Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm xương hàm là gì? Những điều cần biết về viêm xương hàm
Viêm xương hàm là tình trạng các khớp xương bị rối loạn, về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như mặt mất cân đối, đau đầu, ù tai,…hoặc nguy hiểm hơn là giãn khớp. Vậy dấu hiệu của bệnh viêm xương hàm là gì và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm xương hàm là gì?
Viêm xương hàm là một bệnh lý xảy ra khi có sự bất ổn ở khu vực khớp hàm cũng như các khớp cơ ở khu vực xung quanh. Không chỉ dẫn đến tình trạng đau hàm thường xuyên mà nó còn khiến cho các cơ bị co thắt, xương sọ và xương hàm mất đi sự cân bằng.
Viêm xương hàm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi nói chuyện và nhai nuốt thức ăn.
Triệu chứng viêm xương hàm
Các triệu chứng của bệnh viêm xương hàm thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về răng miệng như sưng nướu, đau răng… Vì vậy, cần phân biệt rõ ràng các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh này để có thể điều trị càng nhanh càng tốt.
- Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp hàm là đau và sưng tấy ở một hoặc cả hai bên mặt.
- Giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ và có thể dùng thuốc giảm đau nhưng khi bệnh tiến triển, cơn đau tăng dần.
- Cơn đau có xu hướng lan xuống hàm và quanh tai. Lúc này người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đóng mở hàm, ăn uống,…
Ngoài các triệu chứng thông thường nêu trên, bệnh nhân còn có thể nhận thấy các triệu chứng khác như:
- Mỏi cổ
- Đau tai
- Chóng mặt
- Sưng hạch
- Phì đại cơ nhai
Nếu có các triệu chứng như vậy, bạn nên nên đi khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Chấn thương xương hàm hoặc khớp thái dương hàm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh này. Bên cạnh đó còn có một số tình trạng bệnh lý khác như:
- Biến chứng của mọc răng: Thời kỳ mọc răng sẽ có sự tráo trộn của xương hàm, chân răng lúc này còn non nên có nhiều khe kẽ để vi khuẩn có thể xâm nhập. Đặc biệt, khi răng khôn mọc lệch gây lợi trùm làm cho răng bị giắt thức ăn, cộng với xỉa răng dẫn đến viêm.
- Do sâu răng: Sâu răng để lâu sẽ dẫn đến viêm tủy, viêm quanh cuống, viêm phần mềm hoặc viêm xương. Môi trường hoại tử rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, lan qua các lỗ cuống răng gây viêm xương hàm và phần mềm. Các răng sữa mới mọc ít gây viêm phần mềm mà chỉ gây abces dưới màng xương vì chân răng ngắn.
- Các chấn thương hàm mặt: vết thương ở phần mềm, gãy hở có mảnh vụn, gãy qua chân răng,…đều có thể làm xương hàm bị viêm.
- Do các khối u: Nhiễm khuẩn từ các khối u lành tính, ác tính, đặc biệt là khối u có liên quan đến xương hàm thì nguy cơ xương hàm bị viêm là rất cao.
- Nhiễm khuẩn: Bệnh xương hàm bị viêm có thể do nhiễm khuẩn qua da, niêm mạc, nhiễm khuẩn huyết,…
- Do bị lão hóa: Khi tuổi càng cao thì sự lão hóa xương càng nhanh, dẫn đến các khớp bị mài mòn.
- Một số tác nhân khác như: bệnh sởi, cúm, lao, giang mai,…
Ngoài ra, còn có một số thói quen xấu dễ gây ra tình trạng viêm xương hàm như:
- Thói quen nghiến răng sẽ gây ra áp lực lớn và liên tục lên khớp thái dương hàm, từ đó khiến hàm bị lệch.
- Khi ăn hay nhai một bên hoặc hay ăn những thực phẩm cứng, khó nhai
- Stress dẫn đến phản xạ co cơ hàm không tự chủ tạo thói quen nghiến răng khi ngủ….
Đối tượng nguy cơ
Vì là bệnh liên quan đến răng, mà bệnh có thể phát sinh từ bé nên bệnh viêm xương hàm có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Đặc biệt là nữ giới ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh thì sẽ có nguy cơ bị đau xương hàm nhiều hơn.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
Dưới đây là một số biểu hiện lâm sàng của viêm xương hàm mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường:
- Má bị sưng tấy và đỏ
- Răng sâu, tủy bị hoại tử gây đau nhức
- Da ở vùng xung quanh bị thâm đỏ và có thể có mủ rỉ ra từ khu vực sưng
- Có thể có dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao
Chẩn đoán cận lâm sàng
Bên cạnh các chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ cũng có thể sẽ thực hiện thêm các biện pháp khác để kiểm tra kỹ tình trạng xương khớp hơn:
- Chụp X-Quang: Xác định nguyên nhân gây viêm hàm
- Xét nghiệm máu trước khi phẫu thuật: Kiểm tra độ tăng bạch cầu trong máu
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế tối đa việc mắc các bệnh lý liên quan tới xương hàm, đặc biệt là viêm xương hàm, bạn nên:
- Ưu tiên những loại thức ăn mềm, dễ nhai để không gây áp lực tới cơ hàm.
- Hạn chế nhai một bên để tránh tình trạng xương hàm bị lệch.
- Loại bỏ hoàn toàn những thói quen xấu có thể tác động tới xương hàm như: Nghiến lợi, nghiến răng,…
- Dành ra 10 – 15 phút mỗi ngày để xoa bóp, massage vùng dưới cằm.
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng, áp lực, lo âu,…
- Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, sử dụng kem đánh răng kết hợp với chỉ nha khoa, nước súc miệng, tăm nước….để đạt hiệu quả cao
- Thăm khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.
Trong trường hợp bị viêm xương hàm, bạn không nên tự áp dụng những phương pháp dân gian hay mua thuốc điều trị tại nhà. Điều này sẽ làm bệnh tình diễn biến nặng hơn. Thay vào đó, bạn hãy nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Điều trị như thế nào?
Điều trị dùng thuốc
Sử dụng thuốc tây là một trong những biện pháp hiệu quả để điều trị và ngăn ngừa viêm xương hàm. Những thành phần trong thuốc sẽ có tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng sưng ở xương hàm. Ngoài ra, trong thuốc còn chứa những thành phần có tác dụng kháng viêm và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân là:
- Sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, diclofenac, mobic,…..
- Thuốc kháng viêm corticosteroid dùng dạng tiêm có thể hạn chế tình trạng đau cơ,viêm khớp.
- Thuốc giãn cơ: sử dụng trong vài ngày hoặc vài tuần.
- Thuốc chống trầm cảm nortriptyline, amitriptylin,…dùng trước khi đi ngủ để giảm đau cho một số bệnh nhân.
- Botulinum:được tiêm vào các cơ hàm nhằm giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm.
Điều trị không dùng thuốc
- Phẫu thuật: đây được xem là phương pháp chữa trị cuối cùng khi điều trị bằng các phương pháp khác không đạt hiệu quả. Mục đích của việc can thiệp là giúp người bệnh sửa chữa hay thay thế các phần khớp bị tổn thương nhằm điều trị bệnh.
- Điều trị nha khoa: mài điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, phục hình răng bị mất, hay thay chất trám nếu cần thiết.Khi điều trị bằng phương pháp này bệnh nhân cần phải chịu đựng một số cơn đau nhức, khó chịu.
- Chọc rửa khớp: nhằm loại bỏ những mảnh vụn hoặc những sản phẩm phụ viêm.
- Ngoài ra người bệnh còn có thể giảm thiểu tổn thương của bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt như không ăn thức ăn cứng hoặc dai, tránh nghiến răng, cắn móng tay, chống cằm, hạn chế stress,…
Bệnh viêm xương hàm là một căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm khó lường nên bất kì ai cũng phải đề phòng các triệu chứng của căn bệnh này. Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh,người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.