Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm xương là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm xương là tình trạng xương dày hơn hoặc sưng lên, dẫn đến biến dạng xương. Khi xương bắt đầu thay đổi hình dạng, nó sẽ gây đau khi người bệnh thay đổi vị trí chịu lực hoặc tăng áp lực đối với các cấu trúc bên trong cơ thể.
Viêm xương là gì?
Tùy vị trí tổn thương mà viêm xương có thể chia thành: Viêm màng xương, viêm xương tủy, viêm xương khớp
- Viêm màng xương là tình trạng viêm đến phần màng của xương chưa lan đến phần tủy xương thường do nguyên nhân chấn thương, hoặc vi khuẩn đi theo đường máu từ một ổ viêm nhiễm nào đó trong cơ thể.
- Viêm xương tủy xương là bệnh nhiễm trùng xương, tuỷ xương. Thường do nguyên nhân chấn thương đặc biệt gãy xương hở, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi, thường viêm các xương dài, vi khuẩn đi theo đường máu đến tủy xương gây tình trạng viêm xương
- Viêm xương khớp hay còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp: Thoái hóa xương khớp là hình thức phổ biến nhất của viêm khớp. Viêm xương khớp xảy ra khi sụn ở khớp xương giảm theo thời gian. Thường gặp ở người già. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, duy trì vận động
Triệu chứng
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm xương là:
- Đau và tê ngày càng tăng;
- Đau ở một hoặc cả hai bên;
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi tập thể dục hoặc gập bụng, chạy và đá banh;
- Đau khi chạm vào xương;
- Đau khi di chuyển;
- Đau ở mặt trước của hông và vùng bụng dưới;
- Đi khập khiễng.
Ngoài ra, bệnh viêm xương còn có thể gây sưng xương khớp, cứng khớp và các triệu chứng điển hình của viêm khác như nóng, sốt.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân
- Chấn thương: Là nguyên nhân chủ yếu, vi khuẩn đi từ bên ngoài qua vết thương vào đến xương gây ra tình trạng viêm. Các vi khuẩn thường gặp: Tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gram âm,…
- Do ổ viêm ở gần đó lan vào (sâu răng hay viêm màng xương hàm, viêm tủy xương lan ra màng xương).
- Đường máu: Viêm đi theo đường máu vi khuẩn có thể từ một ổ nhiễm khuẩn nào đó trong cơ thể như viêm bể thận, lao, viêm màng xương trong bệnh thương hàn.
- Một số nguyên nhân khác gây bệnh viêm xương bao gồm:
- Loạn sản sợi đa xương
- Loạn sản sợi đơn xương Jaffe-Lichtenstein
- Hội chứng SAPHO
- Bệnh Paget xương
- Viêm xương xơ nang
- Viêm xương lắng đọng.
- Do thoái hóa gặp ở người cao tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam
Đối tượng nguy cơ
- Tiền sử chấn thương xương đặc biệt vết thương hở.
- Viêm nhiễm tại các cơ quan dẫn đến vi khuẩn đi theo đường máu đến xương khớp đặc biệt nhiễm liên cầu beta tan huyết.
- Lao động nặng, gánh sức, hoạt động thể thao: Vận động viên marathon và bóng đá.
- Quá trình lão hóa, phụ nữ sau mãn kinh nguy cơ viêm xương khớp.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể nhiều hơn dễ dẫn đến viêm xương khớp .
- Các bệnh: Viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, bệnh Paget xương hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm xương, bác sĩ chuyên khoa xương khớp sẽ thăm khám lâm sàng và tiến hành một số xét nghiệm hình ảnh như: X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.
- Chụp X-quang: Giúp phát hiện sưng nề phần mềm, dấu hiệu phản ứng màng xương, các biến đổi về cấu trúc xương bên trong.
- Siêu âm: Giúp phát hiện sưng nề phần mềm, đặc biệt các áp-xe.
- Chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ: Có thể giúp chẩn đoán những tổn thương xương, thấy được các thay đổi của phần mềm do phản ứng viêm, nhất là ở vị trí khó chẩn đoán.
- Xét nghiệm máu, nuôi cấy máu, mủ: Phản ứng viêm thường làm tốc độ lắng hồng cầu cao hơn chỉ số bình thường. Do đó, xét nghiệm máu sẽ cho phép bác sĩ biết chính xác cơ thể bạn có tồn tại yếu tố gây viêm xương hay không. Ngoài ra, xét nghiệm máu, mủ còn giúp kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn gây hại.
Phòng ngừa bệnh
Giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng sẽ làm giảm nguy cơ phát triển viêm xương. Nói chung, biện pháp phòng ngừa là tránh các vết cắt và vết xước. Nếu có bất kỳ vết cắt và vết xước, hãy rửa sạch khu vực này ngay lập tức và áp lên đó một miếng băng sạch. Thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng ở vết thương.
Điều trị như thế nào?
Tùy từng thể lâm sàng mà có phương thức điều trị khác nhau. Việc điều trị bệnh viêm xương tập trung vào việc ngăn chặn bệnh diễn tiến thành mạn tính. Bệnh viêm xương không dễ dàng điều trị và thường kéo dài từ sáu tháng đến hai năm.
Một số phương pháp điều trị bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Giúp giảm áp lực lên xương. Nghỉ ngơi sẽ giúp tránh gây thêm hư hại hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm xương. Thời gian nghỉ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thời gian phục hồi cho giai đoạn bán cấp có thể từ ba ngày đến ba tuần và giai đoạn mạn tính có thể từ ba tuần đến hai năm. Tránh các hoạt động nặng, gánh sức,…
- Trị liệu bằng nước đá: Có thể dùng nước đá vào vùng bị ảnh hưởng trong khoảng 10 đến 15 phút mỗi hai đến ba giờ trong ngày.
- Nhiệt trị liệu: Thường được thực hiện trong giai đoạn bán cấp, bạn có thể tắm nước nóng từ ba ngày đến ba tuần tùy thuộc vào nhu cầu.
- Thuốc: Các thuốc giảm đau như paracetamol hay chống viêm không steroid như: Ibuprofen, diclofenac, aspirin, naproxen có thể giúp giảm đau và khó chịu. Cân nhắc tiêm steroid trong trường hợp đau nhiều,…
- Nâng cao thể trạng
- Nếu do nguyên nhân viêm nhiễm và đang trong giai đoạn cấp tính cần điều trị bằng kháng sinh sớm, mạnh, liên tục, kéo dài. Trong lúc chờ kết quả kháng sinh đồ, nên dùng các kháng sinh đặc hiệu gram (+), nên dùng kháng sinh tĩnh mạch, phải dùng ít nhất 4 tuần sau khi tốc độ lắng máu trở lại bình thường. Có thể cân nhắc bơm trực tiếp vào ổ viêm. Bất động: Để tránh nhiễm khuẩn lan rộng và giúp giảm đau. Nên dùng bột để bất động và bất động liên tục cho đến khi khỏi
- Khi có áp-xe dưới màng xương hoặc phần mềm phải xẻ dẫn lưu mủ
- Nếu bệnh gây tổn thương vĩnh viễn cho các khớp xương thì bạn có thể áp dụng bài tập toàn diện và chương trình tăng cường giúp làm giảm bớt các triệu chứng đau đớn cũng như hỗ trợ khôi phục phạm vi vận động.
- Trong trường hợp nặng, bạn sẽ cần phẫu thuật chỉnh xương.
Tóm lại, viêm xương nhiễm trùng là một bệnh lý khá nguy hiểm, dù sau khi điều trị khỏi bệnh bằng phương pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật thì người bệnh viêm xương vẫn cần duy trì lối sống khoa học, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, luyện tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ…