Biến chứng của bệnh cúm: Hiểu rõ và phòng tránh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh cúm theo mùa, trong đó có 3–5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng. Nó gây ra 290.000 đến 650.000 ca tử vong về đường hô hấp hàng năm. Trong đó 99% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến cúm là ở các nước đang phát triển.
Bệnh cúm là gì?
- Cúm là một bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp ở mũi, họng và đôi khi là phổi, do virus cúm gây ra.
- Hầu hết mọi người đều hồi phục mà không cần điều trị.
- Cúm lây lan dễ dàng giữa người với người qua ho hoặc hắt hơi.
- Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vắc xin cúm hàng năm.
Triệu chứng bệnh cúm
Bệnh cúm có dấu hiệu bắt đầu từ 1–4 ngày sau khi nhiễm bệnh và thường kéo dài khoảng một tuần – sốt cấp tính, ho, đau họng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi…
Sốt, chảy nước mũi là một trong các biểu hiện của bệnh cúm
Nguyên nhân gây bệnh cúm
- Cúm là do virus cúm lây lan từ người sang người qua ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc chạm vào bề mặt hoặc đồ vật có virus cúm trên đó rồi chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt.
- Có 4 loại virus cúm là A, B, C và D. Virus cúm A và B lưu hành và gây dịch bệnh theo mùa .
- Virus cúm A: được phân loại thành các phân nhóm dựa trên sự kết hợp của các protein trên bề mặt của virus, hiện đang lưu hành ở người là các loại vi-rút cúm A(H1N1) và A(H3N2). A(H1N1) còn được viết là A(H1N1)pdm09 vì nó gây ra đại dịch năm 2009 và thay thế vi-rút A(H1N1) trước đó đã lưu hành trước năm 2009.
- Virus cúm B: không được phân loại thành các phân nhóm nhưng có thể được chia thành các dòng B/Yamagata hoặc B/Victoria.
- Virus cúm C: được phát hiện ít hơn và thường gây nhiễm trùng nhẹ, do đó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cộng đồng.
- Virus cúm D: chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và được biết là không có khả năng lây nhiễm hoặc gây bệnh ở người.
Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra
Biến chứng của bệnh cúm
- Nhiễm trùng xoang và tai là các biến chứng thường gặp do cúm.
- Viêm phổi là một biến chứng nghiêm trọng của cúm có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn.
- Viêm cơ tim
- Viêm não
- Viêm các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân)
- Suy đa cơ quan (suy hô hấp và suy thận).
- Nhiễm trùng huyết: Nhiễm virus cúm ở đường hô hấp có thể gây ra phản ứng viêm cực độ trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
- Cúm cũng có thể làm cho các vấn đề bệnh lý mãn tính trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, những người mắc bệnh hen suyễn có thể bị lên cơn hen khi bị cúm và những người mắc bệnh tim mãn tính có thể bị tình trạng này trầm trọng hơn do cúm gây ra.
Đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm, bao gồm:
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên.
- Phụ nữ mang thai.
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Những người mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim.
Điều trị cúm nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng. Người bị cúm nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Hầu hết mọi người sẽ tự hồi phục trong vòng một tuần. Trường hợp nghiêm trọng và đối với những người có yếu tố nguy cơ, người bệnh nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.