Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm túi thừa đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị viêm túi thừa đại tràng
Viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý hay gặp và có triệu chứng bệnh không rõ ràng. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như viêm phúc mạc, xuất huyết, thủng túi thừa, rò các cơ quan lân cận,… Vì vậy, người bệnh cần phát hiện và điều trị bệnh sớm, hiệu quả để tránh được những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Tổng quan chung
Viêm túi thừa là gì?
Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi nhỏ phát triển trong thành của đại tràng. Viêm túi thừa là tình trạng khi có một hoặc nhiều túi thừa viêm. Khi túi thừa đại tràng bị nhiễm khuẩn, có thể gây ra viêm túi thừa, có thể bị viêm ở trong hay quanh túi thừa.
Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt, lâu dần đóng chắc lại thành cục đá phân (fecalith), làm nghẹt lòng túi thừa và ép vách túi thừa, làm vi trùng (thường xuyên rất nhiều trong phân ở đại tràng) phát triển mạnh trong túi thừa gây nên viêm túi thừa.
Triệu chứng
Đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có triệu chứng lâm sàng. Số ít có triệu chứng đau bụng (thường ở vùng bụng dưới bên trái), kèm cảm giác trướng bụng, đầy hơi, rối loạn đại tiện (thường là táo bón, đôi khi phân lỏng hoặc phân có máu).
Khi túi thừa bị viêm, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng sau:
- Đau đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái, đau bụng có thể nhẹ lúc đầu và diễn tiến nặng hơn trong vài ngày;
- Thay đổi thói quen đi tiêu, thường đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón;
- Chán ăn, buồn nôn và nôn ói;
- Sốt, thậm chí sốt cao, rét run;
- Trướng bụng, đầy hơi;
- Chảy máu từ trực tràng (ít gặp);
- Đau rát khi đi tiểu;
- Khí hư bất thường.
Trong trường hợp viêm túi thừa nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp viêm túi thừa đại tràng nặng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt trên 38°C.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính làm cho túi thừa bị viêm, nhiễm khuẩn vẫn chưa được hiểu rõ. Một số giả thuyết cho rằng áp lực tăng trong đại tràng có thể làm suy yếu thành của túi thừa, dẫn đến nhiễm trùng viêm túi thừa đại tràng.
Một số giả thuyết khác lại cho rằng các lỗ hẹp của túi thừa là nơi phân ứ đọng lại, có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc tình trạng tắc nghẽn miệng túi làm giảm lượng máu nuôi, dẫn đến tình trạng viêm.
Yếu tố nguy cơ
Một vài yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa gồm:
- Tuổi tác: Viêm túi thừa thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Nó không xảy ra thường xuyên với những người dưới 30 tuổi. Tỷ lệ viêm túi thừa gia tăng theo tuổi tác. Đàn ông có nguy cơ mắc viêm túi thừa cao hơn phụ nữ.
- Béo phì: Thừa cân nghiêm trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa
- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị viêm túi thừa hơn những người không hút thuốc
- Thiếu vận động: Tập thể dục mạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa.
- Chế độ ăn ít chất xơ: Một chế độ ăn ít chất xơ sẽ khiến nguy cơ mắc viêm túi thừa cao hơn và đó là lý do vì sao các nước phương Tây và Mỹ là những quốc gia có tỷ lệ viêm túi thừa cao nhất thế giới bởi chế độ ăn uống ít chất xơ và giàu chất béo động vật.
- Một số loại thuốc: Các loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, bao gồm steroid, opioids và thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil, Motrin IB, others) và naproxen sodium (Aleve).
Ngoài ra, các yếu tố như béo phì, thừa cân và lười vận động, hút thuốc cũng khiến nguy cơ bị viêm túi thừa tăng cao.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng
- Dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng (phát hiện đau ở hố chậu trái);
- Xét nghiệm máu để phát hiện bạch cầu tăng – dấu hiệu cho thấy có hiện tượng nhiễm trùng;
- Chụp X-quang đại tràng: Xác định mức độ lan rộng của bệnh;
- Chụp CT: Phân biệt túi thừa viêm hoặc nhiễm trùng;
- Nội soi đại tràng bằng ống mềm thực hiện qua ngã hậu môn: Quan sát mặt trong của đại tràng, cung cấp thông tin bổ sung cho chẩn đoán và điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Túi thừa một khi hình thành sẽ tồn tại vĩnh viễn. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị để phòng ngừa biến chứng của bệnh túi thừa. Tuy nhiên, chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp nhuận tràng, phòng tránh táo bón, từ đó ngăn các triệu chứng bệnh túi thừa. Chưa có bằng chứng nào chứng minh các loại hạt gây ra viêm túi thừa, tuy nhiên, hãy lắng nghe cơ thể mình, ăn chất xơ thay cho nguồn dinh dưỡng từ các loại hạt nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng. Uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.
Điều trị như thế nào?
Điều trị viêm túi thừa đại tràng chủ yếu là điều trị nhiễm khuẩn, cho đại tràng nghỉ ngơi và giảm tối đa biến chứng. Cụ thể là:
Với bệnh viêm túi thừa nhẹ, không có biến chứng
- Điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và chống co thắt theo chỉ định của bác sĩ;
- Để đại tràng nghỉ ngơi bằng cách bệnh nhân nhịn ăn hoặc ăn ít trong vài ngày, sau đó dùng thức ăn lỏng, nhiều chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ) cho tới khi hết đau hẳn.
Với bệnh viêm túi thừa nặng, thường xuyên tái phát
Nếu viêm túi thừa đại tràng nặng, cơn đau nhiều, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại viện:
- Truyền nước, kháng sinh vào tĩnh mạch và theo dõi diễn tiến, biến chứng của bệnh;
- Nếu không giảm bệnh sau 3 ngày dùng kháng sinh, bị viêm ruột, có túi mủ, viêm phúc mạc thì cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng có túi thừa bị viêm. Có 2 loại phẫu thuật là cắt ruột một thì và cắt ruột hai thì + làm hậu môn nhân tạo. Với cắt ruột một thì, bác sĩ sẽ cắt phần ruột chứa túi thừa, sau đó nối lại các đoạn ruột già không bị viêm, cho phép nhu động ruột bình thường. Còn cắt ruột 2 thì và làm hậu môn nhân tạo được chỉ định cho bệnh nhân viêm đại tràng nặng, bác sĩ không thể nối đại tràng và trực tràng trong lần mổ đầu tiên. Khi phẫu thuật bác sĩ sẽ mở một lỗ trên thành bụng, nối ruột già vào đó để đưa chất thải ra ngoài. Sau vài tháng, khi tình trạng viêm đã lành, bác sĩ sẽ phẫu thuật lần 2 để nối lại phần ruột đã cắt.
Nhìn chung, viêm túi thừa là bệnh lý cần được điều trị sớm nhưng số đông trường hợp mắc bệnh lại không có triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện. Vì thế, giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh lý này chính là khám sức khỏe định kỳ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.