Bị đau ở cổ họng bên phải hoặc bên trái (đau một bên) là bệnh gì?
Bị đau ở cổ họng bên phải hoặc bên trái không những khiến người bệnh khó chịu mà chúng còn là triệu chứng tiềm ẩn cho những căn bệnh nguy hiểm. Vậy, nguyên nhân gây nên tình trạng này là gì? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc trên và đưa ra lời khuyên hữu ích để bạn có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Bị đau ở cổ họng bên phải hoặc bên trái là bệnh gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị đau cổ họng bên trái hay bên phải (đau một bên), chẳng hạn:
Do nhiễm Covid-19
Việc nhiễm Covid-19 sẽ làm hạch bạch huyết sưng to, chảy dịch mũi và dẫn đến tình trạng bị đau ở cổ họng bên phải hoặc trái. Khi nghi ngờ bản thân đau họng do Covid-19, bạn nên test nhanh Covid-19 để có phương pháp điều trị đúng cách. Ngoài ra, khi xác định nguyên do đau họng là vì lây nhiễm Covid-19 thì bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Sử dụng viên ngậm hay các loại thuốc ho.
- Dùng thuốc hạ sốt và giảm đau, chẳng hạn Paracetamol.
- Ưu tiên dùng nước ấm hay trà nóng có pha thêm chút mật ong.
- Uống nước đều đặn mỗi ngày.
- Dành thời gian nghỉ ngơi.
- Đối với người bị mắc Covid-19 và gặp các vấn đề về xoang, đau tai, đau mặt thì có thể tham khảo sử dụng thuốc dị ứng hay thuốc thông mũi.
Đau cổ họng bên trái hoặc phải do chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau là tình trạng chất nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng, làm vướng víu, ho khan và khiến hơi thở có mùi. Thông thường, các tuyến bên trong mũi và cổ họng sản xuất từ 1 – 2 lít chất nhầy hàng ngày. Nhưng khi cơ thể bị nhiễm trùng hay dị ứng thì lượng chất nhầy tiết ra sẽ nhiều hơn so với mức bình thường. Lúc này, chúng không thể thoát ra ngoài, dần chảy xuống họng, làm kích ứng cổ họng nên gây ra cảm giác đau rát. Các cơn đau này có thể xảy ra ở một bên họng, nhất là sau khi người bệnh thức dậy ở tư thế ngủ nghiêng.
Bị viêm amidan
Viêm amidan xảy ra là do nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến một amidan và khiến người bệnh bị đau một bên họng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác của viêm amidan như:
- Bị sốt.
- Thường xuyên đau đầu, đau bụng.
- Khó nuốt thức ăn.
- Hôi miệng, bị nghẹt mũi hay chảy nước mũi.
- Hạch bạch huyết bị sưng.
- Amidan sưng đỏ hoặc có mủ.
- Xuất huyết amidan.
Để giảm đau cổ họng bên phải hay trái do viêm amidan, bạn có thể thử súc miệng bằng nước muối hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng không có dấu hiệu cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Áp xe quanh amidan gây đau cổ họng
Áp xe quanh amidan có thể gây biến chứng viêm họng liên cầu khuẩn hay viêm amidan do vi khuẩn gây ra. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng khiến amidan bị nhiễm trùng, hình thành nên các túi mủ quanh một amidan và làm đau cả hai bên họng.
Tuy nhiên, cơn đau họng thường tập trung ở bên amidan bị viêm, khiến bạn cảm thấy đau nhức ở một bên họng hơn bên còn lại. Ngoài ra, hãy tham khảo thêm các triệu chứng khác của áp xe quanh amidan, gồm:
- Sốt cao, cảm giác mệt mỏi, hôi miệng.
- Bị khàn tiếng, nói chuyện khó, chảy nước dãi thường xuyên.
- Khó nuốt.
- Cảm giác đau ở bên tai bị ảnh hưởng.
Việc bị đau ở cổ họng bên trái, phải hay cả hai bên do áp xe quanh amidan đòi hỏi người bệnh phải đến khám bác sĩ ngay lập tức. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng kim và rạch một vết mổ nhằm hút mủ ra khỏi amidan và kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.
Do viêm loét miệng
Lở miệng là tình trạng xuất hiện các vết loét nhỏ, tròn hoặc bầu dục và hình thành bên trong miệng, ở nhiều vị trí như má, lưỡi, môi hoặc vòm miệng. Các vết loét thường có màu trắng hoặc vàng ở giữa, viền đỏ. Đặc biệt, đối với các vết loét có kích thước nhỏ, xuất hiện ở một góc phía sau cổ họng sẽ gây ra cảm giác đau họng một bên. Tình trạng viêm loét miệng có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần hoặc bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng việc dùng thuốc benzocaine ngay tại nhà.
Do các hạch bạch huyết bị sưng
Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi hạch bạch huyết bị sưng, đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm virus hay vi khuẩn. Phần lớn, người bệnh sẽ nhận thấy các hạch bạch huyết sưng lên ở các bộ phận như cổ, nách hoặc háng. Trong đó, có rất nhiều hạch bạch huyết nằm ở vùng đầu và cổ, khi sưng sẽ vô cùng đau đớn và khiến bạn bị đau ở cổ họng bên phải hoặc bên trái.
Đặc biệt, tình trạng sưng hạch bạch huyết rất có thể là dấu hiệu tiềm ẩn do bệnh ung thư hay HIV. Vì vậy, các bạn nên đi khám ngay khi gặp tình trạng trên kèm theo các triệu chứng khác như:
- Thường xuyên đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, khó thở hay sốt kéo dài.
- Cân nặng giảm đột ngột.
- Tình trạng hạch bị sưng kéo dài hơn 2 tuần.
- Các hạch sưng nằm ở dưới cổ hay gần xương đòn.
- Da bị viêm và đỏ tại vị trí hạch bị sưng.
Gặp tình trạng đau dây thần kinh lưỡi – hầu hay dây thần kinh sinh ba
Đau dây thần kinh lưỡi – hầu hay dây thần kinh sinh ba là tình trạng đau nhức dữ dội ở khu vực ống tai, lưỡi, amidan cùng với hàm và mặt. Thông thường, các cơn đau chỉ xảy ra ở một bên mặt.
Tình trạng đau dây thần kinh lưỡi – hầu sẽ tập trung chủ yếu ở vùng phía sau cổ họng và lưỡi. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn nuốt thức ăn hoặc nước uống và có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, đau dây thần kinh sinh ba xuất hiện ở vùng mặt hay bên trong miệng. Cơn đau ở dây thần kinh sinh ba xuất hiện đột ngột và kéo dài. Đặc biệt, cảm giác đau sẽ tăng lên khi người bệnh chạm vào mặt hay ăn uống. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì cả hai tình trạng trên đều có thể khắc phục được bằng các loại thuốc giảm đau thần kinh, như gabapentin, pregabalin hoặc carbamazepine.
Do nhiễm trùng hay áp xe răng
Tại sao bị áp xe răng gây đau cổ họng bên trái hoặc phải? Áp xe răng là tập hợp ổ nhiễm trùng ở chân răng, gây ra cơn đau nhức dữ dội lan đến hàm, tai và một bên mặt. Bên cạnh đó, khi bị áp xe răng khiến hạch bạch huyết vùng cổ bị sưng to, gây đau cổ họng bên phải hoặc trái. Một số dấu hiệu nhận biết răng đang bị nhiễm trùng, như:
- Cảm giác đau khi nhai thức ăn.
- Bị nhạy cảm khi thời tiết nóng hay lạnh.
- Bị sốt.
- Mặt hoặc má bị sưng to.
- Sưng hạch bạch huyết ở khu vực hàm và cổ.
Trong đó, việc bị nhiễm trùng răng khôn là phổ biến nhất. Do răng khôn có 4 chiếc, nằm ở phía sau cùng của hàm nên sẽ không đủ không gian để phát triển và rất khó để vệ sinh. Vì thế, chúng rất dễ bị nhiễm trùng, gây đau và sưng hàm. Đối với tình trạng này, bạn nên đến nha sĩ để bác sĩ tiến hành loại bỏ răng khôn hoặc dùng thuốc kháng sinh.
Bị đau ở cổ họng bên trái hoặc phải do viêm thanh quản
Theo chuyên gia sức khỏe, việc đau cổ họng bên trái hay phải có liên quan đến viêm thanh quản. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do người bệnh nói quá nhiều, khiến thanh quản bị kích thích, nhiễm virus và bị viêm. Ngoài ra, một số triệu chứng của viêm thanh quản mà bạn cần chú ý, như:
- Bị mất tiếng, khàn tiếng.
- Cảm giác khô họng, ho khan.
- Nghe thấy tiếng động lạ ở trong cổ họng.
Khi nào bạn phải đi khám nếu bị đau ở cổ họng bên phải hoặc bên trái?
Đau họng được xem là một triệu chứng rất phổ biến, thường do virus gây ra, như cảm cúm hay cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu đau họng kéo dài, kèm theo các triệu chứng sau đây thì người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, cụ thể:
- Khó nuốt thức ăn và chất lỏng.
- Sốt cao, cảm giác khó thở.
- Đau dữ dội ở vùng họng.
- Tim đập nhanh, thở gấp.
- Xuất hiện các triệu chứng của phản ứng dị ứng, như phát ban, ngứa, nghẹt mũi,…
Tóm lại, bị đau ở cổ họng bên phải hoặc trái có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm họng mãn tính, ung thư vòm họng. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng bất thường thì bạn nên đến khám tại cơ sở y tế uy tín để điều trị sớm, giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.