, dày nếp niêm mạc, đứt đoạn baryte.
Bên cạnh đó, để chắc chắn cho kết quả thăm khám, bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự như Lỵ amip, viêm đại tràng mạn để có được kết quả chính xác nhất.
Phòng ngừa bệnh
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện các biện pháp phòng chống chung như phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa
- Vệ sinh phòng bệnh:
- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi cầu hoặc sau khi dọn vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi
- Cung cấp nước sạch, tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước, tiến hành lọc các nguồn nước nhiễm phân người hoặc súc vật.
- Sử dụng hố xí, xử lí phân trẻ hợp vệ sinh.
- Quản lý người lành mang trùng: Định kỳ kiểm tra, xét nghiệm phân của người nhà, người tiếp xúc, người chế biến thực phẩm, thức ăn ở các nhà trẻ, nhà hàng nếu phát hiện có nang trùng hoặc ký sinh trùng thì tổ chức cách ly, điều trị ngay. Nếu cần cho chuyển nghề.
- Xử lý môi trường: Chú ý xử lý sát khuẩn, tẩy uế nguồn phân.
Điều trị như thế nào
Điều trị viêm ruột do Giardia thường bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Metronidazole, tinidazole và nitazoxanide là những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiễm Giardia. Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc sẽ do bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
- Bù nước và điện giải: Do tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước và điện giải, cần cung cấp đủ nước và các chất điện giải cho cơ thể.
- Điều trị triệu chứng: Sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt và chống nôn để giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
Viêm ruột do Giardia là một bệnh lý nhiễm trùng ruột non phổ biến có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về bệnh, từ các triệu chứng, nguyên nhân, đến các biện pháp phòng ngừa và điều trị, sẽ giúp bạn và gia đình bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ nhiễm Giardia, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe chủ động và duy trì vệ sinh cá nhân là những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa bệnh viêm ruột do Giardia và các bệnh ký sinh trùng khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.