Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì? Những điều cần biết về viêm tuyến giáp Hashimoto
Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm mạn tính tự miễn của tuyến giáp với thâm nhiễm tế bào lympho. Tuy bệnh không đau nhưng Khi bị viêm tuyến giáp Hashimoto sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường. Cùng tìm hiểu về bệnh Viêm tuyến giáp Hashimoto qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Viêm giáp Hashimoto là tình trạng rối loạn tự miễn dịch gây suy giáp mạn tính. Viêm giáp Hashimoto có thể diễn biến thầm lặng, người bệnh không có biểu hiện trong nhiều năm, chỉ phát hiện ra khi tuyến giáp to hoặc chỉ số xét nghiệm máu bất thường. Tại Mỹ, viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân chủ yếu gây suy giáp.
Bệnh này được đặt theo tên của tiến sĩ Hakaru Hashimoto – người đã tìm ra bệnh vào năm 1912. Các tên khác của bệnh viêm giáp Hashimoto bao gồm:
- Viêm giáp tự miễn mạn tính.
- Viêm giáp lympho bào mạn tính.
Triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm, qua nhiều năm sẽ dẫn đến suy giáp. Khi nhận ra các dấu hiệu của bệnh, đa số các bệnh nhân đã đi vào tình trạng suy giáp. Vì thế, các dấu hiệu nhận biết bệnh chủ yếu là từ suy giáp mà ra:
- Mệt mỏi ở cường độ mạnh, sợ lạnh, táo bón nặng
- Da khô, tái nhợt, mặt phù tròn, khàn giọng
- Tăng cân không rõ lý do mặc dù chán ăn
- Đau cơ, cứng cơ ở vị trí vai và đùi
- Đối với nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh
- Trầm cảm, buồn ngủ
- Đặc biệt, tuyến giáp thường bị to hoặc bị teo nhỏ lại
- Trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp lại
Nguyên nhân viêm tuyến giáp Hashimoto
Nguyên nhân viêm tuyến giáp Hashimoto là do hệ miễn dịch sản xuất ra các kháng thể tấn công, gây viêm và phá hủy tế bào tuyến giáp của người bệnh. Theo thời gian, tế bào tuyến giáp bị phá hủy (chết) quá nhiều, số lượng tế bào tuyến giáp còn lại quá ít, không sản xuất ra đủ lượng hormon giáp để đáp ứng được nhu cầu sinh lý bình thường của cơ thể. Lúc này, người bệnh sẽ suy giáp vĩnh viễn với nhiều biểu hiện trên lâm sàng. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh viêm giáp Hashimoto cũng suy giáp.
Đối tượng nguy cơ bị mắc viêm tuyến giáp Hashimoto
Những đối tượng có yếu tố tăng nguy cơ phát triển bệnh Hashimoto bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Nếu ông bà, cha mẹ trước đó bị viêm giáp Hashimoto thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto cao gấp 10 lần nam giới.
- Tuổi tác: Nguy cơ phát triển bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto và các bệnh tuyến giáp khác tăng lên khi tuổi cao.
Bệnh Hashimoto có nguy cơ xảy ra ở đối tượng mắc các tình trạng tự miễn dịch khác như:
- Lupus.
- Bệnh Celiac.
- Bệnh Addison.
- Thiếu máu ác tính.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Hội chứng Sjogren.
- Tiểu đường type 1.
Chẩn đoán viêm tuyến giáp Hashimoto
Ngoài việc dựa vào các dấu hiệu bệnh đã nêu ra ở trên, các bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp xét nghiệm máu để đo lường nồng độ hormon tuyến giáp và hormon kích thích tuyến giáp để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh:
- Xét nghiệm hormone
Chủ yếu là đo nồng độ hormon được sản xuất bởi tuyến giáp. Nếu tuyến giáp kém hoạt động thì nồng độ sẽ thấp và ngược lại.
- Xét nghiệm kháng thể
Vì viêm tuyến giáp là một bệnh tự miễn nên nó liên quan đến sự sản xuất của các kháng thể, như kháng thể peroxidase tuyến giáp. Qua đó, bác sĩ cũng phần nào biết được tuyến giáp của bệnh nhân đang ở trạng thái như thế nào.
- Siêu âm tuyến giáp
Đây là xét nghiệm về hình ảnh học gợi ý trong chẩn đoán bệnh viêm giáp Hashimoto. Tuy nhiên, siêu âm không có chức năng khẳng định chẩn đoán viêm giáp Hashimoto.
Phòng ngừa bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn nên không có biện pháp để phòng ngừa.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm giáp Hashimoto, bạn nên hỏi bác sĩ về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, nhất là việc sử dụng iod và các sản phẩm có chứa iod.
Người bị viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh tuyến giáp tự miễn khác, khi ăn thực phẩm có chứa lượng iod lớn có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Phụ nữ đang mang thai cần bổ sung đủ iod vì em bé cần nhận được iod từ chế độ ăn uống của người mẹ. Nhưng quá nhiều iod có thể gây ra vấn đề. Do đó hãy hỏi bác sĩ của bạn.
Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto như thế nào?
- Điều trị chủ yếu là sử dụng hormone thay thế với L.Thyroxin liều trung bình: 80 – 100ug/ngày, uống ngày 1 lần, nhằm ức chế TSH và điều chỉnh sự suy giáp.
- Không nên dùng T3 vì thuốc có tác dụng mạnh, có thể làm người bệnh khó chịu và phải uống 2 lần/ngày.
- Về phẫu thuật: rất hiếm khi có chỉ định.
- Điều trị bằng Corticoid không hiệu quả trên diễn tiến tự miễn của viêm giáp Hashimoto. Thuốc sẽ được bác sỹ cân nhắc chỉ định trong một số ít trường hợp bệnh nhân có biểu hiện viêm rõ.
Bệnh viêm tuyến giáp là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát, điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết trên mang lại các thông tin hữu ích về bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto để bạn đọc có thêm nhiều kiến thức.