Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Vỡ tử cung là gì? Những điều cần biết về vỡ tử cung
Vỡ tử cung trong chuyển dạ là 1 trong 5 tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Tổng quan chung
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa gây nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi. Vỡ tử cung xảy ra khi tất cả các lớp của tử cung bị vỡ ra mà không phải do phẫu thuật. Triệu chứng điển hình là chảy máu, có thể tống xuất một phần hay toàn bộ các phần thai vào ổ bụng. Hiện tượng tai biến này có thể gặp trong hai thời kỳ mang thai: Thời kỳ thai nghén hoặc trong thời kỳ chuyển dạ.
Những hình thái lâm sàng trong vỡ tử cung:
- Vỡ tử cung hoàn toàn: Tử cung bị tổn thương ở toàn bộ các lớp từ niêm mạc cho đến cơ tử cung, phúc mạc. Thai và rau thai thường bị đẩy vào ổ bụng.
- Vỡ tử cung dưới phúc mạc: Tử cung bị tổn thương ở lớp niêm mạc và cơ. Lớp phúc mạc vẫn còn nguyên vẹn.
- Vỡ tử cung phức tạp: Tương tự các dấu hiệu của vỡ tử cung hoàn toàn nhưng kèm theo là sự tổn thương tạng xung quanh như niệu quản, mạch máu, bàng quang, đại – trực tràng,…
- Vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ: Thường vết mổ sẽ bị nứt một phần, ít chảy máu. Chẩn đoán được khi mổ lấy thai hoặc khi kiểm soát tử cung.
Đây là một bệnh lý nguy hiểm trong tai biến sản khoa. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể cứu sống cả mẹ và con.
Triệu chứng
Vỡ tử cung thường xảy ra trong lúc chuyển dạ đẻ. Bạn có thể phát hiện dấu hiệu vỡ tử cung như:
- Dấu hiệu dọa vỡ: Cơn co tử cung ngày càng mạnh và nhanh, sản phụ đau đớn, vật vã. Nhìn trên ổ bụng thấy đáy tử cung cao dần lên so với rốn. Ở dưới rốn thấy tử cung có một chỗ thắt lại làm cho tử cung không còn hình trứng mà có hình một quả bầu. Vòng thắt này chính là ranh giới giữa thân tử cung và đoạn dưới tử cung và tử cung sẽ vỡ dưới vòng thắt.
- Dấu hiệu vỡ tử cung: Cơn co tử cung ngày một dồn dập, sản phụ đau tăng lên dữ dội rồi tự nhiên giảm đau. Khi đó tử cung đã vỡ nên mất hẳn cơn co hoặc cơn co chỉ còn rất nhẹ, hình dáng tử cung thay đổi, có thể sờ ngay thấy thai nhi dưới da bụng người mẹ, tim thai mất hoặc đập rất yếu. Vì tử cung bị vỡ nên máu sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng làm cho sản phụ bị choáng, mặt nhợt nhạt, thở nông, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhỏ và nhanh, huyết áp tụt thấp. Sản phụ có thể chết ngay vì choáng và chảy máu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây vỡ tử cung trong chuyển dạ là do áp lực tăng trong quá trình chuyển dạ, khi thai nhi di chuyển qua ống sinh của mẹ. Áp lực này sẽ khiến cho tử cung bị rách và thường rách theo vị trí của vết sẹo do sinh mổ lần trước. Đây cũng chính là nguyên do mà bác sĩ thường khuyên sản phụ không nên sinh thường nếu đã từng sinh mổ trước đó. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Mang thai ngoài tử cung là một trong những nguyên nhân chính gây vỡ tử cung. Khi kích thước của bào thai lớn dần sẽ làm căng giãn các cơ tại vị trí làm tổ như vòi tử cung, buồng trứng, ổ bụng,… vượt quá sức chứa của các cơ quan này sẽ gây ra vỡ. Do cấu trúc của các cơ quan này mỏng và không đàn hồi mạnh như tử cung nên chúng không phải là môi trường phù hợp cho việc làm tổ và phát triển của thai nhi. Theo thời gian khi kích thước thai nhi tăng lên sẽ gây vỡ tử cung.
- Chuyển dạ cũng là nguyên nhân gây vỡ tử cung. Trong quá trình chuyển dạ, tử cung co bóp mạnh nhằm đẩy thai nhi xuống và làm cổ tử cung mở rộng hơn, chuẩn bị cho giai đoạn sinh con. Việc tăng kích thích co bóp bằng thuốc oxytocin không đúng liều là yếu tố chính gây nguy hiểm trong quá trình chuyển dạ. Vì thuốc có thể làm tăng kích thích co bóp, việc bị kích thích quá mạnh có thể vượt ngưỡng chịu đựng của tử cung gây vỡ tử cung.
- Chấn thương vùng bụng khi kích thước thai nhi còn nhỏ có thể gây dọa sẩy và sẩy thai. Tuy nhiên, khi kích thước thai nhi đã lớn thì một sang chấn mạnh có thể gây áp lực lớn lên tử cung, chèn ép mạnh và vỡ tử cung trong giây lát. Do đó, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên chú ý việc di chuyển trong nhà, nơi làm việc và khi di chuyển trên các phương tiện giao thông nhằm tránh nguy cơ đáng tiếc xảy ra.
- Vỡ tử cung tại vết mổ cũ gặp ở những phụ nữ có tiền sử sinh con bằng phương pháp mổ đẻ hoặc đã thực hiện các phẫu thuật khác tại tử cung. Vết mổ cũ là vị trí tạo mô sẹo, ít đàn hồi hơn các lớp mô cơ bình thường khác, dễ bị nứt chỉ khi có tác động mạnh. Do đó, việc thai nhi kích thước lớn hơn có thể gây ra áp lực quá mức tới vị trí tử cung tại vết mổ cũ, gây rách da theo vết mổ dẫn đến vỡ tử cung. Đối với các trường hợp vị trí thai làm tổ gần vết mổ cũ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng có nguy cơ bị vỡ tử cung là:
- Tiền sử mổ lấy thai trên thân tử cung.
- Có hai lần mổ lấy thai trở lên.
- Tiền sử mổ cắt góc tử cung điều trị mang thai ngoài tử cung.
- Tiền sử mổ bóc nhân xơ tử cung.
- Tiền sử khâu lỗ thủng tử cung.
Chẩn đoán
Trong quá trình theo dõi thai kỳ, bác sĩ sẽ tổng hợp tiền căn của mẹ bầu, các yếu tố nguy cơ, các thông tin của khám thai hiện tại để tiên lượng các yếu tố khó khăn có thể có khi thai kỳ đến thời điểm sinh.
Mẹ bầu có thể được thực hiện thêm các chẩn đoán cận lâm sàng vào cuối thai kỳ để mẹ bầu cùng với bác sĩ xem xét khả năng mổ lấy thai lập lại hay theo dõi nghiệm pháp sinh ngả âm đạo.
Cần phân biệt tình trạng vỡ tử cung với các tai biến sản khoa khác, chẳng hạn:
- Bàng quang căng do nước tiểu.
- Nhau tiền đạo: Không có dấu hiệu dọa vỡ tử cung, chỉ có hiện tượng xuất huyết ngoài, các cơn co tử cung không mạnh. Thăm khám âm đạo thấy một phần bánh nhau (nhau bám mép, nhau bám bán trung tâm) hoặc sờ thấy toàn bộ bánh nhau khi cổ tử cung mở (nhau bám trung tâm hoàn toàn).
- Nhau bong non: Có hiện tượng chảy máu âm đạo loãng, không đông. Sờ tử cung thấy cứng, không có khoảng giãn mềm.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa là khâu quan trọng để hạ thấp tỷ lệ vỡ tử cung và tỷ lệ tử vong do vỡ tử cung.
- Khi có thai: Phải khám thai thường xuyên, phát hiện sớm các nguy cơ đẻ khó như khung chậu hẹp, khung chậu méo, có sẹo mổ cũ ở tử cung (dù là sẹo mổ vì nguyên nhân nào), thai to, ngôi bất thường…
- Khi chuyển dạ:
- Khám phát hiện sớm các nguyên nhân đẻ khó.
- Theo dõi sát cuộc cuộc chuyển dạ, phát hiện được dấu hiệu dọa vỡ tử cung để xử trí kịp thời.
- Khi sử dụng các thuốc tăng cơ, truyền nhỏ giọt oxytocin cần phải đúng chỉ định, đúng liều lượng và theo dõi cẩn thận.
- Khi phải làm thủ thuật đường dưới như nội xoay thai, cắt thai, forceps, giác hút… phải đúng chỉ định và phải đủ điều kiện.
Điều trị như thế nào?
Tất cả các trường hợp dọa vỡ tử cung hay vỡ tử cung cần mổ lấy thai cấp cứu tối khẩn, vừa hồi sức vừa mổ. Tiến hành hồi sức cho mẹ bầu bằng cách bồi hoàn thể tích tuần hoàn: bù lại khối lượng máu bị mất, truyền dịch trước, trong và sau phẫu thuật.
Trong quá trình mổ, tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, vết vỡ tử cung đơn giản hay phức tạp, cũng như tương lai mang thai và sinh nở của mẹ bầu mà bác sĩ có chỉ định bảo tồn hoặc cắt tử cung.
- Khâu bảo tồn tử cung: Tuổi mẹ bầu còn trẻ, còn nguyện vọng mang thai và sinh nở trong tương lai, tử cung bị vỡ không phức tạp, không bị nhiễm khuẩn tử cung.
- Cắt tử cung: Khi mẹ bầu lớn tuổi, đã sinh nở nhiều lần, đã đủ số con mong muốn, không còn nguyện vọng mang thai và sinh nở trong tương lai, có tình trạng nhiễm khuẩn nhiều, hoặc vết vỡ tử cung phức tạp, cần cắt tử cung để cầm máu và có nhiều cơ hội phục hồi tốt sức khoẻ cho mẹ bầu.
Khi vết vỡ tử cung phức tạp, cần kiểm tra các cơ quan lân cận như bàng quang, niệu quản 2 bên, ruột… có bị tổn thương không. Nếu các cơ quan lân cận bị tổn thương, sẽ tuỳ tình trạng mà xử trí theo đúng chuyên khoa. Sau phẫu thuật, mẹ bầu được chỉ định dùng kháng sinh liều cao và chăm sóc hậu phẫu sát sao.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.