Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Những điều cần biết về xuất huyết giảm tiểu cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nặng nề đe dọa tới sức khỏe. Các biến chứng như chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, và xuất huyết não thường xảy ra và là những vấn đề phổ biến mà căn bệnh này gây ra. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về xuất huyết giảm tiểu cầu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường có căn nguyên là do miễn dịch. Đây là một tình trạng rối loạn chảy máu xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ tấn công và phá hủy các tiểu cầu. Các nguyên nhân của giảm tiểu cầu miễn dịch chưa được biết rõ ràng, có thể có mối liên hệ với nhiễm virus gần đây, sử dụng một số loại thuốc, bị rối loạn miễn dịch (bao gồm lupus) hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng nặng.
Tiểu cầu là các tế bào máu lưu thông trong dòng tuần hoàn có vai trò giúp đông và cầm máu. Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể xuất hiện chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. May mắn là xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em do miễn dịch sẽ tự thuyên giảm trong vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc để điều trị hoặc bệnh tự khỏi.
Tuy nhiên, khi xuất huyết giảm tiểu cầu trẻ em kéo dài vài tháng đến vài năm, tình trạng này có thể trở thành một bệnh lý mãn tính.
Triệu chứng
Tùy vào lượng tiểu cầu mất đi trong máu mà các dấu hiệu giảm tiểu cầu ở trẻ không giống nhau. Dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em điển hình là:
- Có đốm đỏ, tím liên kết thành vết bầm hoặc thành đám trên niêm mạc, trên da.
- Hay bị chảy máu ở chân răng, chảy máu cam.
- Nước tiểu, phân có tia máu.
- Bị chấn thương rất dễ chảy máu nhưng lại khó cầm máu, nhất là bị ở vùng đầu.
Nguyên nhân
Hầu hết trường hợp trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân và được xếp vào rối loạn miễn dịch. Một số yếu tố sau được xem là nguy cơ có liên quan đến xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em:
- Bẩm sinh hoặc di truyền.
- Trẻ mắc bệnh xâm lấn tủy, suy tủy.
- Trẻ mắc bệnh nhiễm trùng như: quai bị, sởi, nhiễm trùng huyết,…
- Nhiễm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
- Trẻ bị bệnh tự miễn khiến tiểu cầu bị tăng lên về số lượng: viêm đa khớp dạng thấp, bướu máu, viêm nút động mạch,…
- Trẻ đang dùng thuốc trị co giật, thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm,…
Đối tượng nguy cơ
Chẩn đoán
Khi bắt đầu quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ quan sát và hỏi về các triệu chứng, dấu hiệu bất thường của trẻ. Ngoài ra để tránh nhầm lẫn với biểu hiện dị ứng, cha mẹ cũng cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh của con, các loại thực phẩm, thuốc trẻ đang dùng.
Nếu có nghi ngờ trẻ mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em bao gồm:
- Xét nghiệm tủy đồ: Đây được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu hiện nay.
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá nồng độ tiểu cầu và tốc độ đông máu.
- Xét nghiệm vi sinh.
- Xét nghiệm miễn dịch.
- Các xét nghiệm khác (nếu bệnh nhi bị thiếu máu) Gồm Sắt huyết thanh, hồng cầu lưới, LDH, Bilirubin, Ferritin, Haptoglobin…
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Nếu có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ bạn cần gặp bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm.
Điều trị như thế nào?
Nguyên lý chung trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu là theo dõi công thức máu, khi số lượng tiểu cầu thấp hơn 10.000 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu tình trạng này xảy ra, liệu pháp tạm thời cần thực hiện là phải làm tăng số lượng tiểu cầu để giảm thiểu nguy cơ chảy máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Các lựa chọn điều trị cho xuất huyết giảm tiểu cầu bao gồm:
- Quan sát bằng cách theo dõi thường xuyên số lượng tiểu cầu và theo dõi các triệu chứng chảy máu
- Ngừng các loại thuốc được cho là gây ra xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
- Điều trị nhiễm trùng
Các phương pháp điều trị khác cũng có thể được xem xét, bao gồm sử dụng steroid (thường là prednisone), truyền globulin, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch hay Rituximab, thuốc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Những loại thuốc này “đánh lừa” phản ứng của cơ thể để nó không tiếp tục phá hủy tiểu cầu hoặc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Trong một số trường hợp kháng trị với thuốc, phẫu thuật cắt lách có thể được khuyến nghị.
Như vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu, cha mẹ cần biết rằng các loại thuốc được chỉ định là để ngăn hệ thống miễn dịch của chính cơ thể trẻ phá hủy các tiểu cầu. Thuốc cũng có thể được cung cấp nhằm mục tiêu giúp tăng lượng tiểu cầu và ngăn ngừa chảy máu.
Các dạng thuốc được sử dụng để điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể là dạng viên uống hoặc qua đường tiêm tĩnh mạch. Khi điều trị tại nhà, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn. Báo cho bác sĩ biết nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào cũng như cung cấp cho bác sĩ các loại thuốc, vitamin và thảo mộc mà trẻ đang dùng.
Thời gian điều trị sẽ tùy vào bệnh nguyên gây ra và khả năng đáp ứng với thuốc. Số lượng tiểu cầu có thể tăng và giảm trong nhiều tháng. Nếu trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch, tình trạng này thường tự khỏi trong vòng 12 tháng. Một số ít bệnh nhi không khỏi bệnh trong khoảng thời gian này và có thể diễn tiến thành mãn tính.
Xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý tự miễn có thể gây ra các triệu chứng chảy máu nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu rõ về bệnh, các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh và gia đình quản lý tình trạng này hiệu quả hơn. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.