Biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê hiện nay trên thế giới có đến 1,13 tỷ người có huyết áp cao, con số này được dự đoán lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025. Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương cơ quan đích như não, tim, thận, gia tăng nguy cơ tử vong. Cùng tìm hiểu biến chứng của bệnh tăng huyết áp ở bài viết dưới đây.
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số:
- Huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp
- Huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim bạn được thư giãn.
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg – Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.
Biến chứng của bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không rõ triệu chứng, trừ khi bệnh nhân tăng huyết áp lên quá cao và đột ngột có thể xuất hiện tình trạng choáng váng, ù tai, hoa mắt, đỏ mặt buồn nôn, đau tức ngực,…
Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng”.
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Biến chứng ở tim: nhồi máu cơ tim,suy tim, suy tim mất bù, rung nhĩ,…
- Biến chứng ở não: nhồi máu não, xuất huyết não, suy giảm trí nhớ,..
- Biến chứng ở thận: suy thận ở nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận định kỳ)
- Biến đổi mạch máu ở đáy mắt do huyết áp cao, có thể gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, nghiêm trọng hơn là gây mù
- Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: do xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn là loét, hoại tử phải cắt chi gây tàn phế
- Rối loạn cương dương: thường gặp, đặc biệt nếu có kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Phòng ngừa bệnh cao huyết áp là một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh cao huyết áp:
Duy trì một lối sống lành mạnh
- Ăn uống cân bằng: hạn chế muối và chất béo, tăng cường tiêu thụ trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu kali và chất xơ.
- Giảm cân nếu bạn có thừa cân: duy trì cân nặng trong khoảng phù hợp giúp giảm áp lực lên hệ thống tim mạch.
- Hạn chế uống rượu và cafein: uống rượu một cách có kiểm soát và hạn chế tiêu thụ các thức uống chứa cafein như cà phê và nước ngọt có gas.
Tập thể dục đều đặn
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần: bao gồm các hoạt động aerobic như đi bộ nhanh, chạy, bơi, đi xe đạp.
- Tăng cường hoạt động hàng ngày: Ngoài tập thể dục định kỳ, hãy tìm cách tăng cường hoạt động hàng ngày bằng cách đi bộ, chạy bộ hoặc sử dụng cầu thang thay vì thang máy.
Kiểm soát stress
- Thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền, yoga, tập thể dục, thư giãn, và thời gian cho bản thân.
- Xác định nguyên nhân stress và tìm cách giải quyết: tìm hiểu các kỹ năng kiểm soát stress và tìm cách giải quyết các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
- Giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí: hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và bảo vệ hệ thống hô hấp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Kiểm tra huyết áp định kỳ để phát hiện cao huyết áp sớm và điều chỉnh điều trị kịp thời.
- Theo dõi sức khỏe tổng thể: định kỳ kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng khác như cholesterol, đường huyết, hàm lượng kali và các chỉ số chức năng tim mạch.
Biến chứng tăng huyết áp gồm nhiều bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh. Vậy nên, công tác phòng ngừa và kiểm soát chỉ số huyết áp cần được thực hiện tốt, y án theo phác đồ điều trị của bác sĩ.